| Hotline: 0983.970.780

Đưa hoạt động giết mổ gia súc vào quy củ

Thứ Hai 18/02/2019 , 15:05 (GMT+7)

Trong năm 2019, tỉnh Bình Định quyết tâm thực hiện mỗi huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh phải xây dựng ít nhất 1 cơ sở giết mổ gia súc gia cầm (GSGC) tập trung.

Trước quyết tâm này của tỉnh, các địa phương đồng loạt kêu khó, nhưng lãnh đạo tỉnh Bình Định khẳng định thiết lập cơ sở giết mổ GSGC tập trung mang lại nhiều lợi ích, nhất là về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) nên khó mấy cũng phải làm.

08-52-21_lo_gmgsgc
Lò giết mổ GSGC tập trung vừa đưa vào hoạt động tại TP Quy Nhơn (Bình Định)

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, vào quý 4/2018, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Chỉ thị yêu cầu các địa phương phải toàn tâm toàn ý chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng các cơ sở giết mổ GSGC tập trung trên địa bàn. Đồng thời nhấn mạnh, các địa phương phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, kiên quyết. Đến cuối năm 2019, mỗi địa phương phải có ít nhất 1 cơ sở giết mổ GSGC tập trung.

“Đây là nhiệm vụ trọng yếu, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu không hoàn thành nhiệm vụ”, ông Châu kiên quyết.
 

Nỗi khó hiện hữu

Cách đây gần chục năm, chúng tôi từng gặp ông Lê Minh Hùng, người từng tiên phong trong đầu tư xây dựng cơ sở GSGC tập trung tại thôn Mỹ Điền, thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước). Ông Hùng đã phải vượt qua nhiều khó khăn để xây dựng 1 cơ sở giết mổ GSGC khá bề thế với khoản đầu tư không hề nhỏ vào thời điểm ấy, nhưng rồi hoạt động không thành công, đành để hoang hóa.

Trước chỉ đạo của UBND tỉnh và sự động viên của ngành nông nghiệp Bình Định về việc khôi phục lại cơ sở này, ông Hùng chia sẻ: “Tôi sẵn sàng khôi phục lại cơ sở giết mổ GSGC tập trung trên diện tích đất đã được giao, nhưng kinh phí đầu tư xây dựng lại cơ sở hạ tầng và mua sắm thiết bị phục vụ cho hoạt động đúng quy định, tính “mỏng mỏng” cũng hơn 1 tỉ đồng. Số tiền này vượt quá khả năng của gia đình, nên tôi cần sự hỗ trợ của Nhà nước mới có thể thực hiện được”.

Ông Nguyễn Đình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, xác nhận nỗi khó của ông Hùng, đồng thời chia sẻ nỗi khó của địa phương: “Trước đây, cơ sở giết mổ GSGC tập trung của ông Hùng vừa mới đi vào hoạt động đã phải “chết yểu” do không mang lại hiệu quả. Huyện đã phải “cân não” tính toán lại việc đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ GSGC tập trung, và hiện cũng chưa biết tính sao về kế hoạch thực hiện xây dựng trên địa bàn trong năm 2019 theo chỉ đạo của UBND tỉnh”.

Đồng cảnh ngộ, TX An Nhơn đã quy hoạch 2 cơ sở giết mổ GSGC tập trung, 1 tại xã Nhơn Lộc và 1 tại phường Nhơn Hưng, nhưng đến nay địa phương này vẫn chưa thể triển khai đầu tư xây dựng. Ông Lê Minh Toán, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TX An Nhơn, cho biết: “Địa phương đã nhiều lần mời gọi, nhưng đến nay chưa có nhà đầu tư nào đăng ký xây dựng co sở giết mổ GSGC tập trung. Hiện An Nhơn vẫn đang theo dõi hoạt động của các cơ sở đã đi vào hoạt động ở TP Quy Nhơn, nếu mang lại hiệu quả An Nhơn sẽ học tập và làm theo”.
 

Không thể vì khó mà không làm

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định nhận định: “Nguyên nhân các doanh nghiệp không muốn chung tay vào việc xã hội hóa xây dựng cơ sở giết mổ GSGC tập trung là vì họ lo xây dựng xong sẽ không có người đưa GSGC vào giết mổ. Thêm vào đó, tâm lý của người dân là nếu đưa GSGC vào cơ sở giết mổ tập trung sẽ không “đánh tráo” được GSGC đã chết hoặc bị bệnh để tiêu thụ, vì các cơ sở quản lý rất chặt về nguồn gốc và về vấn đề VSATTP.

Thế nhưng giết mổ GSGC tại nhà mang lại nhiều hệ lụy, nhất là không đảm bảo VSATTP dẫn tới nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh và gây ô nhiễm môi trường. Do đó, Sở NN-PTNT Bình Định đã có nhiều nỗ lực thúc giục các địa phương nhưng vẫn chưa có kết quả như mong muốn”.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu ngành chức năng tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo, Đoàn Thanh tra liên ngành để triển khai công tác tổ chức, quản lý hoạt động giết mổ GSGC trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách địa bàn kiểm tra, đôn đốc công tác xây dựng cơ sở giết mổ GSGC tập trung và chỉ đạo quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực theo chức năng nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Thanh tra liên ngành phải vào cuộc gắt gao cho đến khi công tác giết mổ GSGC trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động ổn định.

“Người tiêu dùng có quyền được sử dụng sản phẩm động vật có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo VSATTP. Hơn nữa, việc xây dựng cơ sở giết mổ GSGC tập trung không những sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn hạn chế được dịch bệnh phát sinh, đảm bảo vệ sinh môi trường trong các khu dân cư. Vì vậy, các địa phương, không được viện lý do để thoái thác trách nhiệm, mà cần phải chủ động thực hiện một cách quyết liệt, khó mấy cũng phải làm cho được”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu, khẳng định.

 

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm