| Hotline: 0983.970.780

Dừa Việt Nam chất lượng nhất thế giới

Thứ Ba 19/11/2019 , 07:01 (GMT+7)

Diện tích cây dừa của Việt Nam đứng hàng thứ 7 trong 93 nước trồng dừa trên thế giới.

* Kết nối thị trường Trung Quốc 

Theo đánh giá của Cộng đồng dừa quốc tế (ICC), dừa Việt Nam có năng suất và chất lượng cao nhất trên thế giới.

Cả nước có 175.000 ha dừa

Ở Việt Nam dừa được xếp hàng thứ tư trong các cây công nghiệp lâu năm với diện tích trồng lớn, sau cao su, hồ tiêu, điều. Hiện nay, diện tích dừa cả nước đạt khoảng 175.000 ha, tập trung tại các tỉnh Duyên hải miền Trung và ĐBSCL.

19-14-16_1
Nâng cao chuỗi giá trị, hướng đến nâng cao thu nhập của nông dân trồng dừa trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong đó, ĐBSCL chiếm gần 80% diện tích dừa cả nước với diện tích khoảng 130.000 ha. Các tỉnh có diện tích trồng dừa lớn là: Bến Tre (trên 72.000 ha), Trà Vinh (gần 20.000 ha), Tiền Giang (trên 14.000 ha), Vĩnh Long (trên 7.000 ha). Từ đó, dừa được xác định là cây trồng quan trong cung cấp nguồn nguyên liệu cung cấp cho nhiều ngành công nghiệp.

Tại Bến Tre, hiện có gần 200.000 hộ dân trồng dừa. Sản xuất dừa vẫn còn nhỏ lẻ, chưa tập trung. Tuy nhiên dừa vẫn là cây cho thu nhập chính của nhiều vùng.

Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu dầu và cây có dầu, tại các vùng trồng dừa ở Bến Tre, Trà Vinh, thu nhập từ cây dừa chiếm 50% thu nhập của hộ.

Số liệu từ Hải quan Việt Nam cho thấy giá trị xuất khẩu dừa tháng 9/2019 đạt khoảng 12,4 triệu USD, giá trị xuất khẩu dừa 9 tháng đạt khoảng 109,1 triệu USD, giảm 29,8% so với cùng kỳ năm 2018. Một số thị trường truyền thống đã bị suy giảm.

Trong đó, Trung Quốc là thị trường đứng đầu nhập khẩu dừa Việt Nam với 30,4% thị phần đạt 33,2 triệu USD, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2018. Thái Lan giảm 16,1%, Ai Cập giảm 28,7%... Tuy nhiên, một số thị trường khác lại tăng mạnh như Qatar tăng 578%, Tây Ban Nha tăng 93,4%, Úc tăng 29,7%, Hàn Quốc tăng 28%. 

Nâng cao chuỗi giá trị

Theo đánh giá của Viện Cây ăn quả Miền Nam, cây dừa nằm trong nhóm cây trồng chống chịu tốt với mặn, với nồng độ từ 5-6 phần nghìn. Ngoài ra, cây dừa còn chịu được ngập úng và hấp thụ một lượng đáng kể khí CO2. Đây là một trong những yếu tố thuận lợi cho việc phát triển bền vững cây dừa trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.

19-14-16_2
Các sản phẩm dừa có nhiều tiềm năng phát triển trong xu hướng tiêu dùng xanh.

Tuy nhiên, theo Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhiều loại dịch hại sẽ xuất hiện. Đặc biệt là bọ cánh cứng hại dừa.

Hiện nay, biện pháp sinh học như nhân nuôi bọ đuôi kìm, ong kí sinh… là những giải pháp sinh học được quan tâm hàng đầu. Hiện Trung tâm đã xây dựng các mô hình nhân nuôi các loại thiên địch kể trên tại các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang.

Theo các chuyên gia, các tỉnh trồng dừa cần tận dụng lợi thế của cây dừa để khai thác hiệu quả loại cây trồng này. Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương cho biết: Hiện nay, Chính phủ phủ đã có nhiều chính sách, văn bản chỉ đạo điều hành nhằm thực thi giảm thiểu, thay thế đồ nhựa sử dụng một lần, thúc đẩy tiêu dùng xanh và hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh, phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam không sử dụng đồ nhựa một lần.

Điều này, tạo nên một lợi thế lớn cho cây dừa, các sản phẩm từ dừa như: đũa, muỗng, đồ gia dụng gia đình, chế biến món ăn, mỹ phẩm… có lợi thế và tiềm năng để phát triển. Hơn nữa, trong nền kinh tế xanh, phát triển nông nghiệp hữu cơ là vấn đề rất được quan tâm, hướng đến. Mụn dừa là một nguồn nguyên liệu chế biến phân hữu cơ rất tốt.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), dừa là một trong những cây trồng đã được Chính phủ, Bộ NN-PTNT quan tâm quy hoạch.

Tại Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 2/2/2012 về việc quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, diện tích dừa Việt Nam là 140.000 ha. Vùng sản xuất chính là ĐBSCL, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ.

Ngày 2/4/2014, Bộ NN-PTNT cũng đã ban hành Quyết định 639 về quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Trong đó, diện tích dừa là 123,3 nghìn ha và sản lượng đạt 1 triệu tấn. Ngành nông nghiệp sẽ tập trung cải tạo vườn tạp và vườn dừa già cỗi, trồng cây thay thế bằng giống mới năng suất cao hơn, nhân rộng các mô hình trồng xen (ca cao, nuôi trồng thủy sản, nuôi gà), áp dụng các mô hình thâm canh thích hợp.

19-14-16_3
Tăng cường liên kết tiêu thụ dừa nhằm nâng cao chuỗi giá trị cây dừa.

Tại Bến Tre, sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về phát triển bền vững cây dừa, nâng cao thu nhập cho người trồng dừa, UBND tỉnh Bến Tre đã đề ra nhóm 6 nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành của tỉnh chủ động thực hiện. Trong đó, phát triển chuỗi giá trị cây dừa thông qua phát triển HTX, THT. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết tiêu thụ, nâng cao chuỗi giá trị trái dừa và phát triển xuất khẩu.

Kết nối tăng trưởng trở lại thị trường Trung Quốc

Bến Tre đang quan tâm đầu tư xây dựng vườn dừa hữu cơ và phát triển xuất khẩu, nhất là kết nối lại thị trường chính là Trung Quốc. Đến tháng 10/2019, toàn tỉnh đã có 6.981 ha dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, được chứng nhận đạt 3.255,1 ha.

Trên địa bàn tỉnh có 5 doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ như: Cty Lương Quới, Á Châu, Mê Kông... Đối với sản phẩm dừa công nghiệp, trong năm 2019, các doanh nghiệp đã thu mua được trên 15 triệu trái, trong đó có trên 2,2 triệu trái tại các HTX, tổ hợp tác. Đối với dừa uống nước, các doanh nghiệp cũng thu mua trên 1 triệu trái.

(Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre)

Xem thêm
350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.