| Hotline: 0983.970.780

Đụng lợn ngày Tết

Thứ Hai 05/03/2018 , 16:05 (GMT+7)

Hôm nay, 25 tháng Chạp, về quê tạ mộ tổ tiên, mẹ cha. Không khí Tết đã tràn ngập xóm thôn. Một năm thanh bình no ấm với bà con nông dân sắp trôi qua. Hết rồi cảnh làng xóm quanh năm lam lũ mà vẫn quanh năm đói rách.

Ký ức tuổi thơ những ngày Tết lại ùa về. Cao trào là 30, mùng 1 Tết. Từ bé, 30 tết nào bọn trẻ con chúng tôi cũng mong ngóng được xem mổ lợn. Những tiếng kêu eng éc làm rộn rạo cả xóm làng ngay từ sáng sớm. Kỷ niệm về Tết cổ truyền không bao giờ phai chính là đụng lợn ngày Tết. Đụng lợn Tết là tập quán kết đoàn, tiết kiệm phổ biến ở nông thôn vẫn đang tồn tại một cách đáng trân trọng.

27710074-2144014109165635-7006703688096320657-o14120021
Tác giả (ngồi giữa) tham gia đụng lợn với bà con xóm làng

Ăn đụng thịt lợn là một trong những việc người dân quê tôi quan tâm đầu tiên ngay từ trước Tết cả tháng trời. Những gia đình khá giả, đông con thường một mình thịt một con lợn, còn đa số các gia đình trong làng lựa chọn cách ăn đụng. Ngay từ những ngày đầu tháng Chạp, người làng đã bàn tán xôn xao xem lợn nhà nào ngon, lợn nhà nào có thể ăn đụng được.

Những con lợn được hàng xóm chọn để ăn đụng thường to vừa vừa, và không phải là lợn mỡ. Loại lợn mà mọi người thích ăn đụng nhất là “lợn cọc”, tức là những con chậm lớn. Nhiều con tốn cám tốn bã nuôi cả năm trời mà cũng chỉ được ba bốn chục cân. Những con loại này có nhiều nạc, ít mỡ, chắc thịt không phải loại lợn mà cánh lái buôn, thợ mổ ưa chuộng vì ít lời lãi nhưng lại thường được rất nhiều nhà đăng ký ăn đụng vào dịp Tết.

Những nhà có lợn cọc, nếu chưa có người dạm ăn đụng, chủ chuồng có thể đi mời, đi dạm xem nhà nào chưa ăn đụng thịt lợn với ai thì rủ hay gợi ý khéo léo rằng sẽ cho chịu tiền đến ra Giêng hay lâu hơn một chút. Đó cũng là một cách giúp đỡ lẫn nhau lúc năm cùng tháng tận, nhất là với những gia đình neo túng không đủ tiền trả ngay. Trong làng còn có nhiều người ăn đụng lợn nhưng phải đợi đến tận vụ gặt sang năm mới trả bằng thóc.

Người ta gặp nhau để rủ trong lúc làm đồng, trong bữa cơm gia đình, trong những đêm “trà dư tửu hậu” hay khi đến dự bữa cỗ cưới xin, ma chay ngày cuối năm. Chính vì đây là việc rất quan trọng nên các ông, các bà, những người chủ gia đình phải lo lắng, không thể quên. Người ta chỉ cần gặp nhau, hẹn và giao ước bằng miệng là mọi chuyện coi như đâu đã vào đó chứ không cần phải có tiền đặt trước.

Nhiều nhà có lợn đụng nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, có thể để cho bà con ăn đụng trả tiền trước để mua sắm cho gia đình những thứ thiết yếu khác phục vụ ngày Tết. Lợn mổ ăn đụng thường vào ngày 29 hoặc 30 Tết, ai cũng tính để đảm bảo được một công hai ba việc. Buổi sáng làm thịt lợn để buổi chiều có thịt gói giò, gói bánh chưng và làm cơm cúng tất niên.

Từ khi trời còn tinh mơ đã nghe thấy tiếng lợn kêu eng éc khắp làng trên, xóm dưới cùng tiếng người gọi nhau í ới. Nhóm này nhóm kia gặp nhau trò chuyện xôm cả ngõ làng. Người nọ hỏi mượn người kia con dao nhọn chọc tiết lợn, mượn thùng nấu bánh chưng, mượn chày, mượn cối để giã giò... Thường thì ở làng không phải ai cũng có nồi to để đun bánh vậy nên nhiều nhà phải nấu trước để có nồi cho bà con mượn, hay chuyện cối giã giò cũng vậy.

Nhiều người để tránh phải mang đi mang lại đã chọn giải pháp mang luôn thịt đến nhà có cối, có chày cùng nhau thay tay giã. Dù thiếu, dù đủ nhưng ở làng bao giờ bà con cũng giúp đỡ, san sẻ cho nhau nhiệt tình. Những ngày cuối năm, nếu về ăn Tết ở làng ta sẽ cảm nhận rõ rệt sự đoàn kết cộng đồng và tình làng, nghĩa xóm bình dị mà thấm thía, sâu sắc.

Con lợn đụng làm lông xong được ngả ra nong để những người khéo tay pha thịt, lọc xương. Mọi thứ sẽ được phân ra rất đều nhau căn cứ vào số lượng người ăn đụng từ phần nạc, phần mỡ, phần xương, miếng thủ, miếng tai, miếng lưỡi đến tiết canh, lòng, dồi... Đôi khi có nhà ít người chỉ ăn đụng một góc, dù khó chia cũng không thể lấy thứ nọ bù thứ kia được.

27629152-2144014189165627-3663101776343909170-o141152535
Đụng lợn, khoái khẩu nhất là món tiết canh, món dồi

Trước khi đi đụng lợn bao giờ người ta cũng chuẩn bị sẵn cho mình một vật gì đó làm dấu riêng để ném thăm. Vật ném thăm của các nhà không được giống nhau và càng đơn giản, dễ nhận càng tốt. Tiếp theo đó, mọi người gọi một đứa trẻ con hàng xóm hoặc một người nào đó vô tình không biết được dấu riêng của nhà nào làm người ném thăm “phân mô”. Người ném thăm có thể trộn đều những vật làm thăm rồi ném những thứ ấy mỗi mô thịt một cái. Vật ký hiệu của nhà nào rơi vào mô thịt nào thì người đó mang rổ rá tới lấy phần đó.

Khâu làm dồi lợn cũng khá mất công. Những thịt vụn, mỡ chài, đậu xanh, gạo nếp, rau thơm, nước tiết... được trộn hỗn hợp cùng gia vị và nhồi vào khúc lòng già đã được rửa sạch. Sau khi đúc dồi thường người ta sẽ luộc chín để chia phần. Lòng non làm xong cũng được chia ra từng đoạn và chia cùng với tim, gan cũng như các phần nội tạng. Đi ăn đậu lợn ngày Tết, phần không ít người nghĩ tới đó là tiết canh. Tiết được hãm riêng ở một cái liễn sứ, mọi người mang cái đựng nhà mình đến để chia nhau. Con lợn của nhà nào mà hãm hỏng tiết canh thì ai cũng tiếc hùi hụi...

Xóm làng vang lên tiếng dao, thớt, tiếng chày cối giã giò. Không khí làng quê ngày tất niên nhộn nhịp, sôi động và thật đầm ấm. Khắp các ngõ ngách trong làng vướng vất mùi thịt luộc, mùi chả nướng, chả rang đưa theo gió. Không khí ngày Tết, lo Tết như dồn nén từ những ngày tháng Chạp đến chiều 30 Tết mới bung trào trong không gian làng quê.

Người làng ra đường gặp nhau hồ hởi trong tiếng mời chào, hỏi han về bánh trái, mâm ngũ quả cứ râm ran. Người thiếu lá dong, người thừa lạt dang, lá chuối gặp nhau đổi trao vui vẻ. Có cảm giác như lúc đó mọi người vội vàng hơn, hối hả hơn, những bước đi rảo nhanh như không kịp thở... Thói quen của người dân quê là Ngày Tết tự tay làm lấy để ăn, mệt nhưng vui, đầm ấm và thấm đượm tình làng nghĩa xóm biết bao.

(nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ)

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

U23 Việt Nam đặt mục tiêu thắng U23 Malaysia

U23 Việt Nam đã trở lại tập luyện để chuẩn bị cho trận tiếp theo gặp U23 Malaysia tại bảng D VCK U23 châu Á 2024. Đây là trận đấu mang tính bản lề.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm