| Hotline: 0983.970.780

Đừng hễ thấy có lưu huỳnh mà lo!

Thứ Ba 25/09/2012 , 09:54 (GMT+7)

Liên quan đến chuyện lực lượng chức năng Thanh Hóa, Quảng Ninh phát hiện và thu giữ măng sấy khô, bảo quản bằng lưu huỳnh không rõ nguồn gốc, NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV.

Ông Nguyễn Xuân Hồng
Liên quan đến chuyện lực lượng chức năng Thanh Hóa, Quảng Ninh phát hiện và thu giữ măng sấy khô, bảo quản bằng lưu huỳnh không rõ nguồn gốc, NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV.

Ông có thể cho biết thực trạng sử dụng chất lưu huỳnh trong bảo quản thực phẩm trên thế giới hiện nay thế nào?

Lưu huỳnh là nguyên tố tự nhiên rất quen thuộc, trong cơ thể con người có 3 nguyên tố nhiều nhất gồm can xi, phốt pho và lưu huỳnh. Trong thức ăn hàng ngày của chúng ta cũng có nhiều lưu huỳnh nhất là trong thịt, cá, trứng. Lưu huỳnh được coi là nguyên tố khá an toàn với con người, hiện thế giới sử dụng phổ biến hợp chất của lưu huỳnh là Sulphites như một loại phụ gia thực phẩm để giữ màu sắc, chống mốc.

Theo Ủy ban quốc tế Codex (Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm - PV) dư lượng của Sulphites cho phép trên thực phẩm rất cao (từ vài trăm đến vài ngàn ppm) có nghĩa là cao hơn gấp hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lần các thuốc trừ sâu.

Ở Mỹ quy định khi dùng phụ gia mà có hàm lượng Sulphites có hàm lượng trên 10 ppm mới phải ghi trên nhãn sản phẩm còn dưới ngưỡng này thì không cần. Theo tôi lưu huỳnh chỉ độc hại khi đốt, sấy bay ra môi trường tạo khí độc gây bệnh cho đường hô hấp hoặc rất hãn hữu gây dị ứng. Trong y học lưu huỳnh dùng phổ biến để chữa bệnh ngoài da và nhiều người đang rất chuộng tắm ở các suối nước nóng có chứa lưu huỳnh.

Vậy còn tình hình sử dụng lưu huỳnh trong bảo quản chế biến thực phẩm ở VN ra sao?

Ở nước ta lưu huỳnh được dùng phổ biến trong sấy các dược liệu nhất là loại có hàm lượng tinh bột cao, sấy hoa quả khô, măng khô. Việc dùng lưu huỳnh ở đây là cách làm truyền thống, theo tôi nó khá an toàn cho người tiêu dùng nhưng ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe của người chế biến và người sống ở khu vực xung quanh nếu không có các biện pháp đảm bảo an toàn bởi khi đốt lưu huỳnh để sấy sẽ hình thành khí SO2 và một phần lưu huỳnh thăng hoa, người hít phải khí SO2 sẽ thấy khó chịu và bất lợi về sức khỏe do có thể gây bệnh dường hô hấp.

Hiện VN có Natri sulphite được cho phép sử dụng làm phụ gia thực phẩm tuy nhiên cũng cần quan tâm đến lượng tồn dư bao nhiêu để đảm bảo quy định ATTP bởi trước đây chúng ta xuất khẩu long nhãn, có những lô bị trả lại vì tồn dư lưu huỳnh cao hơn ngưỡng cho phép của nước nhập khẩu.

Có hay không loại lưu huỳnh chuyên dùng cho thực phẩm và ranh giới của chúng với lưu huỳnh công nghiệp?

Vẫn là lưu huỳnh thôi nhưng lưu huỳnh dùng cho thực phẩm thường tinh khiết và đắt tiền hơn loại dùng phổ biến cho công nghiệp. Lưu huỳnh dùng cho làm phụ gia, bảo quản thực phẩm chủ yếu dưới dạng hợp chất chứ không phải là nguyên chất.

Lưu huỳnh nguyên chất thường được sử dụng để sấy và chống mốc, hoặc phòng trừ một số bệnh hại cây trồng. Sử dụng lưu huỳnh nguyên chất ít có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe vì đây là nguyên tố an toàn, là một thành phần của sự sống.

Ông đánh giá ra sao về các vụ thu giữ măng khô sử dụng lưu huỳnh để bảo quản của các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa mới đây?

Chúng tôi cho rằng, việc thu giữ ở đây có thể do nhiều lý do như sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng chưa đúng quy định gây nguy cơ ô nhiễm môi trường và an toàn thực phẩm…

Để đi đến kết luận cuối cùng về độ “bẩn” hay “sạch” cần phân tích xem dư lượng lưu huỳnh là bao nhiêu. Dư luận hiện đang quan tâm việc sử dụng hoá chất trên măng, trong đó có lưu huỳnh. Cục BVTV đã có kế hoạch sẽ kiểm tra đột xuất, lấy mẫu phân tích tồn dư các hoá chất có nguy cơ về mặt ATTP và sẽ thông báo kết quả trong thời gian tới.

Nếu VN chưa có quy định về tồn dư lưu huỳnh thì chúng ta lấy quy định của Codex ra làm chuẩn.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất