| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 24/03/2018 , 06:50 (GMT+7)

06:50 - 24/03/2018

Đừng để mặc người dân 'tự cứu mình'...

Trong tất cả các vụ tai nạn thì điều mà người ta chờ đợi nhất chính là lực lượng cứu hộ, cứu nạn, cứu hỏa. Đã không ít lần, sự xuất hiện của cứu hỏa khi đám cháy đã… không còn gì để cháy.

Trong vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên tuyến Cầu Giẽ - Pháp Vân, công bằng thì việc đưa người đi cấp cứu được tiến hành khá khẩn trương (xin chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân). Song, công tác khắc phục hậu quả mà cụ thể là giải tỏa ách tắc thì quá ư chậm trễ…

Hiện trường vụ tai nạn xe khách đấu đầu xe cứu hỏa

Trẻ con kêu khóc. Người già than vãn. Phụ nữ và những người đàn ông bực bội. Đám tài xế ngơ ngác chạy lên, chạy xuống với vẻ mặt thất vọng. Từng đám người đổ ra hai bên vệ đường cao tốc đành chấp nhận “đứt giây thần kinh xấu hổ” bởi chẳng ai còn đủ sức chịu đựng những “nỗi buồn cá nhân”.

Những chiếc xe ô tô nối đuôi nhau nhích lên từng cm. Đói và khát. Họ chia nhau từng mẩu bánh còn sót lại, san sẻ cho nhau từng ngụm nước cuối cùng.

Đó là những gì đã diễn ra trên con đường huyết mạch Pháp Vân - Cầu Giẽ vào chiều tối ngày 18/3 vừa qua, khi đoạn đường này ùn tắc dài hơn 20 km kéo dài hơn 10 giờ đồng hồ.

Nguyên nhân chính được xác định là một chiếc xe cứu hỏa làm nhiệm vụ đi ngược đường đâm vào một chiếc xe khách. Lực lượng cứu hộ đã “có mặt kịp thời tham gia cứu chữa người bị nạn, phân luồng giao thông, bảo vệ tài sản và hiện trường, thu dọn hiện trường và giải quyết hậu quả” như lời của một vị đại diện đơn vị quản lý tuyến đường cao tốc.

Thế nhưng sự “có mặt kịp thời” kết quả là như thế nào thì mọi người đều biết.

Có thể rồi đây trong báo cáo giải trình của họ, sẽ có hàng loạt các lý do hợp lý mà nguyên nhân chủ yếu là… khách quan. Thậm chí, hoàn toàn có thể phần thành tích được “tô vẽ” đến mức khi nhìn vào bản báo cáo đó, họ xứng đáng được khen thưởng vì những… nỗ lực phi thường.

Song, người dân không được đọc những bản báo cáo đó và cũng không cần đọc. Họ chỉ đặt một câu hỏi, các phương tiện gây tai nạn chỉ là 2 chiếc xe, một xe cứu hỏa nếu xả nước, trọng lượng không lớn và một chiếc xe khách khi không có khách thì trọng lượng càng không lớn. Địa điểm xảy ra tai nạn không phải núi cao, đèo sâu cũng không phải trong những khu dân cư chen chúc.

Thế thì tại sao công việc lại kéo dài hàng chục giờ đồng hồ như vậy? Giả sử như không may có những vụ lớn hơn, ở những nơi khó khăn hơn thì việc cứu nạn, cứu hộ sẽ như thế nào?

Những câu hỏi này sẽ sớm được giải đáp bởi Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu báo cáo.

Song, điều mà người dân mong đợi là đừng để mặc họ “tự cứu mình” mỗi khi hoạn nạn.