| Hotline: 0983.970.780

Dùng gỗ, cọc tre xây dựng cống tiêu thoát lũ?

Thứ Năm 25/07/2013 , 10:03 (GMT+7)

Sau khi nhận được phản ánh của người dân thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận (Tuy Phước - Bình Định), chúng tôi về hiện trường để tìm hiểu thực hư.

Sau khi nhận được phản ánh của người dân thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận (Tuy Phước - Bình Định) về việc đơn vị thi công đã dùng gỗ và cọc tre để xây dựng cống tiêu thoát lũ, chúng tôi về hiện trường để tìm hiểu thực hư.

Tại xóm 2, thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận, từ lâu đã tồn tại 2 cái cống được đắp bằng đất do chủ nhân của 4 hồ nuôi trồng thủy sản phía trên cống xây dựng có tên gọi là Cống Bờ. Trong mùa nắng, 2 cống này có nhiệm vụ tháo, xả nước cho các hồ nuôi thủy sản và cũng là con đường dân sinh của người dân địa phương đi xuyên qua thôn Diêm Vân. Vào mùa mưa, cống có nhiệm vụ tiêu thoát lũ cục bộ. Hai cống nói trên được đắp song song, thấp, vào mùa mưa lũ nước thường xuyên ngập mặt cống.

Trong khi đó, mỗi bề mặt cống chỉ rộng khoảng 40-50cm, lại ngoằn ngoèo, đất ướt trở nên trơn trượt dễ gây tai nạn cho người dân qua lại trên cống này. Do vậy, vào năm 2012, từ nguồn hỗ trợ của TƯ cho các xã bãi ngang, Cống Bờ được UBND xã Phước Thuận đầu tư hơn 372 triệu đồng để xây dựng cống hộp kiên cố, trong đó kinh phí xây lắp là 315 triệu đồng. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết bất thuận nên đầu tháng 3/2013 công trình này mới được chính thức khởi công.


Thanh gỗ dùng làm cống gây thắc mắc cho người dân

Đến nay, công trình đã được xây dựng hoàn tất 2 đường dẫn 2 bên ta-luy phía thượng lưu. Nhưng khi triển khai xây dựng phần mái taluy và chân khay phía hạ lưu thì công trình bị đình chỉ thi công vì bên nhà thầu (Cty TNHH XD Hòa Thuận Phát) đã thực hiện không đúng theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt.

Trước công trình Cống Bờ đang bị bỏ dở dang, những người dân địa phương nêu nhiều thắc mắc: “Lẽ ra, quá trình xây dựng taluy ở 2 bên đầu cống, đơn vị thi công phải làm đê bao xung quanh, sau đó bơm hết nước ra ngoài rồi mới xây dựng. Đằng này, đơn vị thi công để nước lênh láng trong quá trình xây dựng; khi vữa hồ gặp nước thì nhanh chóng rã ra, không có tác dụng kết nối đá chẻ với nhau. Như vậy làm sao bờ taluy có thể trụ vững trước sóng nước thủy triều dâng?

Bên cạnh đó, đơn vị thi công còn sử dụng dầm gỗ để nâng đỡ mặt cống, dù có sử dụng loại gỗ tốt và bền chắc đến mấy thì qua thời gian gỗ cũng sẽ bị mục nát. Đến lúc đó, liệu số dầm gỗ kia còn có thể chịu lực và chống đỡ được mặt cống hay không? Đặc biệt, khu vực này thường xuyên bị ngập lụt vào mùa mưa, nếu dầm đỡ bị sự cố thì người dân qua lại cống trong mùa mưa ai dám chắc sẽ không gặp nguy hiểm”.

Người dân thôn Diêm Vân cho biết thêm, khi có ý kiến phản đối của dân, đơn vị thi công khắc phục bằng cách cho đóng hàng cọc tre cách taluy khoảng 0,5 m - 1 m; sau đó bỏ đá rối vào với mục đích gia cố độ bền chặt của chân taluy (!). Tuy nhiên, theo người dân, kiểu làm này không thể đảm bảo bởi chỉ một thời gian ngắn thì cọc tre sẽ mục, cộng với áp lực dòng chảy của nước, bờ taluy sẽ nhanh chóng bị xói mòn.


Những cọc tre chôn ngâm trong nước phía ta luy thượng lưu Cống Bờ

Mang những thắc mắc trên của người dân về làm việc với UBND xã Phước Thuận, chúng tôi được ông Phó chủ tịch UBND xã Lê Duy Trinh giải thích: “Theo hồ sơ thiết kế, 2 cây trính thượng và trính hạ của cống được phép dùng gỗ nhóm 3 nhằm giảm chi phí vì nguồn vốn có hạn. Những thanh gỗ khác nằm dưới mặt cống chỉ có nhiệm vụ chặn không cho những trụ bê tông cốt thép (mỗi bên 6 trụ) xôm vào, chứ không ảnh hưởng gì đến mặt cống. Nâng đỡ mặt cống chính là những cây dằm bằng xi măng cốt thép nằm kề các thanh gỗ”.

Ông Phó chủ tịch UBND xã Phước Thuận Lê Duy Trinh còn cho biết thêm: Khi xây dựng đê quai hạ lưu cống, bên thi công đã không đắp bờ quai được theo như thiết kế vì khi đắp cần phải có thời gian nhất định để thi công, như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến các hồ nuôi trồng thủy sản vì không tháo xả nước được. Thêm vào đó, phía hạ lưu cống do giáp con lạch nên vũng cống rất sâu, lúc thi công lại rơi vào thời điểm thủy triều xuất hiện thường xuyên nên không thể bơm khô nước để thi công.

Do vậy, nhà thầu đã “khắc phục” bằng cách làm bờ bao sát chân khay, trộn hồ khô và đá chẻ đổ xuống rồi từ mực nước chết xây lên. “Nhận thấy cách làm này không đảm bảo nên ngày 23/6, UBND xã thành lập đoàn công tác gồm nhiều ban ngành liên quan tham gia kiểm tra hiện trường. Cũng trong ngày hôm ấy, UBND xã đã ra văn bản tạm đình chỉ thi công công trình, chờ chỉ thị của cấp trên”, ông Trinh nói.

Thế là công trình bỏ dở dang, người dân địa phương rất bức xúc vì mùa mưa bão đã đến gần.

“Căn cứ thực tế, chúng tôi đề xuất điều chỉnh hồ sơ thiết kế, không đắp đê quai vì điều kiện không cho phép. Đồng thời điều chỉnh giải pháp gia cố mái ta luy và chân khay phía hạ lưu từ xây đá chẻ thay vào đó là gia cố bằng đá hộc lát khan và chân khay bằng đá hộc bỏ rối dạng khối lăng trụ, bên ngoài đóng cọc tre chống trôi và bổ sung 2 mố giả tại 2 đầu cống để tăng cường khả năng chống đỡ các dầm đỡ đan mặt cống”, ông Lê Duy Trinh, Phó chủ tịch UBND xã Phước Thuận.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất