| Hotline: 0983.970.780

Đưa "cát tặc" vào khuôn phép

Thứ Sáu 19/09/2014 , 08:15 (GMT+7)

Hình ảnh thuyền của cư dân sông nước, một thời người ta gọi là “cát tặc” hoành hành trên dòng sông Bồ (TT- Huế) nay không còn nữa, mà thay vào đó là vùng khai thác cát được quy hoạch, quản lý hẳn hoi. 

Cư dân sông nước được đổi đời trên chính dòng sông quê hương, với nghề truyền thống của mình.

Không còn lo sạt lở

Ngồi trò chuyện với ông Nguyễn Xuân, Chủ tịch UBND xã Hương Vân, ông bảo: “Hồi trước, chưa có đêm nào mình làm cán bộ mà được yên. Cứ chạng vạng tối đến khuya, hễ nghe tiếng máy đò chạy ngang địa phận của xã là chiếc điện thoại của mình rung lên bần bật. Bà con chịu hết nổi nạn cát tặc, kêu mình, mình xua đuổi rồi đâu lại vào đấy”.

Đó là câu chuyện của những năm trước, khi chưa thành lập BQL và khoanh vùng khai thác cát sỏi tập trung trên dòng sông Bồ. Nay thì khác rồi! 

Kể từ lúc thành lập BQL và khoanh vùng khai thác cát sỏi tập trung ở lòng sông Bồ thuộc địa phận thôn Lại Bằng (phường Hương Vân, thị xã Hương Trà), tình trạng sạt lở, mất đất nay đã không còn nữa; cuộc sống của người làm nghề khai thác cát cũng đã thay đổi.

16-19-25_2
Phiếu xác nhận phương tiện, khối lượng khai thác

Họ được tự do khai thác cát trên chính dòng sông quê hương mình, sống với nghề truyền thống từ nhiều đời trước. Khai thác cát trong vùng quy hoạch còn giúp người làm nghề có trách nhiệm đóng thuế cho Nhà nước.

Điểm khai thác cát sỏi được quy hoạch ở sông Bồ cách cầu đường sắt Hiền Sĩ 150m về phía thượng nguồn thuộc bãi bồi thôn Lại Bằng. Mỗi buổi sáng, có hơn 20 thuyền tập trung khai thác ở đoạn sông quy hoạch này.

Theo kế hoạch, địa điểm được UBND tỉnh TT- Huế cho phép khai thác thực hiện cách cầu Hiền Sĩ 150m về phía thượng nguồn đến bãi bồi thôn Lại Bằng, phường Hương Vân, chiều dài khoảng 1,4km; diện tích khai thác 10,6 ha; khối lượng khai thác gần 160 ngàn m3, tần xuất khai thác 54 thuyền/ngày, mỗi thuyền khai thác 2 chuyến/ngày.

Ngoài ra, việc quy định chặt chẽ của BQL “bãi cát cộng đồng” phường Hương Vân là các thuyền khai thác cát phải cách khu vực bờ sông 60m đã hạn chế phần nào trình trạng sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến khu vực dân cư không chỉ ở phường Hương Văn mà còn các xã của huyện Phong Điền.

Sống được với nghề

Tất tả chạy lên trạm kiểm soát bãi cát cộng đồng để lấy phiếu, anh Hoàng Kim Sơn (tổ dân phố 8, phường Hương Vân), phấn khởi: “Gia đình mình làm nghề khai thác cát ở thượng nguồn sông Bồ đã mấy chục năm rồi. Trước đó, vì kế mưu sinh, mình làm chui, bị chính quyền xử phạt cả chục lần.

16-19-25_3
Người dân làm nghề khai thác cát sỏi, đổi đời trên chính dòng sông quê hương mình

Theo thống kê của UBND phường Hương Vân tổng số tiền thuế tài nguyên và phí môi trường trong 3 tháng đầu tiên triển khai dự án thí điểm mô hình khai thác cộng đồng thu được là 792,7 triệu đ, trong đó thuế tài nguyên 401 triệu đ và phí môi trường 391,4 triệu đ.

Giờ thì khác rồi. Mình khai thác trong vùng cho phép, có quy định khối lượng, thời gian hẳn hoi. Không còn cảnh chạy trốn như trước nữa mà mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm nghìn, đủ nuôi vợ con”.

Ông Nguyễn Xuân, chủ tịch UBND phường Hương Vân, đánh giá: “Qua việc triển khai mô hình khai thác cát cộng đồng tại phường Hương Vân, không chỉ chấm dứt tình trạng sạt lở kéo dài trong nhiều năm, mà còn thay đổi cuộc sống của hàng trăm hộ dân làm nghề khai thác cát truyền thống trên sông Bồ.

Mưu sinh là cái quan trọng, muốn bà con không khai thác chui, không “làm liều” thì phải đảm bảo cuộc sống cho họ thông qua lao động chính đáng”.

Ông Xuân cho biết thêm, theo phương án phê duyệt chỉ cho phép bình quân 30 tàu thuyền khai thác cát với sức chứa bình quân 15m3/thuyền, nhưng hiện nay tổng số tàu thuyền đăng ký khai thác lên tới 54 thuyền.

Do người dân chủ yếu làm nghề khai thác cát đã nhiều năm, họ không có nghề nghiệp khác ổn định nên phường đã xin ý kiến chỉ đạo của thị xã và tạm thời tạo điều kiện cho cả 54 thuyền đang hoạt động khai thác.

Đánh giá kết quả hoạt động quản lý, khai thác cát sỏi ở lòng sông Bồ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT- Huế, ông Phan Ngọc Thọ cho rằng, mô hình có nhiều ưu điểm, phù hợp với tình hình hiện nay, giúp cho địa phương quản lý tốt tài nguyên và các vấn đề an ninh trật tự cũng như giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định cho người dân.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.