| Hotline: 0983.970.780

Đừng làm đau tiếng Việt

Thứ Tư 08/09/2010 , 10:03 (GMT+7)

Ngôn ngữ là văn hoá, ngôn ngữ cũng như mệnh nước. Tuy vậy, thời gian gần đây, thứ tiếng Việt “méo mó” đang dần xuất hiện.

“Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời…”, câu hát trong ca khúc "Tình ca" của nhạc sĩ Phạm Duy đã sống cùng bao thế hệ người Việt. Ngôn ngữ là văn hoá, ngôn ngữ cũng như mệnh nước. Tuy vậy, thời gian gần đây, thứ tiếng Việt “méo mó” đang dần xuất hiện. 

MÉO MÓ TIẾNG VIỆT, DỊ HỢM TIẾNG ANH 

Kênh truyền hình iTV “tiếp thị” tiếng Việt méo mó

Đây là đoạn nói chuyện của đôi bạn trẻ qua mạng Internet: 4nh o? da^y giu*a~ d0‘ng -do*j‘ la.c l0ng~... ng0n’g ch0*‘ aj -da~ ba0 la^n‘ fu. ba.c... (Anh ở đây giữa dòng đời lạc lõng… Ngóng chờ ai đã bao lần phụ bạc - PV).

Không dừng ở đó, thứ tiếng Việt “dị dạng” này lan ra đời thường, trong sách vở, thậm chí một giáo viên được giao chấm thi bài thi Cao đẳng khối C vừa qua kể rằng, có một bài thi vào Cao đẳng Nội vụ viết: “Pà Hjền wả là 1 người Hà Nụi chân chj’nh…” (Đề thi: Phân tích nhân vật bà Hiền trong tác phẩm Một người Hà Nội – PV). “Xin đừng làm đau tiếng Việt”, giảng viên tiếng Việt Nguyễn Mai Hoa, trường CĐ Sư phạm Nghệ An, thốt lên như vậy khi chứng kiến thực trạng này! 

SÁCH BÁO, TRUYỀN HÌNH SAO NỠ TIẾP TAY? 

Thứ ngôn ngữ méo mó này xuất phát từ một bộ phận giới trẻ sử dụng Internet để giao tiếp và dần lạm dụng nó trong cuộc sống đời thường. Để có thể hiểu được ngôn ngữ này, người đọc phải tập làm quen với kí hiệu, tưởng tượng ra kí hiệu này giống với chữ cái nào rồi từ đó mới suy ngẫm và phân tích được ý nghĩa. Không có bất cứ quy tắc nào của cách viết này. Không ngữ pháp, không chính tả, cũng không phải là quy tắc của tốc ký. “Chỉ cần bạn thích, bạn thấy ổn, thế là tự bạn có thể phối riêng kiểu chữ của mình” một bạn trẻ giải thích. Dần dần thì 1 truyền 10, 10 truyền 100, từ lúc nào cái ngôn ngữ kỳ lạ ấy đã xâm lấn vào đời sống. Thậm chí, việc học theo thứ ngôn ngữ ấy cũng trở thành một thứ mốt. 

Với việc lạm dụng tiếng Việt kiểu này mọi lúc mọi nơi, nhiều bạn trẻ Việt Nam đang biến tiếng Việt thành một mớ kí hiệu kì dị! Hậu quả là hàng năm, cứ đến kì thi tốt nghiệp và ĐH, chúng ta lại chứng kiến những bài văn dở khóc, dở cười, chữ không ra chữ, nghĩa không ra nghĩa. Sau một thời gian bị báo, đài lên án! Nay, thứ tiếng Việt “méo mó” đó đang dần quay trở lại và đáng tiếc thay, sách báo, truyền hình lại đang tiếp tay với thứ ngôn ngữ kì dị này. 

Hàng ngày, trên kênh truyền hình iTV, được phát qua đầu thu kĩ thuật số VTC luôn dành riêng một góc cho các bạn trẻ trò chuyện thông qua hình thức nhắn tin. Những tin nhắn với nội dung vô thưởng, vô phạt, lại được viết theo kiểu: 3m thix anh +)an Truog le’m (Em thích anh Đan Trường lắm – PV) hay như những câu chửi tục tĩu bằng tiếng Anh cũng được kênh truyền hình này phát lên cho khán giả cả nước xem. Bà Nguyễn Thị Vị, đường Phạm Ngọc Thạch, Quận Đống Đa, Hà Nội cho rằng: “Đến thời chửi bậy cũng được lên vô tuyến rồi sao?, không hiểu nhà đài nghĩ gì mà phát những thứ này cho khán giả cả nước xem”. Bên cạnh đó, một số trang thông tin dành cho giới trẻ được cấp giấy phép hẳn hoi cũng… sử dụng thứ ngôn ngữ này.  

“WELCOME” TỚI BỆNH VIỆN 

Trao đổi với PV NNVN, GS Nguyễn Minh Thuyết - một chuyên gia về ngôn ngữ, cho rằng: “Bây giờ, tôi đi tới Đà Nẵng, Sài Gòn và một số thành phố khác… Tôi cứ tưởng như đi lạc vào con phố nào của nước ngoài vì pa-nô quảng cáo chỉ toàn tiếng Anh. Rõ ràng, vị thế tiếng Việt bây giờ đang bị cạnh tranh một cách ghê gớm với các ngoại ngữ khác”. Qủa thực vậy, chuyện tiếng Anh lấn át tiếng Việt trên các pa-nô quảng cáo đang hiện diện tại ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM…, các cửa hàng áo quần muốn giảm giá thì gắn biển SALE to tướng; tên các cửa hàng đồ ăn nhanh, các hàng kem… chỉ sử dụng toàn tiếng Anh, mà không kèm tiếng Việt ở dưới. 

Tuy vậy, chuyện sử dụng tiếng Anh sao cho đúng ngữ pháp, đúng ngữ cảnh cũng là chuyện phải bàn. Những chữ đơn giản như Welcome, Arrivals (Chào mừng; Có hàng mới về - PV) bị viết nhầm thành Wellcome hay Well-come, Arival hoặc Arilval là phổ biến nhất. Thậm chí, cả các pa-nô chào mừng dành cho các Đại hội lớn cũng bị viết sai kiểu này. 

Cũng vì chuyện lạm dụng tiếng Anh vô tội vạ mà có những chuyện, chắc hẳn ai nghe xong cũng cười ra nước mắt. Tại một lò luyện thi Đại học ở khu vực Thanh Xuân, gần ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), có gẳn biển SEE YOU AGAIN (Hẹn gặp lại) ở ngay cổng vào lớp. Đi luyện thi, ai cũng muốn đỗ đạt vào các trường ĐH, CĐ vậy mà lò luyện thi này muốn Hẹn gặp lại…những người theo học ở đây, chẳng khác gì mong học sinh thi trượt. Hay như một phòng khám tư nằm trên đường Đê La Thành, Hà Nội… gắn biển WELCOME to uỵch ngay cửa ra vào. Bệnh tật là điều không ai mong muốn trong cuộc sống, vậy mà phòng khám này “chào mừng” một cách hân hoan như thể vào viện…là một niềm vui!

Những câu chuyện này cũng giống như câu chuyện “trưởng giả học làm sang”, dùng câu, chữ sai ngữ cảnh thành ra… “thảm hoạ” ngôn ngữ. (Còn nữa)

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất