| Hotline: 0983.970.780

Đưa kiến thức chống tham nhũng vào trường học

Thứ Sáu 10/12/2010 , 08:56 (GMT+7)

Đề án “Đưa nội dung Phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng” đã đi được nửa chặng đường.

Đề án “Đưa nội dung Phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng” đã được Chính phủ phê duyệt đã đi được nửa chặng đường.

Trao đổi với PV NNVN chiều qua (9/12), TS Đỗ Gia Thư, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết, cuối tháng 12 này chương trình khung sẽ được trình Chính phủ để đầu năm 2011 đưa dạy thí điểm ở một số cơ sở đào tạo.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đỗ Gia Thư cho biết thêm, có ba đơn vị đang tham gia xây dựng khung giáo trình. Đó là: Thanh tra CP xây dựng chương trình khung chung; Bộ GD-ĐT xây dựng nội dung dành cho HSSV; Học viện Chính trị Quốc gia thì xây dựng chương trình dành cho cán bộ công chức nhà nước. Ngay khi được xem xét, tài liệu khung này sẽ được đưa vào dạy thí điểm ở một số cơ sở đào tạo, điển hình là các trường đào tạo cán bộ công chức đang thực thi quyền lực nhà nước được cử đi đào tạo nâng cao chuyên môn.

Phải chăng những môi trường đào tạo này vấn đề tham nhũng là nổi cộm, thưa ông?

Ai cũng biết, vừa đi làm vừa đi học thì cũng dễ dàng có điều kiện “tạo tham nhũng” lắm chứ. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ chú ý thêm những trường nhiều năm bị nhắc nhở vì tính kỷ luật không tốt hay xuất hiện thầy cô giáo ăn tiền của học sinh. Việc đưa chương trình chống tham nhũng sẽ dành cho rất nhiều đối tượng như HSSV, cán bộ công chức nhà nước.

Vậy trong giáo dục những hành động nào bị coi là tham nhũng?

Hành vi tham nhũng sẽ dựa theo Luật Phòng chống tham nhũng như tham ô, hối lộ, móc ngoặc, nhận phong bì, phong bao, chạy điểm...

Thưa ông, làm thế nào để các em HSSV có thể lên án những hành động tham nhũng của ngay chính thầy cô giáo mình mà không bị trù dập?

Đây là một vấn đề lớn liên quan đến cơ chế bảo vệ người tố cáo mà Ban soạn thảo cũng đã tính đến ngay khi xây dựng đề án. Vì vậy, trong kế hoạch triển khai Luật Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đang phối hợp với một số cơ quan liên quan xây dựng chi tiết cơ chế bảo vệ người chống tham nhũng nói chung, bảo vệ người tố cáo nói riêng.

Có ý kiến cho rằng, giao cho HSSV điều này là chưa cần thiết lắm bởi các em còn quá nhỏ. Và việc lồng ghép nội dung chống tham nhũng vào giảng dạy sẽ rất “khô khan”. Ông nghĩ sao?

Đúng là có ý kiến như thế nhưng chúng tôi cho rằng cái cách thức giáo viên truyền tải mới là quan trọng. Trong các bài giảng, giáo viên không giáo dục tham nhũng là gì, phòng chống tham nhũng như thế nào mà xây dựng ý thức coi tham nhũng là cái gì đó xấu xa xã hội cần phải lên án bằng những hành động cụ thể ngay từ trên ghế nhà trường.

Theo tôi, đối tượng học sinh sinh viên rất năng động, linh hoạt dễ tiếp thu cái mới. Các em trong tương lai gần trở thành công chức nên cần có sự chuẩn bị cho họ cách nhìn, ý thức, trình độ nhất định.

Còn với đại học cao đẳng, đề án nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản, nâng cao nhận thức về phòng chống tham nhũng để giúp cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng.

Riêng đối với các trường chuyên về luật, hành chính, hoặc liên quan trực tiếp đến công tác nội chính như toà án, kiểm sát, công an thì nội dung giáo dục phòng chống tham nhũng bổ sung thêm nội dung cơ bản của pháp luật về phòng chống tham nhũng, kỹ năng phòng chống tham nhũng và kinh nghiệm nước ngoài về phòng chống tham nhũng.

Vấn đề quá tải chương trình, giáo viên không đủ… cũng khiến nhiều người lo ngại, thưa ông?

Đây cũng là vấn đề mà các thành viên trong Ban soạn thảo đề án quan tâm từ đầu tiên. Tuy nhiên, chỉ khoảng 5 tiết/năm thì tôi cho rằng không bị coi là nặng được. Ngoài ra, thời gian tới, Thanh tra CP cũng sẽ tổ chức tập huấn cho giáo viên đang dạy các môn pháp luật, giáo dục công dân trong các trường học, học viện vì chính họ sẽ phải dạy kiêm nhiệm.

Đã đi được nửa chặng đường, ông đánh giá sao về tính khả thi của đề án?

Lúc này nói đến tính khả thi là hơi sớm. Song, tôi tin nếu có sự quyết tâm của các bộ, ngành, đề án sẽ đi vào cuộc sống. Điều cần nhất là nghệ thuật giảng dạy như thế nào mới quan trọng để cho học sinh, học viên không cảm thấy buồn chán.

Xin cảm ơn ông!

* Đề án được chia làm hai giai đoạn:

- Từ tháng 1/2010 đến hết tháng 12/2010: hoàn thành việc xây dựng chương trình, tài liệu giảng dạy; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giảng viên; tổ chức thí điểm việc giảng dạy phòng chống tham những tại một số trường ĐH, CĐ, Trung cấp, trường hành chính…

- Từ tháng 1/2011 đến hết tháng 12/2011: hoàn thành việc bổ sung cơ sở vật chất trong các trường; tổng kết, rút kinh nghiệm việc giảng dạy thí điểm. Ban soạn thảo sẽ có báo cáo tổng kết trình Chính phủ, đồng thời có kế hoạch về thời gian cụ thể để chính thức đưa đề án vào giảng dạy đại trà trong các trường học, cơ sở đào tạo.

* Theo đề án, có nhiều nước đã đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giáo dục trong trường học như Thụy Điển, Trung Quốc, Singapore… Tại Trung Quốc, phương pháp giáo dục học sinh trong nhiều nhà trường là chương trình có những tiết học về các vụ án quan chức tham nhũng, song ấn phẩm dành cho cấp tiểu học và trung học cơ sở lại tập trung vào khía cạnh tích cực, nói về văn hoá truyền thống, tính cách và các tiêu chuẩn đối với học sinh; quá trình học tập, giáo viên cùng học sinh thảo luận về nạn tham nhũng tồn tại trong xã hội… Đây chính là những vấn đề cần được nghiên cứu, tiếp thu sáng tạo, phù hợp vào điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam.

Xem thêm
Sản xuất tôm giống nước lợ đáp ứng đủ nhu cầu thả nuôi

NINH THUẬN Năm 2023, cả nước có 2.270 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống, sản lượng đạt 153 tỷ con, đáp ứng đủ cho nhu cầu thả nuôi của người dân.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.