| Hotline: 0983.970.780

Đua nhau mua bản quyền giống lúa thuần

Thứ Ba 15/11/2011 , 09:50 (GMT+7)

Thời gian vừa qua diễn ra cuộc chạy đua mua bán bản quyền các giống lúa thuần, lúa nếp thay cho việc đổ xô mua bản quyền các giống lúa lai như trước kia. Vì sao vậy?

* Giống “quá date” cũng đắt hàng

Thời gian vừa qua diễn ra cuộc chạy đua mua bán bản quyền các giống lúa thuần, lúa nếp thay cho việc đổ xô mua bản quyền các giống lúa lai như trước kia. Vì sao vậy?

Khổ vì… bom tấn

Bán giống lúa lai lo ngay ngáy, chỉ khi nào nông dân được mùa DN cung ứng giống mới thở phào

Cách đây dăm năm, Cty TNHH Cường Tân vốn trước đó không có tên trong làng giống bỗng nhảy ra đặt mua bản quyền giống lúa lai TH3-3 của TS Nguyễn Thị Trâm (ĐH Nông nghiệp Hà Nội) với giá 10 tỷ đồng chẵn.

Lúc đó có người ví ông Đoàn Văn Sáu đã đem “bom tấn” ra khủng bố dân làm giống. Không khủng bố sao được, khi trước đó một DN giống thuộc hàng đại gia, mỗi năm lãi ròng mấy chục tỷ, cổ tức chia năm nào thấp nhất cũng 20% như Cty CP Giống cây trồng TƯ cũng chỉ dám mở két chi hơn 200 triệu mua bản quyền giống TH3-4.

Khoan hãy nói TH3-3 hơn kém TH3-4 ở những điểm nào (một số người bình luận hai giống lúa này hao hao nhau, là anh em cùng mẹ khác cha), mà chỉ riêng việc ông Sáu vác “bom 10 tỷ” ra kích nổ đã khiến nhiều DN giống choáng váng. Bỗng dưng nổi tiếng, cái tên “Sáu Cường Tân” khắp trong Nam ngoài Bắc đều biết. Thậm chí năm ấy một tờ báo Tết có tên tuổi như Tuổi Trẻ đã xếp đó là sự kiện khoa học - công nghệ đình đám nhất của năm.

Các DN giống lắc đầu lè lưỡi phục ông Sáu bao nhiêu thì các nhà khoa học “mở cờ trong bụng” bấy nhiêu. Lâu nay dân chọn tạo giống chịu âm thầm đã nhiều, mang nặng đẻ đau đứa con khoa học trong phòng thí nghiệm cả chục năm trời, giống ra lò muốn có danh phận còn phải mỏi mồm đi vận động các tỉnh đưa vào sản xuất thử, sản xuất thật, rồi sản xuất… thêm cho đủ 2.000ha/vụ giống mới được công nhận.

Chưa hết, giống đã chính danh nhưng phải được các địa phương đưa vào cơ cấu mới sống được. “Đoạn trường” này ai phải “đi đêm” mới hết nỗi cơ cực. Giờ giống mới ra lò, giống chưa công nhận, còn đang khảo nghiệm thử đã tới tấp các DN đến hỏi mua bản quyền. Hỏi còn sung sướng gì bằng. Sau quả “bom 10 tỷ”, làng giống tiếp tục chứng kiến một loạt các cuộc chuyển nhượng bản quyền giống. Viện Nghiên cứu Ngô bán được mấy giống ngô lai cho Cty CP TCty VTNN Nghệ An, Cty Đại Thành…

Thời buổi làm gì cũng phải có bản quyền nên DN nào cũng nhao đi tìm giống mới thửa về làm của riêng. Có một chuyện dở khóc dở cười là giống ngô LVN4 được TS Phan Xuân Hào cùng GS Trần Hồng Uy hồi còn đương chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô đồng chọn tạo. Khi GS Uy về hưu nhận lời làm cố vấn cho một Cty giống thì về nguyên tắc giống đó phải thuộc bản quyền của viện, cũng bình thường như việc một người dời cơ quan Nhà nước thì phải trả lại cơ quan bàn nghế, tủ, laptop, xe cộ… Chuyện rắc rối ở chỗ GS lại muốn đem giống ngô  về cho Cty kia kinh doanh. Vụ việc lình xình, Bộ phải ra tay xử lý theo hướng dung hòa - cả Viện và Cty kia cùng khai thác bản quyền giống LVN4.

Chưa hết. Nghe nói giống lúa lai HYT100 vốn trước không mấy tên tuổi nhưng từ vụ bản quyền giống lúa lai TH3-3 được tâng lên chục tỷ cũng thơm lây “bỗng dưng có giá”, được một Cty giống của Trung Quốc đang làm ăn tại VN săn đón hỏi mua. Ngược đời chưa, DN Trung Quốc lại đi mua bản quyền giống lúa lai "Made in Vietnam" bao giờ? Người bàn ra, kẻ tán vào cuối cùng cấp trên không đồng ý cho bán khiến Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm - tác giả giống lúa HYT100 tiếc hùi hụi.

Đến lúc này mọi người lại không ngớt lời khen bà Phạm Thị Cằng, GĐ Cty CP Kỹ thuật NNCNC Hải Phòng có tầm nhìn xa bởi trước đó cả mấy năm bà đã bỏ ra 200 triệu mua bản quyền giống lúa lai VL20 cũng của ĐH Nông nghiệp Hà Nội - một mức giá rẻ như cho không nếu so với mức giá 10 tỷ của giống TH3-3.

Cơn lốc mua bản quyền lớn đến nỗi GĐ một DN giống lên tiếng đòi “phanh” lại. Cái lý ông này đưa ra là, giống cây trồng ưu thế lai là tài sản khoa học của quốc gia nếu để chung cho mọi Viện nghiên cứu, Cty giống cùng khai thác thì nông dân sẽ là người được hưởng lợi lớn nhất, chứ đưa về tay một người, một DN không tránh khỏi độc quyền về giá. Nhưng ý kiến trên nhanh chóng bị lọt thỏm vào khoảng không ồn ã của những cuộc chào mời, ngã giá mua bán bản quyền. Có người còn nói vị này lạc hậu, không thức thời, bởi giống bản quyền thế giới đã làm từ lâu chứ có mới mẻ gì, ta giờ mới mua bán là quá muộn.

Nhưng rồi phong trào mua bản quyền giống lúa lai cũng dần dần lắng xuống. Khói từ vụ nổ quả “bom 10 tỷ” cũng tan đi để lại một hiện trường không mấy dễ chịu. Sau nhiều năm sở hữu giống lúa 10 tỷ, ông Đoàn Văn Sáu vẫn loay hoay với việc sản xuất giống F1. Nay ông vào Quảng Nam, mai leo lên Tây Nguyên, ngày kia vô Bình Thuận, tóm lại Cty Cường Tân cứ xoay như chong chóng lo chuyện lúa bố mẹ trỗ trùng khớp, lo trái nắng trở trời lúa không thụ phấn, lo cắt lúa khử lẫn… Có người nói vui, ông Sáu rước về một cô hoa hậu đỏng đảnh, khó chiều. Nhưng đã trót đâm lao thì phải theo lao. Không có giống bản quyền thì kinh doanh giống gì cũng được, giờ có giống “bom tấn” chẳng lẽ không khai thác. Vả lại cái gánh nặng 10 tỷ đang đè nặng trên vai, có cố cũng phải gánh.

Không vụ làm giống F1 nào ông Sáu ăn ngon ngủ yên. Chỉ cần thời tiết tăng giảm mấy độ là cả vụ giống đi tong - không tự thụ cũng giảm năng suất, thậm chí mất trắng. Các Cty bên ngoài chẳng hiểu cho cứ tưởng ông Sáu hốt được tiền tỷ. Bởi theo đúng lý thuyết cứ mỗi vụ làm 200-300 tấn lúa lai TH3-3 bán với giá rẻ nhất 50.000 đồng/kg là đã cầm chắc lãi 25.000-30.000 đồng/kg (giá thành chỉ một nửa), thu về 6-7 tỷ bạc. Lãi quá bằng buôn thuốc phiện chứ chẳng chơi. Thật đúng cảnh “Người ngoài cười nụ, người trong… rầu lòng”.

Sự mệt mỏi, cực nhọc của các Cty có giống độc quyền còn ở chỗ, nông dân mình vốn vẫn sính lúa lai Trung Quốc nên mặc cho tuyên truyền quảng cáo đến mấy người dân vẫn không chịu “tiêu hóa” các giống lai nội. Thành thử năm mất mùa đã chết, năm được mùa hạt lai F1 các Cty SX giống TH3-3, VL20 vẫn lo ngay ngáy, không biết có tiêu thụ được hết giống hay không. Giống tồn kho thì không có tiền trả tiền thuê ruộng của nông dân cũng chết. Đúng là bỏ tiền tấn ra ôm… bom vào mình.

Không chỉ Cty Cường Tân, các Cty giống nhiều kinh nghiệm làm lúa lai như Cty CP Giống cây trồng miền Nam, Cty CP Giống cây trồng TƯ, Cty CP Kỹ thuật NNCNC Hải Phòng… sản xuất nhiều tổ hợp lúa lai tại miền Trung cũng “chết” như sung rụng, năm nào cũng phải kêu Chính phủ, Bộ ra tay cứu giúp. “Cửa ải” sản xuất F1 đã trở thành “cửa tử” khó vượt qua đối với các DNSX hạt lai.

Sản xuất F1 đã khó, nhiều tổ hợp lúa lai nội khi đưa ra SX thương phẩm còn “đỏng đảnh” hơn, không gặp chuyện lớn cũng gặp chuyện nhỏ. Bán giống lúa lai mà như gả con gái về nhà làm dâu nhà người ta, biết vợ chồng nó có cơm lành canh ngọt không hay dăm bữa nửa tháng con mình lại bị thông gia trả về nơi… sản xuất.

Giám đốc một Cty giống nói thật: “Bán giống lúa thuần về kê cao gối ngủ ngon lành. Lúa lai khác, bao giờ dân họ gặt lúa, thóc chất đầy bồ mình mới thở hắt ra nổi”. Ngay như giống TH3-3, sản xuất hoàn toàn trong nước nghĩa là yên tâm về tỷ lệ nảy mầm nhưng nếu gặp thời tiết mẫn cảm khi trỗ, lúa thương phẩm vẫn giảm năng suất như thường. Khi đó, nông dân không hiểu vẫn đổ riệt tại chất lượng giống. Có lẽ đến lúc này các Cty có giống độc quyền mới thấy hết nỗi khổ của việc giống của mình quá nổi tiếng, đồng nghĩa với việc… tai tiếng.

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Làng thông minh - 'Cuộc cách mạng' mới ở Đồng Tháp

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, làng thông minh được xây dựng từ các hội quán nông dân, phù hợp với xu hướng phát triển nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.