| Hotline: 0983.970.780

Đưa máy '3 trong 1' lên núi

Thứ Tư 04/12/2019 , 09:00 (GMT+7)

Trung tâm Khuyến nông Phú Yên triển khai mô hình cơ giới hóa hỗ trợ máy phun “3 trong 1” xới đất, phát cỏ, phun giống (đồng thời cũng phun phân).

10-49-41_my_1
Hướng dẫn nông dân sử dụng máy "3 trong 1".

Đối tượng thụ hưởng là nông dân 3 huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân. Nhờ được tiếp cận máy, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất cho cây lúa và cây trồng cạn nên cả công lao động và chi phí sản xuất đều giảm.
 

Đa chức năng

Tại xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân), Trung tâm Khuyến nông Phú Yên đầu tư, hỗ trợ 5 máy cho 5 hộ dân. Ông Nguyễn Hùng Cường, nông dân tham gia mô hình ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở xã Đa Lộc, cho hay máy “3 trong 1” phạt cỏ, xới đất cho cây lúa và cây trồng cạn rất thuận tiện.

Chỉ tính riêng chức năng phun thì ngoài việc phun giống, phân và phun thuốc, máy còn có thể phun vôi cải tạo đất, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi. Còn khi sử dụng phạt cỏ thì máy phạt chồi trong rẫy keo, cắt lúa (thu hoạch lúa) và còn xới đất cho cây ăn quả, giúp nông dân giảm đáng kể về chi phí cũng như nhân công lao động.

Ông Bùi Văn Tấn, một nông dân ở đây sử dụng máy sạ ruộng, chia sẻ: Sử dụng máy “3 trong 1” này có cái lợi là trong khi phun giống, phân, muốn dày hay thưa, nhiều hay ít thì điều chỉnh lưỡi gà phần tiếp giáp giữa bình nhựa đựng phân giống. Trong đám ruộng rộng gần 1 sào, tôi lội vào ruộng chỉ 3 đường đi, còn sạ tay thì tầm với của đôi tay hạn chế nên trong đám ruộng phải bước qua bước lại 6 đường đi.

Mỗi bàn chân lội trong ruộng sạ làm mất đi một số lượng lúa giống, sau này tốn công cấy dặm. Còn khi phun phân, thì phân được phun đồng đều, không như trước kia vãi bằng tay, chỗ nặng tay thì xanh um, chỗ nhẹ tay thì vàng lá.

10-49-41_my_2
Nông dân xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh) vận hành máy chức năng xới đất.

Ông Trương Thái Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho biết: Khi nông dân tiếp cận máy đưa vào sử dụng, máy này không chỉ xới đất, phạt chổi, mà còn phun thuốc cây ăn trái trên cao rất hiệu quả bằng cách nối ống dẫn dài ra. Sử dụng máy cơ giới hóa “3 trong 1” đẩy nhanh tiến độ, giải quyết tình trạng khan hiếm công lao động địa phương.

Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Đồng Xuân Phạm Lê Hoàng cho biết: Mục đích của mô hình nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào khâu sản xuất cho cây lúa và cây trồng cạn, cây ăn trái như phun giống, phun phân, phun thuốc, xới đất, phát cỏ… phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Qua đó mô hình dần thay đổi tập quán canh tác thủ công sang sản xuất nông nghiệp bằng máy với các thiết bị tiên tiến, hiện đại để sản xuất đạt năng suất, chất lượng cao; qua đó giảm tổn thất, chi phí trong quá trình sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
 

Tăng hiệu quả kinh tế

Ông Phan Văn Long, ở thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) sử dụng máy “3 trong 1” cho rằng, trong 1 giờ làm việc, với chức năng phun, máy có thể gieo sạ trung bình với diện tích 3.500 m2, mức tiêu hao nhiên liệu bình quân là 0,5 lít xăng/1 giờ làm việc.

Về chức năng phát cỏ, trong 1 giờ làm việc máy phát cỏ trung bình trên diện tích 1.000 m2, cũng cùng diện tích nếu phạt cỏ bằng tay thì một người mất 2 ngày mới xong. Còn đối với chức năng xới, máy tiêu hao nhiên liệu bình quân là 0,5 lít xăng/1 giờ làm việc cho diện tích 500 m2, nếu phải xới cỏ bằng tay một người làm ròng rã cả ngày.

Vùng đất xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh) đang phát triển cây trồng cạn trên đất lúa theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển đổi cây trồng từ sản xuất bấp bênh sang sản xuất có hiệu quả (do vùng này thiếu nước tưới). Có máy “3 trong 1”, nông dân chủ động trong việc chuyển đổi chăm sóc cây trồng.

10-49-41_my_3
Nông dân xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) vận hành máy chức năng phun phân, thuốc.

Bà Phan Thị Hiền, ở xã Đức Bình Đông phân trần: Máy này gọn nhẹ, phụ nữ sử dụng được. Rẫy keo nhà tôi lên chòi non tôi mang máy ra phạt chồi. Chiều trên đường về tôi ghé đám cỏ voi phạt 5 phút là được ôm cỏ to chất lên xe máy chở về cho bò ăn. Có máy trong nhà vừa đi làm rẫy, vừa nuôi bò. “Đám đất nhà tôi trước trồng lúa nhưng không có nước tưới nên chuyển sang trồng cỏ nuôi bò”, bà Hiền nói.

Theo ông Nông Văn Trình, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Đông, việc Trung tâm Khuyến nông Phú Yên triển khai mô hình ứng dụng cơ giới hóa “3 trong 1” vào sản xuất đã làm giảm đáng kể công lao động, thời gian và chi phí sản xuất. Từ mô hình này, thời gian tới nông dân nhân rộng, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất còn làm tăng giá trị kinh tế.

Ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Yên cho biết: Mô hình cơ giới hóa hỗ trợ máy phun “3 trong 1” xới đất, phát cỏ, phun giống, trung tâm triển khai hỗ trợ 18 máy tại xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh), thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) và xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân). Giá trị mỗi máy 7,7 triệu đồng, vốn Nhà nước hỗ trợ 70%, nông dân đối ứng 30% giá trị.

Qua sử dụng thử nghiệm thì đối với chức năng phun giống, phân thì hiệu quả của việc sử dụng máy tăng 2,85 lần so với lao động thủ công. Tiêu hao nhiên liệu 1 lít xăng/10.000 m2.

Đối với chức năng xới đất thì chi phí xới đất bằng tay cao gấp 4,2 lần so với xới đất bằng máy. Tiêu hao nhiên liệu 1 lít xăng/1.400 m2.

Còn đối với chức năng phát cỏ thì việc phát cỏ bằng tay chi phí cao gấp 6,9 lần so với xới đất bằng máy. Tiêu hao nhiên liệu 1 lít xăng/1.400 m2.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 1] 10 năm chinh phục chim yến

Hơn 10 năm dấn thân vào ngành yến, anh Trần Tuấn Anh đã xây dựng được công ty và thương hiệu yến quy mô tại Bình Phước.

Không để dịch bệnh tái phát lây lan trên đàn vật nuôi

AN GIANG Nhờ chủ động tiêm phòng vacxin đã giúp đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh An Giang hạn chế được các loại dịch bệnh nguy hiểm.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.