| Hotline: 0983.970.780

Dùng gạch men làm nền chuồng nuôi heo

Thứ Sáu 25/03/2016 , 13:11 (GMT+7)

Gạch men có nhược điểm trơn trượt nhưng anh Kiều Văn Phẩm, xã Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) dùng lát nền nuôi heo. Đây là cách làm mới lạ, nuôi heo ít bệnh tật, vệ sinh chuồng trại dễ dàng.

Tốt nghiệp Trường ĐH Nông lâm Huế, ngành Chăn nuôi, anh Kiều Văn Phẩm vào làm ở một cơ quan nhà nước nhưng sau một thời gian thì nghỉ việc. Anh quay về quê hương xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo. Năm 2011, anh vay mượn tiền của đầu tư xây dựng chuồng nuôi 60 con heo thịt và 10 con heo nái. Do đất chật hẹp trong khu dân cư, với số lượng nuôi trên đã gây ô nhiễm môi trường.

Khi biết một số tỉnh miền Bắc phát triển chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học giải quyết được ô nhiễm, anh học hỏi kỹ thuật và bắt tay thực hiện. Do ở Quảng Nam thời tiết nắng nóng xảy ra liên tục nên cách làm này không hiệu quả.

“Tôi đã bỏ tiền ra đầu tư chuồng trại chưa thu về được nhiều, trong khi chất thải gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh. Nếu tôi không có cách làm mới thì bị phá sản, lâm vào cảnh nợ nần. Còn muốn có diện tích lớn, cách xa khu dân cư để chăn nuôi thì không thể. Do vậy, việc chăn nuôi heo gặp vô vàn khó khăn”, anh Phẩm bày tỏ.

Không thể buông xuôi nghiệp chăn nuôi, anh tự mày mò tìm hiểu, nghiên cứu phương pháp mới. Cuối cùng anh quyết định lát gạch men ở tất cả các chuồng. Đây là cách làm mới, bởi từ trước đến nay, nền chuồng nuôi heo thường làm xi măng, bê tông để có độ ma sát, tránh heo trơn trượt.

“Hôm tôi mua gạch về lát mọi người trong thôn quá bất ngờ, bởi nền gạch láng bóng, heo rất khó khăn di chuyển. Đặc biệt hơn sức đề kháng của con heo sẽ rất yếu và móng heo cũng không thể ma sát với nền gạch men nên rất dễ bị trượt và gãy chân. Họ ngạc nhiên đều có lý, nhưng tôi vẫn quyết định thử nghiệm”, anh Phẩm cho hay.

15-01-19_nh-2
Việc lát gạch men rất dễ vệ sinh chuồng trại

Ông Nguyễn Văn Quang, Phó ban Nông nghiệp xã Duy Nghĩa cho biết: Hình thức lót gạch men chuồng trại để nuôi heo bắt đầu nổi lên từ cuối năm 2013, người sáng tạo là anh Kiều Văn Phẩm. Hiện trên địa bàn xã có 11 hộ dân nuôi heo theo hình thức lót nền gạch men. Kiểu chăn nuôi này đã mang lại hiệu quả cao, hơn nữa còn đảm bảo vệ sinh môi trường...

Năm 2012, anh lát gạch men một chuồng, nuôi hơn 10 con heo, ai ngờ heo lớn nhanh, bệnh tật ít. Đặc biệt khâu vệ sinh được dọn sạch sẽ, ít ô nhiễm môi trường. Từ đó, anh đầu tư 20 triệu đồng mua gạch men lát hết tất cả khu chăn nuôi với số lượng 60 con heo thịt và 10 con heo nái, đồng thời anh xây 3 hầm biogas.

“Lát gạch men lau chùi rất dễ dàng, mỗi ngày dùng nước lau chùi 2 - 3 lần sẽ không còn mùi hôi thối. Cứ mỗi lần đứng phía ngoài dùng vòi nước bắn xuống nền chuồng thì đẩy hết chất thải xuống hầm biogas. Kể từ ngày lót gạch men đàn heo không còn bị bệnh như trước nữa, chúng tăng trưởng rất nhanh và lúc nào cũng thèm ăn”, anh Phẩm chia sẻ.

Cách chăn nuôi “không giống ai” đã đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình Phẩm. Hiện anh nuôi trên 300 heo thịt và 30 con heo nái. Với phương thức cuốn chiếu, cứ heo nái đẻ ra, anh lại nuôi heo thịt, nên khép kín khâu đầu vào, do đó giảm được tiền đầu tư. Chu kỳ 3 tháng xuất bán, mỗi năm xuất 4 lứa, anh thu được gần 200 triệu đồng/năm.

Thấy được hiệu quả lát gạch men cho heo của anh Phẩm, nhiều người dân ở xã Duy Nghĩa đến học hỏi, đơn cử là chị Võ Thị Năm. Nhà chị Năm trước nuôi heo phương thức truyền thống, heo luôn bị bệnh đã đành, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Chị Năm đầu tư mua gạch về lát, đồng thời xây hầm biogas nuôi 100 con heo. Từ ngày học hỏi cách nuôi lợn của anh Phẩm, thu nhập của chị cũng được cải thiện.

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Việt Nam là 'điểm nóng' về dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người

Việt Nam là một trong những 'điểm nóng' về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như A/H5N1, SARS, dại, than, dịch hạch, ký sinh trùng…

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất