| Hotline: 0983.970.780

Đừng để lây "bệnh bi quan"

Thứ Hai 07/04/2014 , 13:41 (GMT+7)

Thời nào đàn ông con trai cũng nặng gánh. Nhưng không ai chết chìm nếu mình giỏi bơi. Sẽ có cách hết thôi mà, đừng để các bạn nam lây bi quan cho cháu.

Cô Dạ Hương kính mến!

Như bao cô gái ở tỉnh xa, cháu thi đậu cao đẳng thành phố rồi lên đây trọ học. Thời gian vừa nhanh vừa chậm, thấm thoát mà đã sắp qua năm thứ hai rồi cô. Ba mẹ là nông dân, nuôi cháu ăn học, còn nuôi em trai cháu đang học cấp II, như vậy là rất cố gắng rồi. Cháu chỉ nhắc mình phải tiết kiệm, phải học thật tốt, phải giữ gìn để ba mẹ vui lòng, không dám yêu đương gì cả.

Vì vậy cháu không viết thư để xin tư vấn chuyện riêng. Cháu chỉ muốn tâm sự về những chuyện diễn ra trước mắt mình để cô giúp cháu xác định một cách nhìn cho tương lai của mình.

Nơi cháu ở trọ là một dãy nhà trên lợp tôn, vách cũng bằng tôn trên một bức tường thấp cho nền nhà đỡ dơ. Những ngày này chúng cháu sống như trong hỏa ngục. Điện giá cao, nước giá cao, lúc nào cũng nóng hầm hập như rang.

Trường chính của cháu ở nơi khác, vài khoa của trường cháu ở đây, nơi này trước thuộc ven đô, xập xệ mà. Cháu ở cùng với một chị đi làm giúp việc theo giờ cho nhiều gia đình ở trung tâm. Nhiều bạn bè cháu chúng ở trọ những chỗ khác, đỡ khổ hơn nhưng phải tốn nhiều tiền hơn.

Biết bao nhiêu cảnh đời trong dãy nhà trọ khiến cháu thấy cuộc sống như toàn màu đen vậy. Như chị giúp việc ở cùng với cháu đây, hai vợ chồng từ miền Trung vô làm lao động phổ thông, chồng lỡ nghiện rượu, bị ung thư gan chết sớm.

Chị phải gởi hai con về quê cho mẹ mình, quần quật lau dọn nhà cho người ta kiếm tiền chuyển về quê nuôi con, không dám ăn xài gì cả. Mới bốn mươi tuổi mà hàm răng lung lay, hai tay tiếp xúc với hóa chất lở hết, bệnh đau lưng lâu ngày chắc ảnh hưởng tới thận mà không dám đi khám.

Một gia đình khác, cũng ngoài Bắc vô, chồng đi tẩm quất dạo, vợ làm công nhân, con cũng gửi ngoài quê cho mẹ già. Còn nhiều nữa, một anh làm nghề hốt rác bị vợ bỏ, gà trống nuôi con. Những người như vậy sao mà đủ sống, nhưng tháng nào chậm tiền nhà là bị chủ chửi bới, thấy thương lắm đó cô.

Từ những cảnh đó cháu bắt đầu sợ ra đời. Như chúng cháu làm sao kiếm được việc nếu như không có tiền chạy công chức. Đội quân thất nghiệp có bằng cử nhân cao đẳng, theo báo chí thì quá đông rồi. Có phải vậy mà người ta hung ác lên, ngày nào cũng chém giết, tự tử, ăn trộm ăn cướp không cô?

So với năm thứ nhất, năm thứ hai này, cháu thấy sự háo hức vơi đi một nửa. Đám bạn cháu cũng cùng tâm trạng. Nhất là con trai, chúng nó nói con gái đi lấy chồng, chồng lo nhưng con trai phải đứng mũi chịu sào, nhưng kiếm đâu ra công việc mà nuôi vợ nuôi con.

Muốn có chân phu rác cũng không dễ. Đó đâu phải là tương lai, chúng cháu thấy mất niềm tin, mất cả phương hướng cô ơi.

Mong cô dành thời gian giúp cháu.

Cô giấu email cho cháu nhé cô

--------------------

Cháu thân mến!

Không có lá thư của cháu cô cũng biết phần nào cuộc sống của những người nông dân lên thành phố lao động chân tay. Điều khiến cô cảm động là cháu có lòng trắc ẩn với cuộc đời. Giữ được con mắt trong veo thật khó nhưng giữ được lòng nhân còn khó hơn đó cháu.

Vì sao chung quanh cháu, cụ thể là khu nhà trọ tồi tàn như hỏa ngục ấy có quá nhiều con người hẩm hiu như vậy? Là vì công cuộc đô thị hóa đã cuốn những số phận ấy lên thành trong khi vốn không, chữ nghĩa chắc chỉ đủ dùng cho đọc báo.

Làm nông dân thời nay quá khó, lúa lỗ, cá phập phù, tôm bệnh, rau củ rẻ mạt, người người rủ nhau bỏ đất mà đi. Người gan to đi nước ngòai làm thuê, người gan bé lên thành làm đủ thứ việc để qua ngày. Dân số đông, dân trí thấp, việc ít người nhiều nên cháu thấy ngổn ngang là phải.

Đó là những người lỡ nhịp, sinh vào những năm hậu chiến rối bời. Các cháu trẻ hơn, các cháu sẽ có học vấn hơn. Những điều cháu lo không phải không có căn cứ nhưng đừng đánh đồng những anh phu rác, những chị giúp việc với tương lai của mình.

Có học vẫn hơn, khác nhau cơ bản ở điểm này. Ví như trong cuộc mưu sinh, người có học vẫn sẽ tìm được cho mình một công việc khả dĩ. Là vì mình có bằng cấp, có đủ chữ để thi thố và mình có sự hiểu biết để xử thế nữa. Đơn cử, người thất học sẽ lầm lụi và vô cùng khó lường trong ngõ cụt thì người có học sẽ bình tâm hơn, khôn ngoan hơn và thông tỏ luật pháp hơn để tránh cho mình những tai vạ từ bế tắc mà ra.

Sẽ có thất nghiệp trong một đất nước ít ai lo việc nghề cho ai. Cứ đào tạo để các trường có sinh viên là tồn tại và lấy thành tích đã. Đáng lẽ vĩ mô phải phân nhánh để có những trường nghề cho nền công nông nghiệp trong nước và cả cho nước ngoài.

Chúng ta mở trường, cao đẳng và đại học càng nhiều càng oách cơ, các đấng sinh thành của cô cậu cũng thỏa mãn cái tính sính bằng cấp của người mình nữa.

Nhưng cũng không nên vì những mảng đời đen bạc chung quanh mình mà cả nghĩ rồi bi quan. Cháu sẽ ra trường, nông thôn đang trống, nuôi con gì, làm gì để xây dựng lại sự chênh vênh của nó, được không?

Không gì ngược đời mà yên ổn, rồi nông thôn sẽ lại đầy người, ngành và nghề đi theo đất và người, lâu dài sẽ không hoang vắng mãi đâu. Đúng, thời nào đàn ông con trai cũng nặng gánh. Nhưng không ai chết chìm nếu mình giỏi bơi.

Sẽ có cách hết thôi mà, đừng để các bạn nam lây bi quan cho cháu. Đã lường trước thì cứ bình tâm, ai về nhà nấy, làm xe ôm chờ việc cũng đâu có sao, làm thợ hồ mà có chữ vẫn khác chứ.

Cô không biết cháu học gì nhưng không có ngõ cụt cho người sáng trí, biết suy nghĩ và biết âu lo đâu. Một lá thư không cho mình. Cô khen cháu và chúc cháu vững bước.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm