| Hotline: 0983.970.780

Dự bão bão số 1: "Ông" bảo ở vĩ độ này, "ông" nói ở vĩ độ khác là... bình thường (!?)

Thứ Ba 20/07/2010 , 09:55 (GMT+7)

Nhiều người cho rằng công tác dự báo đang gặp vấn đề, khi thực tế bão số 1 vừa qua nhỏ hơn dự báo khiến các địa phương mệt mỏi vì lo lắng thừa…

* Có tỉnh muốn "lọt" vào đường đi của bão để... dễ xin hỗ trợ từ TƯ? 

Ông Bùi Minh Tăng, GĐ TT Khí tượng Thủy văn TƯ

Nhiều người cho rằng công tác dự báo đang gặp vấn đề, khi thực tế bão số 1 vừa qua nhỏ hơn dự báo của cơ quan chức năng khiến các địa phương mệt mỏi vì lo lắng thừa…NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Minh Tăng, GĐ TT Khí tượng Thủy văn TƯ (NCHMF). 

Thưa ông, dư luận đang cho rằng bão số 1 nhỏ hơn nhiều so với dự báo của NCHMF, thực chất có đúng? 

Tôi xin nói thẳng, những ai cho rằng các thông số ảnh hưởng của bão số 1 nhỏ hơn so với thực tế là không khách quan và ít hiểu biết về dự báo bão. Thực tế chúng tôi đã dự báo bão số 1 đổ bộ vào mình cấp 10, 11 và hoàn toàn chính xác. Nếu xét ở thời điểm này thời điểm kia thì có sự chênh lệch, nhưng theo suốt quá trình của bão thì NCHMF không có dự đoán nào vượt qua các sai số cho phép.  

Ông có thể chứng minh? 

Cụ thể, bão số 1 vừa rồi trên đảo Bạch Long Vĩ, gió mạnh 40m/s, cấp 13, giật cấp 17 (57m/s). Đảo Cô Tô, gió mạnh 26m/s, cấp 10, giật cấp 13 (40m/s). Còn trên đất liền, toàn bộ tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng giật cấp 11,12, người dân ở những nơi này sẽ thấy bão số 1 quá mạnh, dự báo có phần nhẹ hơn so với thực tế.  

Nhưng thực tế dự báo hướng đi của bão quá “vênh” qua từng thời điểm? 

Nhìn sơ đồ đường đi của bão mọi người thấy đường thẳng nhưng trong quãng di chuyển đó có sự di chuyển dích dắc, lúc lệch đông lúc lệch tây và rất biến hóa. Trong 6 giờ bão chuyển hướng bắc, chúng tôi vẫn theo dõi nhưng chờ xem bão ổn định theo hướng nào rồi thông báo chính thức. Chúng tôi cố gắng tránh nói bão yếu đi hay đổi hướng trong từng thời gian ngắn mà bám sát để dự báo, thông báo vùng ảnh hưởng.  

Phải chăng dự báo của NCHMF theo kiểu cứ "phóng" lên để lên dây cót cho các địa phương? 

Không phải. Dự báo bão phải khoa học. Một cơn bão thường có độ lệch của nó. Cơn bão vừa rồi có độ lệch rất lớn giữa phía Bắc và Nam, vì thế phải mở rộng phạm vi dự báo để đề phòng. Một cơn bão thường có 2 vành. Vành trong, cấp 10 rất nhỏ nhưng gió cực mạnh còn vành ngoài rất lớn, phạm vi ảnh hưởng khá rộng.

Bão số 1 vừa rồi di chuyển biến hóa nên phạm vi lại càng lớn hơn. Một ngày trước thì không thể xác định tâm bão nằm ở chỗ nào. Khó dự báo chính xác, tâm bão vào địa điểm nào, trong một khoảng hẹp nào cả. Sớm nhất cũng phải mất 3-4 giờ mới có thể dự báo chính xác tâm bão vào đâu. Căn cứ vào độ phức tạp về hướng đi của bão chúng tôi lấy phạm vi ảnh hưởng từ Hải Phòng đến Nghệ An và thu hẹp dần dần.  

Còn lượng mưa thì sao? Nhiều nơi nói mưa lớn thì mưa rất nhỏ, thậm chí các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An mưa chưa đủ...giải hạn? 

Lượng mưa cũng thay đổi so với dự báo ban đầu vì nhiều lý do không ai có thể lường được. Trong tất cả các cơn bão thì lượng mưa thường đối nghịch với gió. Gió mạnh thì mưa ít. Hải Phòng, Quảng Ninh lượng mưa thấp hơn Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình….

Nhưng nguyên nhân chính là do khi bão số 1 đang hoành hành và dần suy yếu thì đã có ATNĐ hình thành ở Philippin. Tất cả độ ẩm ngoài biển đều bị hút vào ATNĐ. Nếu không có ATNĐ này thì bão số 1 vẫn còn tồn tại và lượng mưa sẽ đúng như dự báo ban đầu. Khi dự báo bão số 1 thì ATNĐ chưa hình thành, vì thế khi nó hình thành thì các dự báo đều sai hết. Nếu chính xác thì đã không gọi là dự báo. 

Nhưng dù "biện hộ" thế nào thì nhiều địa phương vẫn bức xúc vì dự báo lần này khiến họ mệt mỏi?

NCHMF  dự báo bão mạnh hơn thực tế để  “đánh động” địa phương nâng cao cảnh giác? 

Hoàn toàn không có chuyện đó, thực tế bão số 1 mạnh thật. Thời điểm trước 1 ngày bão đổ bộ vào bờ chúng tôi cũng không thể biết chính xác tâm bão vào đâu. Tất nhiên, trong tất cả các dự báo thì phạm vi ảnh hưởng bao giờ cũng phải lớn hơn thực tế.

Chúng tôi đã làm hết khả năng và nhiệm vụ của mình. Còn các địa phương, khi bão chưa vào thì họ gọi điện nhờ điền tên tỉnh mình vào khu vực bị ảnh hưởng để nâng cao cảnh giác cho người dân và thuận lợi trong việc hỗ trợ sau bão lũ. Chúng tôi cảnh báo dựa trên thực tế và hoàn toàn không thể thêm hay bớt địa phương nào. 

Điều đó có nghĩa là công tác dự báo quá khó khăn? 

Không chỉ khó khăn với chúng ta mà kể cả các trung tâm dự báo của nước ngoài. Như bão số 1 vừa rồi từ Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Trung Quốc…ban đầu đều dự báo vào Hồng Kông, cách biên giới chúng ta hơn 800km. Điều đó cho thấy gì? Tất cả các trung tâm dự báo hiện tại đều chỉ chính xác tương đối trong khoảng thời gian rất ngắn. Dự báo bão số 1 chỉ đúng khi mới hình thành và trong vòng 24 giờ đầu. Đến ngày hôm sau khi bão đã vào đến đất liền ở Hải Phòng và Quảng Ninh thì các trung tâm dự báo tiếp theo khác nhau. Còn dự báo ATNĐ đang hình thành hiện nay, các trung tâm vênh nhau 40- 50km đến hàng trăm km. Ông bảo ở vĩ độ này, ông ở vĩ độ khác trong cùng một thời điểm là bình thường.  

Tương quan mức chính xác các dự báo giữa ta và nước ngoài thế nào? 

Nếu ở khơi xa mình dự báo không bằng họ vì vệ tinh họ tốt hơn mình. Nếu gần bờ mình lại tốt hơn vì có hệ thống quan trắc. Ví dụ cơn bão số 1 vừa rồi mình phát tin cuối cùng ngày 18, còn Nhật Bản, Trung Quốc sáng nay mới phát tin cuối cùng. Vì họ căn cứ vào vệ tinh. Mà vệ tinh thì chỉ tương đối, hỗ trợ thôi. Cần phải có quan trắc mặt đất. 

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất