| Hotline: 0983.970.780

Du lịch hành xác dịp 1/5

Thứ Ba 04/05/2010 , 07:15 (GMT+7)

Con baba chưa đầy một kg bị "chém" một triệu đồng, giá thuê phòng cũng lên tới tiền triệu mỗi đêm, giao thông tắc nghẽn, khách ngất xỉu vì chen lấn... là hình ảnh tại nhiều điểm du lịch dịp 1/5.

Con baba chưa đầy một kg bị "chém" một triệu đồng, giá thuê phòng cũng lên tới tiền triệu mỗi đêm, giao thông tắc nghẽn, khách ngất xỉu vì chen lấn... là hình ảnh tại nhiều điểm du lịch dịp 1/5.

Không có điều kiện đi xa, gia đình chị Yên (quận Long Biên, Hà Nội) đến Khu du lịch Khoang Xanh chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 60 km. Chị kể, giá phòng tại đây không đắt lắm (250.000 đồng một đêm) song nhiều phòng bị tắc cống khiến du khách phải lội bì bõm trong nhà tắm, không thể đổi được vì phòng nào cũng kín người.

Nhà hàng trong khu du lịch này thi nhau "bắt chẹt" khách. Chị Yên kể, một đĩa thịt lợn nhỏ giá 80.000 đồng, ăn không được vì bị thiu, con baba chưa đầy một kg bị tính hơn một triệu đồng... "Chắc chắn là chúng tôi không quay lại đây lần thứ hai, đi nghỉ ngơi thư giãn mà mua bực bội vào người", chị Yên phàn nàn.

Nhiều gia đình cũng lâm cảnh dở khóc dở cười. Chị Diệu Linh cùng gia đình ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, kéo nhau đến Đền Hùng tham quan. Không phải chịu cảnh chen lấn, song họ lại bị các quán ăn "chém" đẹp.

Chị Linh kể, gia đình chị dừng lại ăn uống tại nhà hàng cuối đường Hùng Vương. Do không hỏi giá món ăn trước đó nên chủ quán đã tính 220.000 đồng cho đĩa thịt trâu xào rau, 40.000 đồng cho đĩa đậu, 20.000 đồng cho đĩa dưa cà... "Chúng tôi rất bức xúc và phản đối chủ quán song họ điện thoại cho những người ăn mặc bặm trợn đến nên chúng tôi đành phải bỏ đi", chị Linh bức xúc.

Du khách đổ về sân khấu trong đêm diễn ra Carnaval Hạ Long

Trở về từ biển Cửa Lò, chị Nhung (quận Hoàng Mai, Hà Nội) mặt mũi bơ phờ, cho biết phải nghỉ ở nhà tĩnh dưỡng mấy ngày mới lấy lại sức. Dịp nghỉ lễ 30/4 cũng diễn ra lễ hội du lịch Cửa Lò nên hàng chục nghìn khách đổ về vùng biển miền Trung này. Hầu hết khách sạn trên đường Bình Minh đều kín phòng nghỉ, giá tăng gấp 2-3 lần ngày thường.

Chị Nhung cho biết, gia đình chị lên một chiếc taxi từ ga Vinh về Cửa Lò, thỏa thuận với giá 250.000 đồng. Tuy nhiên, lái xe chỉ đưa đến đầu bãi biển và thả khách xuống, vợ chồng chị phải ôm con nhỏ đi bộ một chặng đường dài để tìm khách sạn.

Đến khách sạn, mặc dù chị Nhung đã đặt phòng trước với giá 500.000 đồng một đêm, song nhân viên khách sạn này lại cho rằng chị chưa đặt phòng và chưa trả tiền trước nên không giữ phòng. Họ cho biết, chỉ còn một phòng giá một triệu đồng. Đi một chặng đường dài, quá mệt mỏi nên chị đành chấp nhận.

Nỗi ám ảnh với nhiều du khách là cảnh tắc đường, chen lấn trong dịp lễ hội. Sáng 30/4, nhiều du khách đi Hạ Long hay đi miền Trung bị tắc đường 3-4 giờ, các xe nhích từng mét trên quốc lộ 5 và đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Trên nhiều xe, du khách phải chịu cảnh nhồi nhét suốt cả chặng đường dài. Anh Long, một du khách đến Vinh cho biết, 19h tối 29/4, anh xuất phát từ Hà Nội, song đến 7h sáng hôm sau xe khách mới đến nơi, chậm 4-5 giờ so với ngày thường. Anh còn phải ngồi ghế nhựa trên lối đi và mua vé đắt gấp 3 ngày thường (giá 300.000 đồng).

Trước và sau khi diễn ra lễ hội Carnaval Hạ Long, các tuyến đường xung quanh thành phố biển cũng ùn tắc nghiêm trọng. Sau đêm Carnaval, suốt tuyến đường Bãi Cháy tắc cứng dài 5-6 km, nhiều du khách phải bỏ ôtô để đi bộ hàng km về khách sạn trong đêm. Hàng nghìn du khách không được vào khu vực lễ hội phải vạ vật tại những vườn hoa, trên bãi biển. Đám đông chen chúc nhau trong đêm hội khiến nhiều trẻ em bị lạc bố mẹ.

"Đi lễ hội song bị cảnh sát ngăn không cho vào, đứng bên ngoài cũng ngột thở vì đám đông, rồi lại đi bộ 3 km về khách sạn vì tắc đường. Đúng là du lịch hành xác", một du khách tên Hưng đến từ Hà Nội bức xúc.

Chị Phan Thị Hương ở Thủ Đức, TP HCM cũng phải bỏ ra mức chi phí gấp đôi so với thông thường khi tổ chức cho gia đình đi Vũng Tàu vào dịp lễ 1/5. Ngoài giá tiền thuê xe, tiền phòng nghỉ, thì các dịch vụ như ăn uống, mua sắm đều tăng khá cao. Thông thường giá tiền thuê một chòi ngồi ở bãi biển chỉ khoảng 150.000 đồng, nhưng trong ngày lễ là 300.000 đồng.

"Bãi biển dường như chật kín. Đồ ăn thì bán giá trên trời, một con mực khô nhỏ được bán tới 50.000 đồng. Hầu hết dịch vụ đều tăng giá. Không biết bao giờ mới hết cảnh giá cả leo thang vào mỗi dịp lễ như thế này", chị Hương nói.

Du khách ngồi la liệt trong khu công viên văn hóa Đầm Sen

Để có một phòng nghỉ trong ngày lễ tại Đà Lạt, khách hàng phải đặt trước ít nhất một tuần. Chị Thu Trang, nhân viên công sở quận 1, TP HCM, cho hay, chị gọi đặt phòng từ lễ Giỗ Tổ nhưng vẫn không có phòng trống cho ngày 30/4 và 1/5. "Bạn tôi lên đến Đà Lạt cũng than kiếm phòng khó. Phòng trống lẻ tẻ cũng còn, nhưn giá khá cao", chị Trang nói.

Ngay cả những điểm vui chơi trong TP HCM, lượng khách cũng đông bất thường. Chỉ trong 3 ngày lễ, công viên văn hóa Suối Tiên đón tới 600.000 lượt khách đến từ các tỉnh lân cận và miền Tây. Các bãi giữ xe chật kín, nhiều dịch vụ gửi xe ăn theo bên ngoài khu vực lấy giá 10.000 một chiếc xe gắn máy. Ở Đầm Sen, lượng khách cũng tăng tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Vào ngày cao điểm 30/4, lượng khách đổ về đây quá đông khiến nguồn thực thẩm dự trữ không đủ để phục vụ du khách.

Chị Bích Huệ ở quận 12, TP HCM không có điều kiện cho con đi du lịch xa nên quyết định đưa các con đi Đầm Sen. Nhưng khi lên tới nơi thì bãi giữ xe đã hết chỗ, trước cổng vào dòng người chen chúc không còn lối đi, cả nhà chị đành lủi thủi quay về.

Đại diện các điểm du lịch trong thành phố cũng thừa nhận, lượng khách năm nay quá đông nên các dịch vụ phục vụ cho du khách không được như mong muốn. "Nhiều du khách đã phải bỏ về", một nhân viên tại khu du lịch Đầm Sen cho hay.

(Theo VnExpress)

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm