| Hotline: 0983.970.780

Đừng có chạnh lòng với những qui ước về người đã khuất

Thứ Tư 20/09/2017 , 06:50 (GMT+7)

Nhưng cô ơi, âm thầm cháu xót xa cho mình. Nhiều lúc cháu thấy mình chẳng là gì so với cái bóng quá lớn của người đàn bà trên bàn thờ kia...

Cô kính mến!

Cháu ly dị chồng năm 31 tuổi, con gái duy nhất khi đó 8 tuổi. Không phải có ai khác mà vì những bất đồng cơ bản quá nên không điều chỉnh được. Buồn vì thất bại chứ không phải vì mất người mình từng tha thiết gọi chồng, bố của con.

Năm năm sau cháu mới gặp chồng cháu bây giờ. Anh góa vợ, gà trống nuôi con bảy năm trời. Khi hai người chạm vào nhau anh đã 40. Con của anh là con trai, đích tôn của họ nhà anh, họ Trần từng một thời danh gia vọng tộc. Chín năm kể từ khi ly dị cháu mới về hẳn với anh. Trung niên cả rồi, không trăng mật, cưới xin gì cả. Nhưng anh làm mấy mâm cơm để cháu ra mắt gia tiên và nội tộc nhà anh, để cho bố mẹ và con gái cháu an tâm cháu có chồng lần nữa, đàng hoàng.

Mà đàng hoàng thật chứ không diễn gì cả. Anh rất hiếu đạo nên không cưới to cũng phải đăng ký (việc đeo nhẫn) cháu nói sau. Và hai vợ chồng hai bề con, sống trong ngôi nhà vợ chồng anh từng sống, cạnh bên nhà bố mẹ anh. Hàng xóm của anh thì khỏi nói, là những người đã thương quý vợ anh nên cháu lãnh đủ, một thời gian dài cháu là đề tài để họ tám. Nhưng rồi người ta cũng chóng quên việc đó. Con trai anh và con gái cháu cũng vừa cỡ anh em nhau, ơn trời, chúng không chành chọe như cháu lo sợ. Ba năm đủ dài để có thể nói, cuộc sống yên bình như mặt hồ, anh có vẻ rất an tâm đã tìm được một người biết làm vợ, biết làm mẹ và biết cả hương khói vợ quá cố của anh.

Nhưng cô ơi, âm thầm cháu xót xa cho mình. Nhiều lúc cháu thấy mình chẳng là gì so với cái bóng quá lớn của người đàn bà trên bàn thờ kia. Anh luôn nhắc cháu đừng bao giờ vặn hỏi những thứ liên quan đến người cũ như đồ đạc, thói quen của anh, vô số vật dụng kỷ niệm, bên ngoại của đứa con trai anh, vân vân và vân vân. Cháu là vợ chứ đâu phải người có nghĩa vụ kế thừa suông? Nói thật lúc đầu cháu đã thấy nhẹ tênh vì chị ấy quá cố chứ không phải ly dị, nhưng có lẽ lấy một người đổ vỡ hôn nhân lại dễ hơn.

Đến khi anh giải thích vì sao đăng ký mà không cần nhẫn, rằng anh đã từng có nhẫn, còn nhẫn trên tay và cháu sẽ đeo nhẫn của người trước, thế là xong, khỏi lăn tăn. Cháu thấy gợn rồi rợn người. Sao thể nhỉ? Chiếc nhẫn ấy anh cất đi làm kỷ niệm, một chiếc nhẫn khác cho cháu thì mất gì? Cháu không bùng khi ấy mà mãi sau này mới bùng lên, nói hết.

Anh vẫn bình tĩnh kiểu thâm nho của anh, không lay chuyển, không phản ứng, không nao núng. Cháu ghen tức vô lối hay là anh quá ích kỷ, chỉ biết cảm xúc, đời sống tinh thần của hai bố con mà xem nhẹ cháu và con gái cháu hở cô? Hay là tặc lưỡi, rồi sẽ nguôi và yên hẳn. Hay là cố đẻ một đứa con chung để kết nối với nhau sâu sắc thực sự cô?

---------------------

Cháu thân mến!

Có những người nghĩ đơn giản khi gặp ai đó góa vợ và muốn gá nghĩa nhau. Thực ra, với người đổ vỡ cũng khó mà người góa cũng khó. Vì sao?

Với người đổ vỡ mà có con riêng thì sợi dây họ không đứt hẳn, nó chỉ dài ra thôi. Vẫn còn rất nhiều lúc mà người phụ nữ sau vẫn phải đương đầu từ đứa con của họ (hoặc là từ nhà vợ cũ nếu người chồng của mình vẫn được lòng phía đó). Gặp phải bà vợ cũ tinh tướng nữa thì rất mệt. Vì sao bà ta tinh tướng? Nếu là người dữ, sự tinh tướng là đương nhiên, nhưng với người hiền, nàng ta vẫn tự cảm thấy mình còn uy lực vì là mẹ của đứa con kia, mình từng là thời thanh xuân của “hắn” ta, mình vẫn là nàng dâu quen thuộc của nhà chồng cũ. Rất lâu sau nàng ta mới yên bề là cũ nếu nàng ta gặp người khác và hạnh phúc, bằng không, vẫn ngấm ngầm ghen với cái mới của người cũ à nha.

Với người góa bụa thì ký ức đau buồn và thiêng liêng là di sản của họ mà người sau phải kế thừa, chắc chắn như vậy. Đừng nghĩ người chết là hết, họ sống mãnh liệt hơn người sống tưởng đấy chứ. Thứ gì cũng lên tiếng nhắc nhở và đúng là khôn hồn thì chớ nên chạm vào, phạm vào, nói gì đến vặn hỏi, truy vấn. Có nằm yên không, cả người chết, hình bóng của họ và những kỷ vật? Không yên mới đúng quy luật, bởi khi một người ra đi thì cái gì họ để lại cũng rung rinh, hình ảnh, mùi hương, cảm xúc, khơi gợi…

Vậy thì làm sao? Trường hợp cháu, vợ trước người ta là quá cố, những cái khó trong cuộc hôn nhân hiện nay của mình, cháu cảm nhận không thiếu. Bởi vì người ta đàng hoàng, sâu sắc và tử tế, hiếu nghĩa. Cháu đã có được những điều cơ bản nhất ở một người đàn ông, vậy sao cháu lại ấm ức âm ỉ? Là vì, bản năng ghen cũng thường tình thôi, rất đàn bà, rất tự nhiên. Làm sao tránh được? Tránh cũng không được, chi bằng mình đối diện với nó để đối thoại với chính nó.

Cháu thấy tuyệt vời và yên ổn, đúng không? Vậy thì đừng có chạnh lòng với những qui ước về người đã khuất. Hãy tin vào quy luật thời gian, nếu cháu tôn trọng nó thì nó sẽ nhiệm mầu. Không có nghĩa là người ta quên bẵng, không, vẫn tôn thờ, vẫn nhớ nhung, vẫn chạnh buồn nhưng hiện tại và phía trước vẫn cứ là quan trọng. Chiếc nhẫn, mình tự hào anh ấy tin cậy và trao nó cho mình nhận lãnh và giữ gìn, thế thôi. Sinh con nữa ư, đừng tự tiện nếu người đó không đồng thuận. Và hãy nghĩ kỹ, đời ta đã đổ vỡ, làm lại được như vầy là phúc lớn và cố gắng lớn của rất nhiều phía rồi, đừng đòi hỏi quá.

Cái bóng trên tường ấy có lớn mấy cũng không sinh động bằng cháu, nhớ nha, con người hiện hữu bao giờ cũng mạnh hơn con người sẽ phôi pha.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm