| Hotline: 0983.970.780

Du ca xóa tan ưu phiền

Thứ Năm 08/11/2012 , 09:51 (GMT+7)

Nhóm Du ca đường phố Sài Gòn lên đến 200 thành viên, gồm đủ thành phần, lứa tuổi...

Một dàn hợp ca lên đến 200 thành viên ngay trong công viên trung tâm Sài Gòn. Thành viên của dàn đồng ca này gồm đủ thành phần, lứa tuổi. Từ sinh viên, học sinh đến kỹ sư, công nhân… Những giai điệu căng tràn nhựa sống, những âm thanh mượt mà từ cây đàn ghi ta cất lên át tiếng ồn ào, náo nhiệt của đường phố.

Đó là hình ảnh của nhóm Du ca đường phố Sài Gòn.

NỐI VÒNG TAY LỚN

Một chiều cuối tuần, đi ngang công viên 30/4, Q.1, TPHCM, tôi ngỡ ngàng dừng xe khi nghe bài hát “Cây đàn sinh viên” của một dàn hợp ca trầm hùng, mạnh mẽ cất lên đâu đó. Vài giây định thần tôi mới sực nhớ, đó là tiếng hát của nhóm Du ca đường phố Sài Gòn. Không bỏ lỡ dịp, tôi gửi xe rồi nhanh chân ghé vào.

Trước mắt tôi, một góc rộng của công viên chật kín người. Hơn 200 thành viên của nhóm du ca, ngồi bệt dưới nền đường xi măng của công viên, trên lớp cỏ mượt, người đàn, người đánh trống, người say sưa hát, gương mặt họ rạng rỡ niềm vui. Xung quanh, hàng trăm khán giả, đa phần là các bạn trẻ đang lắc lư đầu, miệng lẩm nhẩm, cùng cuốn theo tiếng hát, tiếng đàn.

Sự mộc mạc, giản dị của nhóm du ca khiến cho cả khối người như không còn khoảng cách. Các ca khúc được thể hiện đủ mọi thể loại, từ nhạc cách mạng như: Thời hoa đỏ, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây… đến các ca khúc thịnh hành của giới trẻ như: Con đường màu xanh, Tìm lại, Cây đàn sinh viên…



Nhóm Du ca đã thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia, và thực sự là một sân chơi lý thú cho các bạn trẻ

Qua các bạn trẻ, tôi được biết nhóm Du ca đường phố Sài Gòn hình thành cách đây gần 2 năm, ban đầu chỉ có 8 thành viên trong nhóm bạn thân. Một trong những người chủ xướng phong trào này là bạn Huỳnh Lê Công Khánh, sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn.

“Hình thức du ca ban đầu xuất hiện ở Hà Nội hồi đầu 2010. Nhóm bạn em cũng là những người thích hát, ai cũng biết chơi đàn, sau khi tham khảo hình thức du ca của nhóm anh Hiếu ngoài Hà Nội, tụi em khoái nên bắt chước”, Khánh kể.

Đến nay, số thành viên thường xuyên tham gia sinh hoạt của nhóm đã lên đến con số 200, và có gần 3.000 người “like” Du ca đường phố Sài Gòn trên trang facebook của nhóm. Có thể nói, xuất hiện chưa lâu, nhưng nhóm đã tạo ra sức hút mạnh mẽ đối với giới trẻ Sài Gòn.


Các bạn thành viên mới đang tập hòa nhịp giọng hát của nhóm

Du ca đường phố Sài Gòn gây được ấn tượng với giới trẻ bởi phong cách trẻ trung, ngẫu hứng đậm chất di-gan. Sân khấu của nhóm đơn giản chỉ là một góc công viên, khoảng trống của sân Nhà văn hóa Thanh niên. Nhạc cụ đa dạng, nhưng chủ yếu là guitar, cajon, harmonica… Đa số thành viên trong nhóm vừa là nhạc công vừa là ca sĩ, ai cũng đàn hát rất “máu lửa”. Khán giả đến xem đều cảm nhận được niềm đam mê âm nhạc của Du ca đường phố Sài Gòn, người nhẩm theo lời bài hát, người lắc lư theo điệu nhạc.

Len lỏi, hỏi thăm mãi tôi mới gặp được bạn Huỳnh Bảo, người được một bạn trẻ giới thiệu là trưởng nhóm Du ca đường phố Sài Gòn. Tôi hỏi: “Tớ muốn trở thành thành viên của nhóm có được không?”. Bảo không hỏi tôi là ai, từ đâu đến mà nói ngay: “Dạ được chứ anh. Ai cũng có thể tham gia, miễn sao có chung niềm đam mê. Mỗi chiều Chủ nhật, anh cứ ra đây hát với tụi em”.

Rồi Bảo kể: “Thành viên ban đầu của nhóm đa số là sinh viên các trường, nhưng bây giờ có khá đông các bạn là công nhân, các anh chị đã ra trường, đi làm, nhiều người là kỹ sư. Mục đích ban đầu của nhóm là xóa tan những lo lắng, ưu tư phiền muộn, những căng thẳng trong công việc, học tập. Có lẽ sân chơi này đang giúp nhiều bạn lấy lại tinh thần, hưng phấn trong cuộc sống, nên họ tham gia ngày một đông. Nhóm rất vui vì vừa hát cho mình vừa mang lại niềm vui cho mọi người!”.

CUỘC ĐỜI ĐẸP HƠN

Ngày 19/8 vừa qua, nhóm Du ca đường phố Sài Gòn chính thức thành lập Câu lạc bộ với tên gọi Câu lạc bộ Du ca đường phố Sài Gòn nhằm mở rộng quy mô, nâng cao khả năng chơi đàn, sinh hoạt tập thể, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các bạn trẻ tham gia. CLB sinh hoạt vào các buổi chiều Chủ nhật. Trong đó, 2 buổi tập luyện nâng cao kỹ năng đàn, hát cho các thành viên. Hai buổi còn lại là biểu diễn du ca.


Du khách nước ngoài chụp hình kỷ niệm với các thành viên nhóm Du ca

Có thể nói, du ca đã tạo ra cho giới trẻ Sài Gòn một sân chơi đúng chất, không ồn ào, phô trương nhưng giàu tính nhân văn, giúp mọi thành viên sống tích cực và có trách nhiệm hơn. Với mỗi thành viên trong du ca, dù mới hay cũ, âm nhạc luôn là chất xúc tác, kéo mọi người đến cạnh nhau.

Anh Nguyễn Nhật Trường, một trong những tay guitar kỳ cựu của nhóm nói: “Ở Du ca không bao giờ có sự phân biệt người cũ, mới, hay, dở, bởi mọi thứ đơn giản chỉ là giải trí. Quan niệm thế nên mọi thành viên trong nhóm, người đi trước tận tình giúp đỡ, dẫn dắt người đi sau, ai biết gì làm nấy. Nhóm không hướng theo con đường chuyên nghiệp vì muốn giữ mãi chất du ca, cứ lang thang, gần gũi để cuộc đời thêm vui”.

“Ngoài việc tạo ra một sân chơi lành mạnh, Du ca đường phố Sài Gòn còn muốn khơi dậy sự chia sẻ của cộng đồng với những mảnh đời khó khăn, bất hạnh. Vì thế nhóm luôn ủng hộ những ý tưởng của thành viên về các chuyến đi biểu diễn tại các trung tâm bảo trợ xã hội, trại trẻ mồ côi… Từ những hành động tuy nhỏ này, nhóm hy vọng cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ sẽ chung tay xây dựng một xã hội tốt, nhiều lòng nhân ái hơn”, kỹ sư cơ khí Nguyễn Phạm Ngọc Quang, thành viên nhóm Du ca đường phố Sài Gòn tâm sự.

Còn bạn Đặng Kiều Trâm, 22 tuổi, nữ sinh viên năm cuối trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, một thành viên mới của nhóm, bày tỏ: “Em tình cờ thấy nhóm ca hát ở công viên, ghé vào xem. Rồi thích lúc nào không biết. Nhóm có nhiều chương trình hoạt động rất vui và bổ ích. Tham gia nhóm em thấy mình ngày càng tự tin và đặc biệt là có thêm nhiều bạn mới”.

Tiếp xúc với các thành viên trong nhóm du ca, tôi mới biết, dù đa số họ đều còn trẻ, chưa phải “lăn lộn” ngoài đời, nhưng họ đều có một trái tim nhân ái, biết nghĩ đến mọi người, sẵn sàng chia sẻ với những số phận kém may mắn, những mảnh đời bất hạnh. Nhóm du ca ra đời chưa lâu, nhưng đã có vài chuyến đi từ thiện. Nơi họ đến là những em nhỏ kém may mắn ở trường mù Nguyễn Đình Chiểu, những bệnh nhân ở trại phong Bến Sắn (Bình Dương)…Quà họ mang theo không chỉ có gạo, bánh, thức ăn… mà còn là tiếng hát chân tình, tiếng đàn thiết tha và cả những sẻ chia, động viên chân thành.

Vào trang facbook của nhóm du ca, tôi tình cờ đọc được những dòng tâm sự của bạn Hương Trà, thành viên của nhóm, mới thấy, du ca đã đem tình người bao la đến cho mỗi thành viên: “Gửi Du ca thương yêu! Có lẽ đây là lần cuối Trà còn được viết lên đây, cũng là lần cuối Trà được ngồi hát cùng mọi người. Hôm nay, Trà nhận bệnh án (một căn bệnh hiểm nghèo - PV), thật buồn khi đã cố gắng rất nhiều nhưng mọi thứ lại tệ hại hẳn đi. Ngày đầu tiên gặp mọi người ở cà phê Du ca, Trà thật sự vui, thật sự có cảm giác thân quen lắm! Trà có cảm giác cuộc sống chật hẹp của mình được mọi người nới rộng ra. Với Trà, 21 tuổi, đi qua nhiều điều, được sống, được là thành viên trong ngôi nhà này là điều tuyệt vời nhất rồi”.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cần Thơ điều chỉnh, ban hành lại quy chế họp báo gây tranh cãi

Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ sẽ tham mưu UBND thành phố tiếp tục điều chỉnh một số nội dung trong quy chế họp báo và ban hành lại cho phù hợp.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm