| Hotline: 0983.970.780

Dùng bẫy đèn bắt bướm sâu đục thân mía

Thứ Ba 30/07/2013 , 10:34 (GMT+7)

Sâu đục thân là nhóm dịch hại chính trên cây mía ở Tây Ninh nói riêng, vùng Đông Nam bộ nói chung.

Sâu đục thân là nhóm dịch hại chính trên cây mía ở Tây Ninh nói riêng, vùng Đông Nam bộ nói chung. Hằng năm thiệt hại do nhóm sâu này gây ra ước tính chiếm khoảng 20 - 40% năng suất mía trong vùng.

Đặc biệt, những kết quả điều tra, nghiên cứu gần đây còn chỉ ra rằng chúng là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm giảm đáng kể chất lượng mía nguyên liệu, từ bình quân trên 10-11 CCS trước đây xuống còn dưới 8,5 CCS như vụ mía 2011-2012.

Có tới 8 loài sâu đục thân mía thường xuyên xuất hiện gây hại cho SX mía ở vùng Đông Nam bộ, trong đó 3 loài gây hại chủ yếu là sâu đục thân 4 vạch Chilo sacchariphagus, sâu đục thân mình tím Phragmataecia castaneae và sâu đục thân mình hồng Sesamia sp.

Việc tìm ra các biện pháp phòng trừ sâu đục thân mía đang gặp phải nhiều khó khăn. Có nhiều biện pháp phòng trừ sâu đục thân mía đã được các nhà khoa học và cơ quan chuyên môn khuyến cáo áp dụng và đã được thử nghiệm như trồng giống chống chịu, kỹ thuật canh tác, sinh học (ong mắt đỏ, bọ đuôi kìm), hóa học, bẫy đèn…, nhưng hiệu quả thu được không cao hoặc không rõ rệt.

Riêng có biện pháp bẫy đèn là chưa có điều kiện để áp dụng, thử nghiệm trên phạm vi đủ lớn là một vùng mía tập trung, nên chưa có được kết quả đủ sức thuyết phục người trồng mía áp dụng rộng rãi.

Trong số 3 NM đường đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, NM đường Nước Trong thuộc Cty CP Mía đường Tây Ninh là đơn vị thường xuyên bị sâu đục thân mía gây hại nặng nhất vì có 1 vùng mía nguyên liệu tập trung chính rộng khoảng 2.000 ha ở chân đất cao, khô hạn.

Trước năm 2010, nhiều biện pháp phòng trừ khác nhau đã được thử nghiệm trong vùng nguyên liệu của NM. Tuy nhiên tình hình gây hại của nhóm sâu đục thân vẫn không hề suy giảm mà có chiều hướng ngày càng gia tăng.

Vào đầu năm 2011, KS. Hồ Thái Bình, KS. Nguyễn Hồng Sơn và các cán bộ khác thuộc Ban Khuyến nông của NM đã đề xuất áp dụng thử nghiệm biện pháp lợi dụng hệ thống lưới điện để treo và thắp sáng các bẫy đèn bắt bướm sâu đục thân mía, bởi bướm trưởng thành của hầu hết các loài sâu đục thân mía đều có xu tính ánh sáng, bị hấp dẫn bởi ánh sáng đèn vào ban đêm.

Trong đó, bướm trưởng thành của loài sâu đục thân mình tím, loài sâu hại chính trên giống mía VN84-4137 (giống mía chủ lực trong vùng nguyên liệu của NM, hiện đang chiếm > 60% cơ cấu diện tích), là loài có xu tính ánh sáng mạnh nhất.

Biện pháp này đã được Ban lãnh đạo NM hết sức ủng hộ, phê duyệt và cho thực hiện ngay. Từ 10 cái bẫy thử nghiệm ban đầu trong vụ mía 2010-2011, đến vụ 2011-2012 đã tăng lên 260 cái và vụ 2012-2013 là 510 cái.

Bẫy đèn là một dụng cụ khá đơn giản, gồm 1 cái nón chụp kín bằng tôn mạ kẽm ở bên trên và quay xuống dưới để che mưa cho bóng đèn; 1 cái nón chụp hở bằng tôn mạ kẽm ở bên dưới và quay ngược lên để hứng sâu; 1 bóng đèn điện compact có công suất 200W treo ở trục giữa 2 nón;

Ở khoảng giữa 2 nón và xung quanh vị trí đặt bóng đèn có gắn 3 lá chắn đứng bằng tôn mạ kẽm sáng để khi bướm bay vào đèn sẽ bị va đập với lá chắn và rơi xuống nón hứng sâu bên dưới; ở phía dưới đáy cái nón bên dưới có gắn 1 dụng cụ chứa côn trùng là 1 cái lon sữa cũ hoặc 1 cái thùng nhựa, bên trong có cho một ít dầu diesel, dầu nhờn hoặc một ít thuốc trừ sâu để khi côn trùng rơi vào sẽ dính thuốc và chết.


Kiểm tra bẫy đèn bắt sâu đục thân mía

Giá thành 1 bẫy đèn như vậy hiện nay chỉ khoảng 250.000 đồng. Khi sử dụng, cần treo, gắn cố định bẫy đèn lên 1 cây cột trụ bằng xi măng, sắt hoặc bằng cây, đảm bảo đèn lúc nào cũng ở vị trí cao hơn mặt ruộng. Sau đó nối bẫy với nguồn điện để thắp sáng bóng đèn.

Sau gần 3 năm sử dụng rộng rãi bẫy đèn để bắt bướm sâu đục thân trong 1 vùng mía nguyên liệu rộng khoảng 1.000 ha ở NM đường Nước Trong, hiệu quả thu được thật sự đã gây nên bất ngờ lớn không chỉ với lãnh đạo, cán bộ nông vụ và nông dân trồng mía của nhà máy, mà ngay cả đối với các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực BVTV trên cây mía.

Bởi có lẽ đây là mô hình phòng trừ sâu đục thân mía bằng biện pháp bẫy đèn trên qui mô rộng lớn đầu tiên được áp dụng trong thực tiễn sản xuất mía nguyên liệu ở phạm vi cả trong nước và thế giới.

Số liệu điều tra, thu thập của Ban Khuyến nông NM từ 2011 đến nay cho thấy: Bình quân 1 bẫy đèn trong 1 đêm có thể thu bắt được 2 bướm sâu mình hồng, 6 bướm sâu mình tím, 40 bướm sâu 4 và 5 vạch. Tỷ lệ bướm cái vào đèn trung bình chiếm 50% tổng số bướm và phần lớn bướm cái vẫn còn chứa rất nhiều trứng trong bụng.

Với khả năng đẻ trứng bình quân là khoảng 100 trứng/bướm cái sâu đục thân mình hồng, 400 trứng/bướm cái sâu đục thân mình tím và 250 trứng/bướm cái sâu đục thân 4 và 5 vạch; với giả thiết rằng chỉ có 10% số trứng có khả năng nở thành sâu non gây hại cho cây mía thì việc thắp sáng 1 bẫy đèn trong 1 đêm trung bình có thể tiêu diệt được khoảng 10 sâu non mình hồng, 120 sâu non mình tím, 500 con sâu non 4 và 5 vạch ở thế hệ tiếp sau.

Bình quân 1 vụ mía thắp sáng bẫy đèn khoảng 100 ngày, mỗi ngày thắp sáng trong khoảng 10 giờ (từ 19 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau), tổng chi phí tiền điện và khấu hao tiền mua bẫy đèn cho 1 bẫy đèn chỉ hết khoảng 110.000 đồng/vụ, nhưng hiệu quả trừ sâu đục thân thu được rất lớn: 1 bẫy đèn có thể tiêu diệt được khoảng 1.000 sâu non mình hồng, 12.000 sâu non mình tím, 50.000 sâu non 4 và 5 vạch.

Sau gần 3 năm sử dụng rộng rãi bẫy đèn để bắt bướm sâu đục thân mía, tỷ lệ cây bị sâu đục thân gây hại trong vùng Nước Trong đã giảm từ mức trung bình 10,47% trong năm 2010 xuống còn 4,16% trong năm 2011 và 3,16% trong năm 2012.

Trong khi đó năng suất mía bình quân trong vùng đã tăng từ mức 62 tấn/ha trong vụ 2009-2010 lên gần 66 tấn/ha trong vụ 2010-2011 và gần 73 tấn/ha trong vụ 2012-2013.

Trong thời gian tới, nếu biện pháp phòng trừ hữu hiệu này tiếp tục được nhân rộng, áp dụng đồng loạt trên toàn bộ diện tích 2.000 ha mía của nhà máy thì hiệu quả thu được còn lớn hơn rất nhiều.

Qua kết quả nêu trên chúng ta thấy rằng bẫy đèn hoàn toàn có thể trở thành biện pháp phòng trừ trung tâm có hiệu quả cao hệ thống các biện pháp quản lý dịch hại mía tổng hợp ở các vùng mía nguyên liệu tập trung có đầu tư phát triển hệ thống lưới điện trải đều khắp diện tích.

 Riêng đối với loài sâu đục thân mía mình tím, đến thời điểm hiện tại chúng ta có thể khẳng định rằng đây là biện pháp phòng trừ hữu hiệu nhất.

Ngoài việc hạn chế thiệt hại do nhóm sâu đục thân gây ra, biện pháp này còn góp phần thu hút, tiêu diệt và hạn chế đáng kể mức độ thiệt hại do loài rầy đầu vàng Eoeurysa flavocapitata Muir gây ra. Trước đây, loài rầy này đã từng gây nên thiệt hại khá lớn cho SX mía nguyên liệu của tỉnh Tây Ninh nói riêng, miền Nam nói chung.

Ngoài gây hại trực tiếp bằng cách chích hút nhựa cây mía, chúng còn thải ra rất nhiều chất dịch dạng bọt màu trắng, là môi trường thuận lợi cho nấm muội đen xâm nhiễm, phát triển nhanh, phủ kín bề mặt thân, lá, hạn chế đáng kể khả năng quang hợp của cây, dẫn đến làm giảm năng suất mía và đặc biệt là chất lượng mía nguyên liệu.

Tuy nhiên, qua theo dõi, Ban Khuyến nông NM đường Nước Trong thấy rằng kể từ khi sử dụng rộng rãi bẫy đèn bắt bướm sâu đục thân mía đến nay, chưa thấy loài rầy này phát sinh thành dịch trở lại gây hại cho SX mía trong vùng. Trong khi ở các vùng khác ở thuộc ĐNB và ĐBSCL, chúng vẫn thường xuyên xuất hiện thành từng đợt dịch cục bộ và gây hại đáng kể cho SX mía nguyên liệu.

(*): Tác giả hiện là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Cục Thú y ban hành hướng dẫn phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Cục Thú y khuyến cáo, khi phát hiện gia cầm chết hàng loạt không được giấu dịch, cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y.

'Bệnh kép' hại ớt

HẢI DƯƠNG Gọi là 'bệnh kép' bởi hơn tháng nay, một số ruộng ớt của nông dân huyện Nam Sách cùng lúc bị 2 loại bệnh gây hại với triệu chứng rất đặc trưng.

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất