| Hotline: 0983.970.780

Đủ sức dập tắt sốt gạo

Thứ Sáu 13/08/2010 , 09:08 (GMT+7)

Giá gạo bán lẻ ở TPHCM tăng liên tục mấy ngày qua, khiến không ít người tiêu dùng giật mình nhớ lại "bóng ma" cơn sốt giá gạo như hồi năm 2008...

Ông Huỳnh Công Thành
Giá gạo bán lẻ ở TPHCM tăng liên tục mấy ngày qua, khiến không ít người tiêu dùng giật mình nhớ lại "bóng ma" cơn sốt giá gạo như hồi năm 2008. PV NNVN đã trao đổi với ông Huỳnh Công Thành, GĐ Cty TNHH MTV Lương thực TPHCM (gọi tắt là Cty LTTP)- DN có trách nhiệm bình ổn thị trường gạo TP.

Thưa ông thời gian qua, đã có dấu hiệu giá gạo tăng đột biến trên địa bàn TPHCM?

Đúng vậy, có thể do rộ lên thông tin Trung Quốc mua gạo Việt Nam một cách ồ ạt, rồi lượng gạo ký hợp đồng XK đã rất nhiều (trên 6 triệu tấn), khiến giá lúa gạo hàng hoá ở ĐBSCL tăng mạnh.  Lượng gạo về TPHCM vì vậy cũng đã có lúc giảm nhiều so với trước, đẩy giá gạo ở các chợ trên địa bàn tăng thêm khoảng 1.000 đ/kg.

Nhiều người dân vốn thiếu thông tin đã vội vã đi mua thêm gạo về tích trữ. Ở hệ thống bán lẻ Foocomart của Cty LTTP, bình thường tiêu thụ 5-6 tấn gạo/ngày, mấy ngày qua đã tăng lên bình quân 12-13 tấn/ngày, thậm chí lúc cao điểm lên tới 17-20 tấn/ngày.

Như vậy là ở TP đã xảy ra sốt giá gạo, dù là sốt...nhè nhẹ?

Chưa hẳn là sốt giá gạo, mới chỉ chớm thôi, bởi số người đổ xô đi mua gạo chưa tăng tới mức đột biến. Nhưng nếu khi mới chớm bệnh mà mình không cho uống thuốc ngay thì có nguy cơ trở thành cơn sốt thực sự, vì sốt giá gạo thường mang nhiều yếu tố tâm lý. Mấy ngày qua, nhờ báo chí thông tin kịp thời về tình hình lúa gạo trong nước cũng như XK, nên cơn sốt vừa mới chớm ở TPHCM vốn là địa bàn tiêu thụ nhiều gạo nhất nước đã có phần dịu xuống.

Về phần mình, Cty ông đã phản ứng ra sao. Nghe nói các ông đã tung ra một lượng gạo khá lớn để đè bẹp cơn sốt gạo ngay từ đầu?

Với nhiệm vụ bình ổn thị trường gạo trên địa bàn TP, Cty chúng tôi chỉ đạo 50 cửa hàng thuộc chuỗi hệ thống phân phối Foocomart luôn sẵn sàng gạo bán lẻ cho người dân với giá bán cố định được niêm yết công khai: gạo thường 6.500 đ/kg, gạo hạt dài 5% tấm 7.500 đ/kg, gạo IR 64 là 8.000 đ/kg, gạo Jasmine 9.500 đ/kg…Chúng tôi cũng không hạn chế số lượng gạo bán cho người tiêu dùng.

Để làm được điều này, Cty đã tiếp tục thực hiện kế hoạch dự trữ gạo tại các cửa hàng, kho chứa. Cửa hàng nhỏ sẽ luôn có 500kg gạo, cửa hàng lớn là 1 tấn gạo, mỗi kho khu vực có 10 tấn gạo. Còn ở kho trung tâm ở Xí nghiệp SATAKE có 10.000 tấn gạo, trong đó 300 tấn là gạo thành phẩm, đã được đóng bao để sẵn sàng tung ra thị trường. Các bao gạo được bày thật nhiều ở các cửa hàng để người dân yên tâm.

Nguồn gạo đó có đủ đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố?

Ước tính, ở TPHCM đang có khoảng 10 triệu người sinh sống (cộng cả nhân khẩu chính thức và nhân khẩu vãng lai). Mỗi tháng, mỗi người sẽ sử dụng bình quân 5kg gạo. Như vậy mỗi tháng, TP tiêu thụ khoảng 50.000 tấn gạo, và mỗi ngày là trên 1.500 tấn gạo. Vì thế, lượng gạo mà Cty chúng tôi cung ứng, chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thôi, phần còn lại có nguồn cung cấp từ các thương lái, DN khác. Tuy nhiên, nhờ có hệ thống phân phối rải gần khắp các quận, huyện và có lượng dự phòng tốt, nên nếu xảy ra đột biến, thì Cty LTTP vẫn sẽ đảm bảo tốt được nhiệm vụ can thiệp thị trường.

Xem ra hệ thống Foocomart đã và đang phát huy được tác dụng cả về hiệu quả kinh doanh lẫn nhiệm vụ bình ổn?

Trước đây, do không có hệ thống phân phối riêng, nên mỗi khi xảy ra sốt giá gạo trên địa bàn, dù trong kho còn rất nhiều gạo, chúng tôi cũng rất khó đưa gạo đến được với người tiêu dùng. Vì thế từ cuối năm 2008, chúng tôi đã bắt đầu xây dựng hệ thống phân phối của Cty với tên gọi Foocomart. Đến nay, Foocomart đã có 50 cửa hàng trên gần khắp các quận, huyện của thành phố (ngoại trừ Củ Chi và Cần Giờ), bán gạo và các mặt hàng thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng với giá rẻ hơn so với các siêu thị. Tổng số vốn mà Cty LTTP đã bỏ ra đầu tư cho hệ thống này khoảng 24-25 tỷ đồng.

Từ nay đến cuối năm 2010, Cty sẽ xây dựng thêm 10 cửa hàng Foocomart. Đến năm 2010, chúng tôi sẽ có tổng cộng 100 cửa hàng trên khắp địa bàn TP và các huyện, thị xã thuộc các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước (là những địa phương mà Cty LTTP đã được TCty Lương thực miền Nam giao nhiệm vụ cung ứng gạo ra thị trường). Lúc ấy, chúng tôi càng có thêm nhiều điều kiện để bình ổn thị trường gạo trên một khu vực rộng.

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.

Bình luận mới nhất