| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 08/09/2016 , 06:45 (GMT+7)

06:45 - 08/09/2016

Đừng để người nông dân cô độc!

Với những người dân miền Tây Nam bộ, hậu quả của việc lũ không về không chỉ thất thu nguồn lợi thủy sản, thu nhập của nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo bị giảm sút, sản lượng lúa, cây ăn trái...

Miền Tây Nam bộ đang ngóng lũ. Năm ngoái 2015, đã là mùa lũ hụt.

Bình thường, cứ tầm rằm tháng Bảy âm lịch là vào mùa lũ, nhưng năm nay 2016, sắp đến rằm tháng Tám, mà lũ vẫn chưa về. Những người nông dân vẫn đang phải đối mặt hiện tượng lũ không về chỉ với hai bàn tay trắng.

Lũ là một qui luật của thiên nhiên đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long. Với những người dân miền Tây Nam bộ, hậu quả của việc lũ không về không chỉ thất thu nguồn lợi thủy sản, thu nhập của nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo bị giảm sút, sản lượng lúa, cây ăn trái bị ảnh hưởng mà nghiêm trọng hơn là làm cho tình trạng xâm mặn diễn ra sớm và vào sâu nội địa trong mùa khô vừa qua. Nhưng tới nay, những người nông dân vẫn đang phải “đơn thương độc mã” trên mặt trận “không lũ” này.

Ở nhiều nơi trên thế giới, như vùng Trung Mỹ, hiện tượng El Nino đã tác động tồi tệ tới những người nông dân.

Và họ đã liên kết lại.

Maria Francisca Ortiz – một nông dân ở tỉnh Choluteca, miền nam Honduras  – đã có một thứ gọi là Quỹ tiết kiệm song hành. Mặc dù có thể gặp rủi ro với những cánh đồng đậu và ngô trong những ngày tới nhưng Ortiz biết rằng nếu thất bại vẫn có một mạng lưới an toàn để giúp cô đối mặt với nạn hạn hán.
Điều đó làm cô lạc quan hơn.

Là thành viên của một hiệp hội gồm 46 nông dân, Ortiz có thể vay tiền với lãi suất thấp từ quỹ tiết kiệm, nơi mà cô và các thành viên của mình đóng góp vào mỗi tháng. Quỹ được thành lập bởi Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO). Trong đó, 40% của quỹ trong mỗi chương trình tiết kiệm được cung cấp bởi những người nông dân, 40% khác do FAO trợ giúp và 20% được tạo ra từ việc bán hàng dệt may và các dự án cộng đồng khác.

"Những đợt hạn hán dài làm hỏng tất cả các vụ thu hoạch của tôi. Tôi đã mất tất cả mọi thứ, nhưng Quỹ của chúng tôi đang làm việc tốt và nó đã giúp tôi vượt qua", Ortiz nói. Năm ngoái, Ortiz đã mượn 150 USD từ quỹ với lãi suất chỉ 1% và bây giờ cô vẫn đang tiếp tục gieo trồng trên mảnh đất của mình.

Do tính chất bất khả kháng của xu thế nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng, ít nhất là trong thế kỷ 21, nên vấn đề quan trọng hàng đầu trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu đối với Việt Nam là phải thích ứng với biến đổi khí hậu, nói cách khác là vấn đề thích ứng phải được đặt là trọng tâm.

Đó không chỉ là công việc của riêng người nông dân với những con cá linh mỗi mùa nước lũ và chống chọi lại với những khắc nghiệt của thiên nhiên bằng việc sát cánh, liên kết lại với nhau như các nông dân bên đất nước Honduras.

Bài toán đặt ra ở Việt Nam ở tầm chính phủ, ở các địa phương, là cần có giải pháp mang tính chiến lược để có một sự chuyển đổi về phát triển kinh tế xã hội, thiết kế một loại bảo hiểm nông nghiệp về “biến đổi khí hậu” cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đừng để người nông dân phải lầm lũi, cô độc trong cuộc đấu tranh này!

 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm