| Hotline: 0983.970.780

Dùng hóa chất biến bì lợn thối thành đặc sản

Thứ Tư 01/10/2014 , 10:15 (GMT+7)

Cách đây gần 1 năm, nhóm PV NNVN thâm nhập vào làng bì bóng Bình Lương, xã Tân Quang (Văn Lâm – Hưng Yên) và tận mắt chứng kiến được cảnh SX bì bóng bẩn thỉu, độc hại đến hãi hùng. Bây giờ trở lại, “đập” vào mắt chúng tôi vẫn là cảnh tượng như cũ. / Rợn tóc gáy “công nghệ” chế mỡ bẩn

Thậm chí, công nghệ sản xuất những mặt hàng từ da, thịt lợn ghê rợn hơn nhiều.

Sản xuất nem cạnh nhà vệ sinh

Ngay ở trung tâm xã Tân Quang, cảnh người mua kẻ bán các sản phẩm từ da lợn rất sôi động, công khai. Những chiếc xe tải loại 25 tấn đậu thành hàng dài ngay cạnh UBND xã Tân Quang chờ “ăn” hàng. Ngoài bì bóng đã thành thương hiệu, xã Tân Quang giờ đây còn có thêm hai mặt hàng mới đó là nem chua và dầu ăn “bẩn”.

Để tránh bị nghi ngờ, chúng tôi phóng thẳng xe đến cuối làng rồi vòng ngược lại, ghé vào các cơ sở bì bóng vốn đã nổi tiểng với công nghệ sản xuất siêu bẩn ở đây. Cạnh con kênh đen ngòm, váng mỡ đóng tảng là ngôi nhà 3 tầng khang trang của vợ chồng Oanh Hình, một cơ sở SX bì bóng có “máu mặt” ở Bình Lương.

Ngoài cổng, da lợn được tẩy trắng, phơi la liệt trên những phên tre, tanh tưởi, ruồi nhặng vè vè, bu kín từng miếng da lợn.

Trong vai chủ một chuỗi cửa hàng tạp hóa ở Nam Định lên tìm nguồn hàng bán Tết, chúng tôi bắt đầu tiếp cận. Thấy người lạ đi vào, vợ chồng H tỏ vẻ nghi ngờ, hỏi cặn kẽ: “Vào có việc gì – Ai giới thiệu – Mà ở đâu đến…?”.

Họ chẳng thèm ngước mặt bởi đang bận đánh vật với mớ thịt lợn bèo nhèo ngay trên nền đất, ngay bên cạnh nhà vệ sinh. Từng miếng thịt thâm bầm, bốc mùi khó chịu được ngâm vào một thùng phuy xanh. Chừng 15 phút sau, miếng thịt được vớt ra nhưng màu sắc đã không còn thâm, thậm chí là tươi như thịt vừa giết mổ.

18-43-13_cpture

Vứt bẹt xuống đất, nước chảy ra nền đất trắng xóa, sủi bọt như a xít. Vợ H cầm con dao sắc lẹm, kéo căng miếng thịt, lia một đường dứt khoát. Phần thịt và mỡ được tách ra khỏi da.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua số lượng lớn bì bóng về bán Tết, vợ chồng H lắc đầu: “Không có đâu, các cậu sang hỏi mấy nhà trong xóm ấy, họ làm nhiều. Trước đây nhà tôi cũng làm bì nhưng giờ chuyển sang làm nem. Lọc được ít bì thì bán lại cho mấy hộ để họ nổ bóng thôi”.

Sau khi lọc da, phần thịt bèo nhèo và mỡ tiếp tục được vợ H tách riêng. Phần thịt, vợ tách tới đâu, H cầm bỏ luôn vào chiếc nồi cáu bẩn, đen sì. Nước trong nồi sôi sùng sục, bốc lên một thứ mùi tanh lợm. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, vợ H liến thoắng: “Nhìn thế thôi, lọc xong đem luộc chín vớt ra là ngon ngay. Nhiều khi mấy ngày mới gom được ít bì, thịt có mùi là bình thường”.

“Thịt này luộc xong rồi làm gì?” – chúng tôi hỏi. “Thì làm nem chứ làm gì nữa, loại nem thính đó. Loại này mà làm nem thì tuyệt. Nhà tôi chuyên làm rồi cung cấp cho các quán nhậu to bé đủ cả. Từ Hưng Yên, Hà Nội, chỗ nào cần là nhà tôi làm”.

Phần mỡ còn lại, H dùng tay vơ từ nền vào một cái vỏ bao xác rắn rồi đổ tọp vào một chiếc chảo lớn để rán. Chúng tôi hỏi, mỡ đó để làm gì, vợ chồng H chỉ cười không nói. Vợ H chỉ tiết lộ, rán xong, phần tóp mỡ đem đóng thành từng bao, bán lại cho những người nuôi cá.

Ngay cạnh nhà vệ sinh, chúng tôi thấy một thùng phuy to chứa loại dầu bên trên. Cạnh đó ngổn ngang loại can xanh 20 lít, trên can có dán tem cảnh báo độc hại, cấm tiếp xúc trực tiếp bằng tay. Đó chính là những hóa chất những cơ sở SX bì, nem bẩn ở Bình Lương tẩy trắng thịt lợn thối. Quanh khu vực nhà H, chúng tôi thấy còn 2 – 3 cơ sở treo biển bán đặc sản nem thính.

Chúng tôi ghé tiếp vào một nhà làm bì bóng ở khu vực trung tâm làng Bình Lương. Sau cánh cổng sắt khép hờ, hai người phụ nữ đang ngồi cửa nhà vệ sinh “vật lộn” với đống thịt lợn bèo nhèo, bốc mùi.

Nhanh thoăn thoắt, hai người phụ nữ này phân loại đống thịt lợn thối nhưng chỉ thành hai phần là da và mỡ. Phần da, lọc xong, một người gom lại bỏ vài nồi nước đang sôi. Một lúc sau, miếng da được vớt ra.

Dùng hai chiếc đũa, người này xuyên hai đầu, dùng tay kéo căng miếng da rồi đem ra phơi nắng. Một người cho biết, bí quyết để bì trắng đẹp là phải ngâm, tẩy “nhiệt tình”. Luộc xong phải kéo căng, nếu không miếng da sẽ bị quăn rút rụi như lò xo.

“Các chị nhập ở đâu về được nhiều hàng thế, giá cả thế nào, làm ăn lời lãi chứ?”, chúng tôi hỏi. “Nói thật với các cậu, thịt thì nhập về ở khắp nơi. Có những người đi thu gom ở các tỉnh, chúng tôi mua lại để làm. Đợt nào hàng hiếm, chúng tôi phải tự đi các nơi để thu gom. Giá cả thì khi 4 – 5 nghìn một cân, khi khan hàng, chục nghìn cũng phải mua” – một người thủng thẳng đáp.

Ngỏ ý muốn mua số lượng lớn về bán buôn, hộ này liền giới thiệu qua một cơ sở “khủng” nhất thôn Bình Lương – cơ sở SX bì bóng nhà ông C. Nhà ông C chính là cơ sở SX bì bóng mà dịp giáp Tết 2013 chúng tôi thâm nhập và phản ánh về công nghệ sản xuất vô cùng bẩn thỉu.

Chỉ mới đi qua cổng, hàng chục ánh mắt hằn học như thể muốn lao vào bất cứ lúc nào. 4 – 5 thanh niên lực lưỡng, cởi trần đứng kín cổng ra vào, nhìn chúng tôi từ đầu đến chân.

Chính quyền xã Tân Quang bao che?

Hầu hết số bì lợn được thu gom về xã Tân Quang đều không rõ nguồn gốc ở đâu.

Trong suốt quá trình điều tra về thực trạng chế biến bì lợn siêu bẩn ở Tân Quang, chúng tôi nghe dư luận về sự bao che của chính quyền địa phương. Để có thông tin hai chiều, PV NNVN đã liên hệ làm việc với UBND xã, nhưng ông Chủ tịch UBND xã Tân Quang Nguyễn Huy Lập thẳng thừng từ chối: "Tôi bận họp từ thứ hai đến hết tuần".

Khi PV ngỏ ý muốn phỏng vấn một vị lãnh đạo khác trong xã, ông Chủ tịch Lập cũng từ chối nốt: "Chuyện sản xuất bì lợn ở đây có nhiều vấn đề, nhưng chỉ có tôi nắm và có thể nói mà thôi, lúc nào có thể, chúng tôi sẽ liên lạc với các anh".

Với cách trả lời của vị Chủ tịch UBND xã Tân Quang như trên thì những dư luận về sự bao che của chính quyền cho các lò sản xuất vi phạm Luật ATVSTP trên địa bàn có lẽ hoàn toàn có cơ sở.

Biết là nếu vào lần nữa, chắc chắn sẽ bị lộ nên chúng tôi đi thẳng ra đầu làng.

Sử dụng loại hóa chất bí ẩn

Làng Bình Lương đang ở thời điểm khan bì lợn tươi. Vào vai đầu nậu thu gom thịt lợn thối, chúng tôi tiếp tục lân la các cơ sở sản xuất chào hàng. Phải mất vài phút dò xét, cơ sở Oanh Hình mới mở cửa cho người lạ đi vào. Người chồng tên Hình vỗ vai tôi bảo, Nam Định hả, dưới đó cũng có vài người thu gom số lượng lớn lắm.

Như để minh chứng cho sự “hoành tráng” của mình, Hình dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng khu vực làm bì bóng. Lò nổ bóng của Hình nằm tít cuối vườn, tối đen như mực, than xỉ chất đống một bên. Bên ngoài, rổ rá dính đầy mỡ, vài chiếc thùng phuy xanh nằm ngổn ngang.

“Làm nghề này không ngon ăn đâu. Xây một cái lò tầm 30 – 40 chục triệu. Mỗi lần nhóm lò, bét nhất cũng mất 1 tạ than, khoảng 200 nghìn. Anh còn phải sắm hai cái nồi hơi to mất đứt 30 triệu. Hai tủ đá để ướp bì lợn…”, Hình quảng cáo như đài.

Nằm ngay cạnh lò nổ là một thùng phuy to đựng loại dầu “bẩn” màu vàng đen, sánh lại như mạch nha được ngụy trang khá cẩn thận. Mùi hôi thôi bốc lên khiến chúng tôi choáng váng. Hàng chục chiếc thùng nhựa đựng hóa chất nằm la liệt, trên đầu còn in cả tem cảnh báo nguy hiểm. Loại hóa chất này dân làm nghề chế biến bì lợn dùng để tẩy trắng và khử mùi thối.

Chúng tôi vừa xách lên xem Hình vội ngăn và kéo ra ngoài nói sang chuyện khác. Chủ động xin số điện thoại của chúng tôi, Hình vênh mặt: “Cái gì chứ thịt lúc nào bọn anh cũng cần, càng nhiều càng ít, các chú có bao nhiêu anh mua tất. Giá cả thì đảm bảo ngon nhất”.

Cơ sở nổ bì bóng lớn thứ 2 ở Bình Lương là của hộ ông T, nằm ngay đầu làng. Sau câu chuyện làm quà, ông T bắt đầu thao thao bất tuyệt chào hàng. “Bì bóng chỗ tôi có 3 loại. Loại 1 là 200 nghìn một cân, loại hai rẻ hơn 40 – 50 nghìn, loại thì 80 – 90 nghìn. Đố các chú mua được chỗ nào bì chuẩn, rẻ hơn chỗ tôi đấy. Các hộ ở đây bán ra có giá chung cả, chênh lệch không quá 5 nghìn đồng một cân”.

Vấn đề vận chuyển, ông T cũng rất thẳng thắn: “Giá cả thì mua nhiều hay ít vẫn vậy, loại 1 có giá 200 nghìn. Nhưng tôi khuyên các chú, về quê bán ít người ăn lắm, mua loại rẻ cho dễ bán. Hàng thì một là các chú thuê xe từ nhà lên đây lấy hàng về. Hai là chúng tôi thuê xe hộ, tiền công về tới nơi các chú thanh toán. Luật lá trên đường các chú tự chịu, chúng tôi chỉ lo xuất hàng thôi”.

Dẫn chúng tôi vào kho, ông T giới thiệu chất lượng từng loại bì. Loại 1 trắng, miếng to nhất giá 200 nghìn để bán đi các tỉnh lớn, chủ yếu là Hà Nội. Loại 2 chuyên bán cho các tỉnh lẻ. Loại 3 miếng bé, có màu hơi cháy vàng thì xuất đi Trung Quốc. “Loại gì ngon phải “ưu tiên” dân mình trước chứ. Loại xấu, kém chất lượng mới xuất đi Trung Quốc thôi”, ông T cười khoái chí.

Ông T thuê một nam thanh niên lực lưỡng chuyên đứng lò nổ bóng và khuân vác. Đôi bàn tay đen sì bụi than, người này cầm từng miếng bì vừa ra lò rồi gọt đẽo phần bị cháy. Tấm bạt đặt bì đã chuyển sang màu cháo lòng vì bụi bẩn. Đôi dép tổ ong toàn than, đất giẫm lên tấm bạt không thương tiếc.

Chúng tôi xin số điện thoại rồi đánh bài chuồn. Ông T gọi với lại: “Có gì phải điện trước nhé, cuối năm kiểu gì cũng cháy hàng đấy”.

Công nghệ chế biến nem, bì bóng bẩn ở xã Tân Quang:

18-43-13_cpture2

18-43-13_cpture3

18-43-13_cpture4

18-43-13_cpture8

18-43-13_cpture9

18-43-13_img_1746-2
Xe tải chờ “ăn hàng”

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất