| Hotline: 0983.970.780

Đưa hàng đến tay người dân và an toàn cho người đi cứu trợ

Thứ Năm 22/10/2020 , 16:04 (GMT+7)

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý tỉnh Quảng Bình phải làm tốt việc phòng tránh bão số 8, đưa hàng đến tay người dân và an toàn cho các đoàn đến cứu trợ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình. Ảnh: N. Hoàng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình. Ảnh: N. Hoàng.

Sáng 22/10,  Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và đoàn công tác đã có chuyến thăm, kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).

Ông Trần Công Thuật, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình báo cáo sơ bộ thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, mưa lũ đã làm chết 8 người, hơn 40 người bị thương.

Nhiều tuyến đường giao thông, đê kè bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng. Ngay trong mưa lũ, các lực lượng công an, quân đội đã phát huy tốt vai trò nòng cốt, kịp thời cơ động cứu giúp dân.

Chính quyền các địa phương đã linh hoạt sử dụng các phương án tối ưu nhất trên phương châm "4 tại chỗ" để phòng, chống mưa, lũ.

Tinh thần chỉ đạo chung của tỉnh là "nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó". Nhằm kịp thời hỗ trợ người dân, tỉnh trích kinh phí hỗ trợ mỗi hộ dân 1 triệu đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Thuật bày tỏ mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành, lực lượng vũ trang hỗ trợ về mọi mặt cho tỉnh để khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp dân ổn định cuộc sống.

Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy đã báo cáo tình hình tại địa phương.

Theo đó, Lệ Thủy có khoảng 32.000 hộ dân bị ngập sâu từ 1 đến hơn 2m.

Huyện Lệ Thủy đã huy động tất cả lực lượng, phương tiện hỗ trợ di dời dân khỏi vùng trọng điểm ngập lụt đến nơi an toàn, cao điểm có lúc di dời 1.600 hộ dân. 

“Đến sáng ngày 22/10, địa bàn huyện Lệ Thủy nước đang rút nhanh nhưng vẫn còn hơn 1.000 hộ dân bị ngập, 11 nhà dân bị sập hoàn toàn”, ông Đặng Đại Tình báo cáo.

Để kịp thời ứng cứu người dân khi ngập lụt, huyện Lệ Thủy đã thành lập 2 điểm tập kết hàng cứu trợ, kịp thời cấp phát cho dân.

Bằng nỗ lực cố gắng nên hết người dân bị lũ cô lập đã nhận được lương thực, thực phẩm, nước uống. “Hiện, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục nỗ lực, gấp rút tiếp nhận, vận chuyển hàng cứu trợ về cho người dân”, ông Tình cho hay.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, đây là đợt mưa lũ lịch sử nhưng chính quyền địa phương, các đơn vị vũ trang đã vào cuộc rất kịp thời, quyết liệt.

Nhờ vậy đã giảm thiểu được thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Hiện, nhân dân cả nước đã và đang quyên góp, hỗ trợ rất tích cực cho đồng bào miền Trung, trong đó có huyện Lệ Thủy các loại nhu yếu phẩm cần thiết để vượt qua khó khăn do mưa lũ.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Quảng Bình nói chung và huyện Lệ Thủy cần tập trung tất cả các lực lượng, huy động tối đa phương tiện để kịp thời cứu trợ, không để dân thiếu ăn, thiếu nước uống. Tổ chức tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ bảo đảm hợp lý để vừa đến tay người dân nhưng vẫn an toàn cho người đi cứu trợ. Nhanh chóng xây dựng kế hoạch khắc phục, giúp dân ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất”.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra tình hình ngập lụt ở huyện Lệ Thủy. Ảnh: N. Hoàng

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra tình hình ngập lụt ở huyện Lệ Thủy. Ảnh: N. Hoàng

Trước mắt, địa phương cần chủ động các phương án ứng phó với bão số 8 một cách cụ thể nhất. Đồng thời, động viên nhân dân tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn do mưa lũ. Rà soát phương tiện hiện có, đánh giá nhu cầu và kiến nghị kịp thời với Trung ương để được hỗ trợ sớm nhất.

“Về lâu dài, tỉnh Quảng Bình, huyện Lệ Thủy cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xem xét, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến việc thoát lũ để xây dựng phương án tái thiết hợp lý”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ dạo.

Cũng trong chuyến đi này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và đoàn công tác đã thị sát tình hình ngập lụt ở huyện Lệ Thủy.

Xem thêm
Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất