| Hotline: 0983.970.780

Dùng biogas như "gà mắc tóc"

Thứ Ba 21/10/2014 , 10:12 (GMT+7)

Thiếu kiến thức về sử dụng hầm khí sinh học (biogas), không ít hộ chăn nuôi đầu tư một khoản tiền khá lớn để xử lý môi trường nhưng kết quả lại không đạt mong muốn.

Tại xã Yên Lộc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, phong trào chăn nuôi nông hộ và gia trại khá phát triển. Toàn xã có khoảng 1.000 hộ chăn nuôi, trong đó có khoảng 700 hộ nuôi lợn, 300 hộ nuôi gia cầm (hoặc gà, vịt kết hợp).

Theo ông Mai Văn Kỳ, Phó Chủ nhiệm HTXNN kiêm cán bộ thú y xã Yên Lộc, đối với 20 gia trại và 1 trang trại của địa phương, hầu hết chủ hộ chăn nuôi đã đầu tư xây dựng hầm biogas, tuy nhiên không phải công trình nào cũng vận hành tốt.

Ông Kỳ nhẩm tính, riêng xóm 4 (xã Yên Lộc) có 6 công trình biogas, nhưng hiện tại chỉ 3 hầm còn hoạt động, số còn lại bị “đắp chiếu” vì hư hỏng hoặc không hoạt động hiệu quả. Các hộ có công trình biogas nhưng không sử dụng như hộ ông Cao Văn Chiện, Ngụy Văn Toàn và Trần Văn Kim (ông Kim sử dụng túi ủ biogas dung tích chứa 5 m3).

Giải thích nguyên nhân dẫn đến hiện trạng trên, ông Kỳ giải thích, những năm trước, việc sử dụng công nghệ biogas chưa được tuyên truyền rộng rãi. Các hộ chăn nuôi tự thuê một nhóm thợ ở địa phương xây dựng hầm hình chum với dung tích chứa từ 5 - 9 m3.

Sau khi lắp xong, họ nhận tiền rồi hướng dẫn sơ qua cách vận hành bằng miệng, vì thế người sử dụng không có kiến thức chuyên sâu về quản lý và vận hành.

Mặt khác, có những nhóm thợ xây dựng hầm chứa biogas chưa được đào tạo qua trường lớp, hoặc khóa tập huấn chuyên sâu về kiến thức xây dựng. Nếu phối trộn vữa xi măng không đúng tỷ lệ, sử dụng vật liệu xây dựng không đảm bảo chất lượng hoặc làm sai quy trình kỹ thuật, trong quá trình sử dụng, chất liệu xi măng và gạch tiếp xúc lâu ngày với chất thải chăn nuôi có thể bị axit ăn mòn.

Thậm chí ở những nơi có nền đất yếu dễ bị lún làm hầm rạn nứt, dẫn đến rò rỉ gas.

Hố nguyên liệu của ông Hợi đã sử dụng được trên 10 năm, lượng bã phân sắp đầy nhưng không biết làm thế nào để múc bỏ. “Tôi định tự vệ sinh lại cái hố biogas, nhưng nghe thông tin báo chí nói có mấy vụ tử vong vì ngạt khí độc do tự ý chui xuống hố. Sợ quá không dám làm”, ông Hợi chia sẻ.

Hầm biogas xây theo mô hình phổ biến của địa phương thường có nhược điểm không tự đẩy bã đã phân huỷ ra khỏi hầm, nên khi chất bã đầy làm cho hầm hoạt động kém hiệu quả, lượng khí gas sinh ra thấp. Trước đây, để xử lý tình trạng này, bà con tự dọn hoặc thuê xe hút, thế nhưng lại không nắm bắt được kỹ thuật nên làm cho hầm hư hỏng nhanh hơn.

Năm 2005, gia đình ông Cao Văn Chiện (xóm 4, xã Yên Lộc) đã đầu tư hàng chục triệu đồng để xây một hầm biogas dung tích 9 m3, tuy nhiên, chỉ sau 2 năm hoạt động, hầm bị nứt vỡ, gây rò rỉ khí gas ra môi trường.

Khả năng sinh khí của hầm chứa biogas kém ảnh hưởng đến khả năng sinh lửa, lâu ngày không thể hoạt động.

“Tôi rất muốn tìm hiểu thông tin về cách sửa chữa hầm biogas bị nứt vỡ để vận hành trở lại, nhưng không biết hỏi ai. Đầu tư xây cái hầm to mất cả chục triệu đồng, giờ bỏ phí, nghĩ cũng tiếc”, ông Chiện chia sẻ.

Nhắc đến những trục trặc trong quá trình vận hành công trình biogas, ông Hoàng Văn Hợi, một hộ chăn nuôi lợn quy mô 50 con nói: “Tôi không rõ phải pha nước với phân lợn theo tỷ lệ bao nhiêu là vừa. Có khi thấy chuồng bẩn quá, vợ tôi cắm máy bơm rồi dẫn vòi nước xả nước vô tội vạ.

Sau đó, khí gas sinh ra rất ít, nhóm lửa không thể lên. Bên cạnh đó, phân lợn chưa kịp phân giải hết mùi hôi thối đã bị đẩy ra ngoài, nước thải có lẫn phân tươi rất mất vệ sinh”.

Có khi, nửa năm ông Hợi không kiểm tra hầm biogas, khi bật bếp nấu nướng, gas cháy rất yếu. Tưởng hầm khí biogas hỏng, ông bỏ không 2 tháng liền. May có ông Doãn Văn Biền, người cùng xóm chỉ cách thọc qua ống vào hố nguyên liệu để phá váng nổi trên mặt hố, tạo điều kiện cho phân phân hủy và thoát khí dễ dàng, thì ngọn lửa mới thông trở lại.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.