| Hotline: 0983.970.780

Đua nhau làm lúa ngoài quy hoạch

Thứ Tư 06/07/2011 , 12:04 (GMT+7)

Mặc dù không được quy hoạch làm lúa thu đông (TĐ) do không đủ điều kiện sản xuất, thế nhưng nhiều nông dân ở Kiên Giang vẫn đua nhau xuống giống,...

Mặc dù không được quy hoạch làm lúa thu đông (TĐ) do không đủ điều kiện sản xuất, thế nhưng nhiều nông dân ở Kiên Giang vẫn đua nhau xuống giống, bất chấp những lo ngại của ngành chức năng về tình hình dịch bệnh và khả năng mất mùa nếu nước lũ đổ về sớm.

Theo quy hoạch, vụ lúa TĐ năm nay toàn tỉnh Kiên Giang sẽ xuống giống khoảng 36.000 ha. Trong đó tập trung nhiều nhất tại huyện Giồng Riềng với diện tích 30.000 ha, còn lại là Châu Thành 3.500 ha và Gò Quao 2.500 ha. Đây là những địa phương ít chịu ảnh hưởng trong mùa nước nổi do địa hình cao và có hệ thống đê bao tương đối hoàn chỉnh.

Hơn nữa, để đảm bảo thời gian cách ly giữa các vụ lúa, ngành nông nghiệp tỉnh đã điều chỉnh lịch xuống giống lúa hè thu (HT) ở những địa phương này sớm hơn khoảng một tháng. Các địa phương khác như Tân Hiệp, Hòn Đất, Kiên Lương… do ảnh hưởng nguồn nước lũ, hệ thống đê bao lại chưa hoàn chỉnh nên không được quy hoạch làm lúa TĐ. Thế nhưng, bất chấp mọi khuyến cáo, nhiều nông dân vẫn đua nhau xuống giống.

Tìm về các xã Tân An, Thạnh Đông B của huyện Tân Hiệp khi vụ HT vừa được thu hoạch, lúa còn chưa phơi xong do mưa dầm kéo dài. Thế nhưng, trên đồng ruộng những chiếc máy cày liên tục gầm rú, nhả khói đen sì, xới tung những gốc rạ còn tươi rói để chuẩn bị đất cho vụ lúa tiếp theo. “Vùng này chưa có đê bao, phải tranh thủ vậy mới kịp mùa vụ chứ làm trễ nước lũ lên mà chưa kịp thu hoạch là mất ăn” – anh Tuấn, một nông dân ấp Đông Bình, xã Thạnh Đông B chỉ kịp trả lời tôi mấy câu rồi vội vã đẩy chiếc xuồng chở lúa giống ra gieo sạ.

Dọc theo tuyến đường từ ấp Đông Bình qua Đông Thạnh, hễ cứ nơi nào cắt lúa xong là bà con liền trục đất xuống giống. Nhiều chỗ lúa HT vẫn còn vàng rực trên đồng nhưng chỗ khác lúa TĐ mạ đã lên xanh. Không chỉ những nông dân có ruộng đua nhau gieo sạ mà cả những nông dân ở các tỉnh khác cũng tìm về đây thuê mướn đất để làm.

Ông Tám Tri (Trần Văn Tri) ở ấp Đông Thạnh cho biết: “Nếu mình không làm, chỉ cần cắt lúa bữa trước bữa sau là có người đến mướn ngay. Nếu ai cắt sớm thì giá thuê lên đến hơn 1 triệu đồng/công. Còn trễ cũng từ 700.000 – 800.000 đồng/công”. Một số nông dân kỹ tính, sợ làm không có lãi thì chọn giải pháp “ăn chắc” là cho mướn.

Anh Nguyễn Thanh Hùng, nông dân ở ấp Đông Thạnh sau khi quyết định cho mướn đất đã phân tích: “Thà mình ăn ít mà đỡ phải lo. Vì làm lúa vụ này chi phí lớn, đất không có thời gian nghỉ nên rất tốn phân, đó là chưa kể dễ bị ngộ độc hữu cơ. Cuối vụ nếu nước lũ lên sớm, không thể thu hoạch bằng máy mà phải mướn thợ cắt tay sẽ rất tốn kém. Mà hiện nay cũng không phải dễ kiếm ra thợ cắt lúa đâu”.

Trao đổi với PV NNVN, ông Đinh Hiến Khương, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Đông B cho biết, do năm nay nông dân thu hoạch lúa sớm nên nhiều người đã tranh thủ gieo sạ tiếp vụ lúa TĐ. Trước tình hình này, ngành chuyên môn của huyện cũng như chính quyền xã đã nhiều lần đi vận động, nhắc nhở bà con không được làm. Thế nhưng, họ vẫn không nghe. Chính quyền chỉ có thể vận động, khuyến cáo chứ không thể ngăn cấm nông dân được, vì họ không phạm pháp.

Ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, những năm trước tỉnh không có chủ trương làm vụ lúa TĐ do điều kiện cơ sở hạ tầng không đảm bảo. Năm nay là năm đầu tiên tỉnh đưa vụ lúa TĐ vào sản xuất chính. Vì vậy, ngoài việc rà soát lại quy hoạch, Sở còn tổ chức hội nghị triển khai sản xuất lúa TĐ nhằm giúp bà con nông dân cũng như các địa phương thực hiện đạt hiệu quả.

Đặc biệt là phải tuân thủ lịch thời vụ, đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa ít nhất là 3 tuần. Trong thời gian này nông dân làm đất, vệ sinh đồng ruộng nhằm cắt nguồn sâu bệnh và giảm nguy cơ lúa bị ngộ độc hữu cơ. Việc nông dân làm lúa ngoài quy hoạch, không tuân thủ lịch mùa vụ không chỉ làm ảnh hưởng đến vụ lúa TĐ mà còn dẫn đến nguy cơ lây truyền bệnh sang vụ lúa ĐX, vụ lúa quan trọng nhất trong năm.

“Đây là năm đầu tiên nông dân trong xã xé rào làm lúa TĐ nên chưa biết đến cuối vụ kết quả thế nào. Tuy nhiên, thông thường thì chỉ cuối tháng 8 đầu tháng 9 là nước lũ đã về tràn đồng nên nguy cơ bị ngập cuối vụ là rất lớn” - ông Khương cho biết thêm. Theo ông Trần Quang Giàu, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Kiên Giang thì không chỉ nông dân ngoài vùng quy hoạch xé rào mà ngay cả trong vùng quy hoạch cũng không tuân thủ lịch thời vụ.

Được biết, để đảm bảo thời gian cách ly cũng như gieo sạ né rầy, Sở NN-PTNT tỉnh và Chi cục BVTV đã xây dựng lịch gieo sạ lúa TĐ trên địa bàn tỉnh gồm 2 đợt. Đợt 1 từ 28/6 đến 10/7 và đợt 2 từ 28/7 đến 10/8; mặt khác cũng đã ra khuyến cáo nông dân nên sử dụng các loại giống có chất lượng với thời gian sinh trưởng ngắn dưới 95 ngày. Thế nhưng đến nay có nhiều diện tích đã được nông dân gieo sạ cả tháng.

Ông Giàu lo ngại: “Việc nông dân gieo sạ không tuân thủ lịch thời vụ sẽ tạo điều kiện cho sâu, bệnh, nhất là rầy nâu di chuyển từ vụ này sang vụ khác. Đáng ngại là trong vụ HT trên địa bàn tỉnh đã xảy ra bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá (VL- LXL). Hơn nữa, việc gieo sạ ngay khi vừa thu hoạch sẽ làm cho lúa dễ bị ngộ độc hữu cơ, cây lúa sẽ bị suy yếu. Trong trường hợp này nếu bị sâu bệnh tấn công, đặc biệt là dịch VL-LXL thì thiệt hại sẽ rất lớn”...

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.