| Hotline: 0983.970.780

Dùng hoa để diệt sâu rầy

Thứ Năm 18/03/2010 , 10:13 (GMT+7)

Với sự giúp đỡ và hướng dẫn của các nhà khoa học, nông dân xã Mỹ Thành Nam (Cai Lậy, Tiền Giang) mạnh dạn thực hiện một mô hình trừ sâu rầy chưa từng có trước đây: trồng hoa trên ruộng lúa.

Nông dân xã Mỹ Thành Nam (Cai Lậy, Tiền Giang), nổi tiếng cả nước với việc trồng lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Trong vụ đông xuân này, với sự giúp đỡ và hướng dẫn của các nhà khoa học, nông dân ở đây lại mạnh dạn thực hiện một mô hình trừ sâu rầy chưa từng có trước đây: trồng hoa trên ruộng lúa.

Theo TS Lê Hữu Hải, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy, mô hình trồng hoa trên ruộng lúa để trừ sâu rầy là sáng kiến của Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI). Theo đó, những loại hoa được gieo trồng trên đồng ruộng sẽ có tác dụng thu hút các loại côn trùng có ích (thiên địch) tới hút mật hoa đồng thời tiêu diệt các loại sâu rầy gây hại trên ruộng lúa. 

Tham quan mô hình trồng hoa trên ruộng lúa ở Mỹ Thành Nam

Do đang trong quá trình nghiên cứu, đánh giá hiệu quả thực tế, nên mô hình trên mới được thử nghiệm trong phạm vi hẹp ở 3 nước, gồm Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan. Ở Việt Nam, chỉ có 2 điểm thử nghiệm, đều trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Đó là mô hình ở xã Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy) và một mô hình ở xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè). Những mô hình này đều do IRRI phối hợp thực hiện cùng với Sở NN&PTNT Tiền Giang và Trung tâm BVTV phía Nam.

Ở xã Mỹ Thành Nam, mô hình tập trung trên 34 ha lúa ở ấp 5, và đều là diện tích của Hợp tác xã Mỹ Thành. Bắt đầu từ vụ đông xuân 2009-2010, 40 hộ nông dân ở ấp 5 đã bắt đầu trồng trên bờ ruộng lúa các loại cây có hoa có tác dụng thu hút thiên địch. Những giống cây này gồm xuyến chi, đậu bắp và cúc vàng, nguồn hạt giống do các nhà khoa học cung cấp. Tổng cộng đã có khoảng 20.000 cây hoa được ươm rồi đem trồng trên các bờ ruộng vào đúng thời điểm gieo sạ lúa, khoảng cách giữa các cây hoa từ 0,5-1 m. Theo đúng lời dặn của các nhà khoa học, nông dân ấp 5 không sử dụng bất kỳ một loại thuốc trừ râu rầy nào trong suốt vụ đông xuân.

Kết quả ngoài mong đợi. Trên các ruộng lúa, hầu như không thấy bóng sâu rầy mà chỉ thấy nhiều loại thiên địch có ích. Đồng ruộng không những chẳng còn thấy mùi thuốc trừ sâu mà lại trở nên đẹp hẳn ra vì được điểm tô thêm bởi những màu sắc hoa sặc sỡ. Trong khi đó, năng suất lúa vẫn ổn định ở mức cao. Ông Trương Văn Bảy, Chủ nhiệm HTX Mỹ Thành, hồ hởi cho biết: “Mỗi ha trồng giống lúa OM 6162, nông dân vẫn thu hoạch được khoảng 7,6-7,8 tấn. Do không phải tốn tiền mua thuốc trừ sâu và công phun xịt thuốc, nên nông dân cũng tiết kiệm được khoảng 2 triệu đ/ha. Ngoài ra còn có một lượng không nhỏ trái đậu bắp trồng trên bờ ruộng, được nông dân thu hái về nấu ăn mệt nghỉ”.

Mô hình trồng hoa trên ruộng lúa để trừ sâu rầy sẽ tiếp tục được tiến hành ở Mỹ Thành Nam và Hậu Mỹ Trinh trong vòng 2 năm tới, và trên 3 vụ lúa chính là đông xuân, hè thu và thu đông. Tuy nhiên, mô hình hoàn toàn có thể được mở rộng về diện tích cũng như mở rộng ra những nơi khác, nếu như có được sự quan tâm của ngành nông nghiệp và nông dân ở các địa phương. Theo ông Hồ Văn Chiến, nếu các địa phương muốn trừ sâu rầy bằng hoa, Trung tâm BVTV phía Nam sẵn sàng cung cấp đề cương để ứng dụng mô hình vào thực tế.

Theo TS Lê Hữu Hải, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy, những loại hoa trồng trên bờ ruộng thu hút rất tốt các loại thiên địch, nhờ đó, có tác dụng rất tốt trong việc tiêu diệt rầy nâu, sâu cuốn lá. Trong vụ đông xuân vừa rồi, các nhà khoa học đã theo dõi sát quá trình trồng hoa để trừ sâu rầy ở Mỹ Thành Nam và đã xuống lấy mẫu 4 lần, hiện đang đem đi phân tích. Và với kết quả đầy khả quan như trên, trong vụ hè thu tới, mô hình trồng hoa để trừ sây rầy sẽ lại tiếp tục được triển khai trên diện tích 34 ha ở ấp 5. Mô hình sẽ tiếp tục mở rộng bởi nhiều nông dân trong vùng đang rất muốn thử nghiệm.

Ông Hồ Văn Chiến, GĐ Trung tâm BVTV phía Nam cho biết, mô hình trồng hoa trên ruộng lúa cũng đã được thực hiện trong vụ đông xuân này ở xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè. Ở xã này, tuy không có hợp tác xã như ở Mỹ Thành Nam, nhưng nông dân lại trồng lúa liền khoảnh trong một khu vực có đê bao khép kín. Vì thế, các nhà chuyên môn đã thuyết phục được 36 hộ nông dân cùng tham gia chương trình trên, tổng diện tích 30 ha. Kết quả thu được ở xã này cũng không kém gì so với mô hình ở ấp 5, xã Mỹ Thành Nam: lúa không bị sâu rầy cắn phá, nông dân giảm được nhiều chi phí nên lợi nhuận trồng lúa tăng cao.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất