| Hotline: 0983.970.780

Đưa gà Mía đi xa

Thứ Hai 16/06/2014 , 10:15 (GMT+7)

Tên gọi gà Mía gắn liền với những địa danh tiêu biểu của xứ Đoài cổ kính như chợ Mía, chùa Mía. Gà trống Mía thân hình to, nặng, lông màu đỏ tiết, cơ ngực, đùi nở nang, mào cờ dựng...

Xưa kia hội hè ở đất hai vua (Phùng Hưng, Ngô Quyền), xã Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) thường chọn giống gà này để tế lễ.

Bảo tồn nguồn gen giống gà quý

Tên gọi gà Mía gắn liền với những địa danh tiêu biểu của xứ Đoài cổ kính như chợ Mía, chùa Mía. Ngoài cung cấp cho lễ hội trong làng, người dân nơi đây còn dùng gà Mía trong lễ tơ hồng (lễ cưới).

Nhiều người nghĩ một vật nuôi đặc sản có thể làm hài lòng khẩu vị tầng lớp “vương giả” như gà Mía phải được nuôi trong điều kiện chuồng trại hiện đại lắm và chế độ chăm sóc cũng phải tỉ mẩn như chăm “con cưng”. Nhưng thực tiễn không phải vậy, chất thịt thơm vị đậm ngọt, da giòn, săn chắc và ít mỡ dưới da tỷ lệ thuận với những bước chạy thường ngày của con gà. Chúng có khả năng tự kiếm ăn tốt, sức đề kháng cao.

Với gà Mía, sân chơi rộng và bóng mát quan trọng hơn chuồng đẹp. Môi trường sống ngột ngạt gói gọn trong 4 bức tường như ngục tù hoàn toàn không thích hợp. Vì thế, điều kiện đầu tiên để nuôi gà Mía thành công là phải có diện tích đất rộng.

Thủ đô Hà Nội dù đang trong quá trình đô thị hoá mạnh mẽ nhưng vùng ngoại thành chiếm tới 85% diện tích tự nhiên. Những vùng đất bãi rộng lớn ven sông Hồng, sông Đuống, sông Đà, sông Đáy, sông Cà Lồ, cùng các loại đất rừng xen kẽ đồi gò (vùng Sơn Tây, Ba Vì, Sóc Sơn, Đông Anh...) là điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi cho phát triển chăn nuôi nói chung, cho chăn nuôi gà thịt (đặc biệt là gà thả vườn) nói riêng.

Năm 2005, Bộ NN-PTNT đã đưa giống gà Mía vào danh mục nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần bảo tồn. Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico) được giao nhiệm vụ duy trì, phát triển và bảo tồn hàng chục ngàn con gà Mía giống bố mẹ, ông bà và nhân giống để cung cấp cho thị trường.

“Đại bản doanh” lưu giữ nguồn gen của giống gà Mía thuần chủng là Xí nghiệp Chăn nuôi gia cầm Hadico (xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây).

"Thủ phủ” SX gà giống

Ông Nguyễn Duy Vụ, Giám đốc XN Chăn nuôi gia cầm Hadico cho biết: "Hiện tại đàn gà giống bố mẹ, ông bà của XN luôn duy trì khoảng 10.000 con, được chăm sóc theo một quy trình đặc biệt tại trang trại rộng 11 ha xa khu dân cư. Bên cạnh đó, XN còn liên kết với nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn thị xã Sơn Tây và xã Cam Thượng (huyện Ba Vì) để nuôi hơn 30.000 con gà Mía bố mẹ, sau đó thu mua trứng phục vụ ấp nở gà giống.

Với 13 máy ấp và 3 máy nở hiện đại công suất lớn, cách 2 ngày XN lại cho ra lò một phiên gà số lượng từ 6.000 - 7.000 con, cung ứng cho các hộ nông dân, trang trại, gia trại khắp thành phố Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác như Hoà Bình, Bắc Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hà Nam…".

Cũng theo ông Vụ, để chọn tạo được một con gà Mía ông bà, bố mẹ là rất khó. Quá trình đó phải mất hàng chục năm và không ít lần ông đã thất bại. “Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, chúng tôi đã SX gà giống Mía và cung cấp cho bà con quanh vùng nhưng vì số lượng gà trống nguyên chủng không được thay đổi thường xuyên, dẫn đến hiện tượng giao phối cận huyết phổ biến. Những tính trạng tốt của con gà mất dần", ông Vụ nói.

Trước thực trạng đó, XN đã chủ động liên kết với các trại gà giống Mía khác trong vùng để trao đổi về gà trống ông bà, bố mẹ. Hai bác sỹ thú y luôn túc trực tại trang trại để thực hiện quy trình tiêm chủng vắc xin, phòng bệnh và giám sát chế độ ăn uống của đàn gà theo đúng quy chuẩn. Nhiều năm nay không dịch bệnh nào có thể xâm nhập được vào đàn gà, nguồn gen của giống gia cầm này đã được giữ nguyên.

“Trên địa bàn thị xã Sơn Tây đã có 7 mô hình chăn nuôi gà bằng thức ăn sinh học, trong đó tập trung vào giống gà Mía lấy từ XN Chăn nuôi gia cầm Hadico để xây dựng thương hiệu "Gà Mía Sơn Tây". 3 xã thuộc huyện Ba Vì là Cẩm Lĩnh, Thuỵ An, Cam Thượng cũng đang nhân rộng mô hình chăn nuôi gà ri lai Mía theo phương thức thả vườn để xây dựng thương hiệu gà thả vườn Ba Vì”, ông Nguyễn Duy Vụ cho biết.

Nhằm triển khai chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm cho gà Mía giai đoạn 2012 - 2013 và những năm tiếp theo, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã chọn XN Chăn nuôi gia cầm Hadico là đơn vị duy nhất cung cấp giống cho người chăn nuôi. Đến cuối năm 2013, đã có 200.000 con giống gà Mía được bàn giao cho nông dân các vùng chăn nuôi gia cầm trọng điểm như Ba Vì, Sóc Sơn và Sơn Tây.

“Trong tương lai, Sơn Tây sẽ trở thành “thủ phủ” SX giống gà Mía của thành phố Hà Nội, trong đó XN của chúng tôi là hạt nhân lưu giữ đàn hạt nhân giống gốc cung cấp cho các nông hộ, trang trại, gia trại”, ông Vụ khẳng định.

Hiệu quả bền vững

Ông Hà Văn Chiến, thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm - người có kinh nghiệm lâu năm chăn nuôi gà Mía chia sẻ: "Cách nuôi gà Mía không giống như nuôi gà trắng là chỉ cho gà ăn cám công nghiệp mà phải nuôi theo phương thức nuôi gà thả vườn. Khẩu phần ăn của chúng phải có cả thức ăn xanh (rau, củ, quả ...) gà mới đảm bảo khoẻ mạnh và tạo nên chất lượng thịt thơm ngon.

Đặc biệt, phải thực hiện nghiêm quy trình phòng bệnh bằng vắc xin, bổ sung các loại khoáng, vitamin, nhất là gà ở giai đoạn đẻ trứng và vỗ béo để nâng cao sức đề kháng cho gà".

So với gà trắng và một số giống gà lai khác, biên độ dao động giá của gà Mía thấp hơn nhiều, tạo điều kiện để nông dân phát triển mô hình chăn nuôi bền vững. Hiện tại, giá gà Mía trên thị trường khoảng 85.000 đồng/kg. Theo tính toán của ông Chiến, trừ chi phí SX nông dân sẽ có lãi khoảng 15.000 đồng/kg.

Dự kiến năm nay ngành NN-PTNT Hà Nội sẽ đưa gà giống Mía 1 ngày tuổi vào danh mục sản phẩm công ích, tặng cho các nông hộ, trang trại thuộc vùng chăn nuôi trọng điểm xa khu dân cư trên địa bàn thủ đô, đồng thời xúc tiền xây dựng các mô hình chuỗi liên kết SX - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Ngoài thị xã Sơn Tây, huyện Sóc Sơn và Ba Vì cũng nằm trong chương trình này.

Ông Trần Đình Thành, Chủ tịch Hội Nông dân kiêm Chi hội trưởng Chi hội Nuôi gà đồi xã Cẩm Lĩnh cho biết: "Từ năm 2013, phong trào nuôi gà Mía phát triển mạnh tại địa phương. Hiện có khoảng 1.500 hộ nuôi gà Mía với số lượng khoảng 650.000 con. Nhiều hộ chăn nuôi quy mô lớn từ 2.000 - 3.000 con như ông Phùng Văn Thoả, Nguyễn Văn Cẩm, Phùng Thế Đoàn, Phùng Viết Thuỷ… đã giàu lên từ mô hình này".

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất