| Hotline: 0983.970.780

Du mục cùng ong

Thứ Sáu 11/02/2011 , 10:17 (GMT+7)

Trong tiết xuân ngọt ngào của những ngày đầu năm, tôi có dịp miên man về câu chuyện nhọc nhằn, cả kinh nghiệm hay của anh Cao Văn Tứ khi theo nghề nuôi ong du mục.

Trong tiết xuân ngọt ngào của những ngày đầu năm Tân Mão, tôi có dịp miên man về câu chuyện nhọc nhằn, cả kinh nghiệm hay của anh Cao Văn Tứ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) khi theo nghề nuôi ong du mục.

 Suốt 29 năm gắn kết với đàn ong mật, cuối năm 2010 niềm vui lớn đã đến với anh khi được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong lao động và sản xuất kinh doanh giỏi...Gặp tôi, Tứ bộc bạch, năm 1979 anh nhập ngũ, đến 1982 thì chuyển công tác sang Cty Ong Bắc Thái, làm việc tại trại nuôi ong ở thành phố Thái Nguyên. Nơi anh công tác ngày đó còn trăm bề khó khăn, đồng lương đã thấp, cấp trên lại bảo thủ, nhiều sáng kiến hay được tích lũy qua việc gắn bó, yêu quí con ong và ấp ủ mãi mới mạnh dạn báo cáo với cấp trên nhưng không được chấp nhận.

Lúc buồn rầu anh nghĩ, cứ bám mãi vào hoàn cảnh thế này khó mà thoát được đói nghèo. Một buổi sáng mùa xuân năm 1992, khi đàn ong đang đua nhau đi lấy mật là lúc anh quyết định viết đơn xin nghỉ việc (theo chế độ 176, nghỉ mất sức). Khi nghỉ chế độ, trong tay cầm một “cục tiền”, anh bắt đầu lăn lộn với đủ nghề, từ buôn quặng thiếc đến đào vàng thổ phỉ, chạy xe ôm…, mặc cho những công việc đó có tiền tươi hay thua lỗ, nhưng anh vẫn không bỏ nghề cũ là nuôi ong lấy mật.

Theo anh, nghề nuôi ong không mất nhiều vốn, không tốn nhiều công sức chăm sóc và chẳng mất thức ăn hàng ngày lại lời lãi nhanh. Bởi con ong làm mật ngọt cho nhà mình, nhưng hàng ngày nó lại đi "hái" hoa vườn nhà hàng xóm, còn đưa ong đi lấy mật ở những nơi trồng cây ăn trái mà đúng mùa hoa thì chủ các trang trại còn dùng rượu ngon kính mời, vì có công đưa đàn ong đến giúp thụ phấn cho hoa thì chắc chắn mùa quả đó sẽ đậu trĩu cành…

 Bao nhiêu kinh nghiệm hay mà anh ấp ủ, tích lũy được trong 10 năm công tác ở công ty ong dịp này được thỏa sức cho thực hành như: Luân chuyển đàn ong theo mùa hoa trái, thay đổi chúa để đàn ong khỏe mạnh, đẻ nhiều, chia tách đàn đúng lúc và quan trọng nhất là nuôi dưỡng, duy trì được đàn ong vào những ngày đông giá, hay cách lấy mật mà con ong vẫn vui vẻ.

Những năm đầu anh luôn duy trì vài chục đàn nuôi theo phương pháp du mục thủ công là dùng xe máy, xe thồ di chuyển loanh quanh trong địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Thấy có hiệu quả, những năm tiếp theo anh đi khảo sát vùng cây ăn trái, nghiên cứu kỹ địa điểm đặt đàn rồi thuê xe ô tô di chuyển đàn ong đến những nơi đã định. Hành trình "khăn gói quả mướp" theo đàn ong quả không uổng công sức, khi túi tiền mỗi ngày một khấm khá hơn. Chỉ mấy năm đầu còn bỡ ngỡ, nhưng sau vài mùa hoa, anh đã lên luôn một sơ đồ chăn nuôi ong theo mùa hoa trái từ miền núi đến miền xuôi một cách hoàn hảo, đó là cứ sau Tết Nguyên đán, anh cùng đàn ong lên đường.

Ban đầu, chuyển ong từ vườn nhà đến các huyện trồng nhiều vải thiều ở tỉnh Bắc Giang để ong thỏa sức làm mật, khi mùa hoa vải thiều sắp hết, anh lại chuyển ong về tỉnh Hưng Yên để ong lấy mật hoa nhãn. Hết mùa hoa nhãn, anh chuyển ong về rừng trồng ở Phú Thọ hoặc Thái Nguyên để ong làm mật hoa bạch đàn, keo lai… Đến mùa hoa táo, anh lại chuyển ong về vùng trồng nhiều táo ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định; khi hết mùa hoa táo, cũng là đến đông, đàn ong được đưa về nhà dưỡng đàn và cùng ong nghỉ cho qua Tết Nguyên Đán lại đưa ong lên đường...

+ Theo kinh nghiệm của anh Tứ, việc di chuyển đàn ong theo mùa hoa trái là việc làm rất cần thiết, vì để ong ở một chỗ từ 2 đến 3 năm chúng sẽ bị cận huyết, ong không khỏe và rất dễ chết, nhất là mỗi khi vào mùa đông giá. Việc thay chúa thường xuyên cho đàn ong, cứ 6 tháng một lần thì đàn ong sẽ sinh nở nhanh và ong mật khỏe mạnh và ong thợ mới tích cực làm mật.

+ Do có kinh nghiệm dưỡng ong mùa đông, nên đợt rét hại trước Tết Nguyên Đán vừa qua, hơn 200 đàn ong nhà anh được bảo vệ an toàn, trong khi đó nhiều chủ nuôi ong mật không chịu che chắn kỹ cho ấm tổ và quên cho chúng ăn no để dưỡng sức, đã bị thiệt hại nặng nề khi các đàn ong mật bị chết hàng loạt do bị đói và rét.

Do yêu nghề nuôi ong mật, ai hỏi đến kinh nghiệm về nuôi ong và phương pháp chăm sóc, anh Tứ đều tận tình chỉ bảo những kinh nghiệm hay mà anh tích lũy được trong nhiều năm qua, anh còn giúp đỡ mọi người từ chọn con giống đến việc chỉ dẫn tận tình cách duy trì đàn ong, cũng như cách lấy mật làm sao cho ong bị “mất của” vẫn cảm thấy “thỏa mái”, vì ong là loài côn trùng hoang dã, nếu không khai thác đúng sở thích, nó sẵn sàng bỏ đi thì ta mất luôn cả chì lẫn chài.

Suốt 19 năm qua, đàn ong mật của gia đình anh Tứ luôn duy trì tốt, với trên 200 đàn, có năm trên 400 đàn làm mật, mỗi năm chia tách để bán, hoặc cho tặng khoảng hơn 100 đàn. Riêng mật ong di chuyển theo mùa hoa trái chất lượng tốt, bán được giá và không bị tồn hàng nên doanh số hàng năm luôn ổn định, những năm gần đây khi trừ mọi chi phí trong sản xuất, anh đã có tích lũy trung bình trên 150 triệu đồng/năm.

Do có kinh nghiệm hay trong sản xuất và tận tình giúp đỡ nhiều hộ cùng thoát nghèo từ nghề nuôi ong lấy mật, anh Cao Văn Tứ đã nhận được nhiều sự khen ngợi của các cấp chính quyền từ xã, huyện, tỉnh đến Trung ương. Chia tay anh trong nắng xuân ấm áp, anh vui vẻ cho biết đã chuẩn bị xong hành lý, chỉ mấy ngày nữa lại cùng đàn ong lên đường khởi động mùa mật mới...

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất