| Hotline: 0983.970.780

Dùng máy bay dập dịch châu chấu ở châu Phi

Thứ Sáu 21/08/2020 , 06:10 (GMT+7)

Không thể dùng các phương pháp thủ công để diệt hàng trăm triệu châu chấu, các nước Đông Phi phải dùng máy bay để rải thuốc trừ sâu từ trên cao.

Máy bay phun thuốc diệt châu chấu tại Kenya, châu Phi. Ảnh: EPA.

Máy bay phun thuốc diệt châu chấu tại Kenya, châu Phi. Ảnh: EPA.

Từ hồi tháng 7, phi công các nước Kenya, Ethiopia và Somali hàng ngày phải lên máy bay, theo hướng dẫn từ các chuyên gia của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), để phun thuốc trừ sâu diệt châu chấu. Dù vậy, nỗ lực phun hàng trăm lit thuốc từ mỗi chuyến bay như muối bỏ bể, bởi dịch châu chấu đang hoành hành là tồi tệ nhất tại châu Phi trong nhiều thập kỷ.

Keith Cressman, cán bộ cấp cao của FAO cho biết, hơn một tháng qua, những chuyến bay này đã cứu được khoảng 600.000ha thảm thực vật và hoa màu, tương đương 1,2 triệu tấn lương thực cho 8,2 triệu người. "Những nỗ lực là rất đáng ghi nhận, nhưng dường như chưa đủ. Đàn châu chấu hầu như chưa giảm nhiều, và chúng tôi còn phải chiến đấu trong nhiều ngày nữa".

Theo Ngân hàng thế giới (WB), thiệt hại của dịch châu chấu lần thứ hai trong năm 2020, vốn manh nha từ cuối tháng 6, có thể khiến các nước Đông Phi và Yemen thiệt hại khoảng 8,5 tỷ USD, đồng thời làm trầm trọng thêm nguy cơ mất an ninh lương thực, gây ảnh hưởng sâu rộng tới kinh tế một loạt nước như Kenya, Ethiopia, Nam Sudan, Uganda, và Rwanda. 

Trong nhóm này, ngoại trừ Kenya có cơ cấu nền kinh tế đa dạng, nông nghiệp chiếm tỷ trọng 30% ở các nước còn lại và sử dụng tới 65% lực lượng lao động.

Hàng tỷ con châu chấu dài từ 7 đến 10cm đã tấn công Yemen từ cuối năm 2019. Chúng men theo những cơn bão và chạy đến những nơi có điều kiện tự nhiên nóng ẩm.

Khi các nước châu Phi chưa kiểm soát được đợt dịch đầu tiên, đợt dịch thứ hai ước tính mạnh mẽ gấp 400 lần, tiếp tục kéo lùi những nỗ lực sản xuất. Châu chấu đã tàn phá một khu vực có diện tích bằng đất nước Bồ Đào Nha (hơn 92.000km2).

Trong khoảng nửa năm, những con châu chấu sa mạc, đã sinh trưởng vài thế hệ và giờ không sợ con người. Hồi đầu năm, những phương pháp truyền thống diệt châu chấu như đổ xà phòng nóng lên lá, hoặc phun thuốc trừ sâu bằng những hệ thống tưới tiêu, cho kết quả nhỏ lẻ, không đẩy lùi được đại dịch.

Thống kê của FAO cho thấy, một bầy châu chấu trải rộng trong diện tích 1km2 có thể ăn một lượng thức ăn tương đương 35.000 người một ngày. Châu chấu đi thành bầy, và mỗi bầy có thể tấn công đồng thời hàng chục km2 thực vật. Cressman, cán bộ của FAO cho rằng những loài ngũ cốc được tưới bằng nước mưa như kê, lúa mỳ bị ảnh hưởng nặng nhất.

"Bất chấp những tiến bộ công nghệ, bạn vẫn khó lòng đương đầu với đại dịch lần này bởi chúng được thời tiết ủng hộ. Châu chấu sinh trưởng quá nhanh ở môi trường này", Cressman nhấn mạnh.

Binh sĩ Uganda đeo mặt nạ để phun thuốc trừ sâu, diệt châu chấu. Ảnh: Atlantic.

Binh sĩ Uganda đeo mặt nạ để phun thuốc trừ sâu, diệt châu chấu. Ảnh: Atlantic.

Cũng theo Cressman, đại địch Covid-19 góp phần cản trợ nỗ lực kiểm soát đàn châu chấu khi nhiều sân bay phải đóng cửa, các chuyên gia ngần ngại đi tới vùng dịch, và thuốc trừ sâu thường trễ hẹn. Chẳng hạn, tại Somali, những lô thuốc trừ sâu mới cập bến hồi tháng 6, dù dự kiến được cung cấp từ 3 tháng trước.

Nông dân châu Phi buộc phải tự ứng biến, bằng cách sử dụng các ứng dụng phun thuốc do FAO và Đại học Penn State phát triển. Mỗi hộ nông dân được cấp một tài khoản trong hệ thống phun thuốc được điều khiển bằng máy tính, và sử dụng chính hệ thống tưới nước hàng ngày.

Khi có châu chấu bay đến, họ sẽ thông báo tới trung tâm điều khiển. Máy tính ghi nhận và tính toán số lượng và thời gian phun thuốc. Song song với đó, thuốc được mang lên máy bay để rải xuống từ trên cao.

Nhưng hiện FAO chỉ có 4 máy bay ở Kenya, 4 ở Ethiopia và 2 trực thăng tại Somali. Số lượng ít ỏi khiến các phi công không thể tiếp xúc lập tức với các khu vực bị châu chấu tấn công.

WB đã cam kết hỗ trợ 500 triệu USD, còn FAO là 300 triệu. Phần lớn số tiền này là viện trợ không hoàn lại, để mua lương thực và các phương tiện chống dịch, trong đó có máy bay không người lái. Đây là thiết bị có tính cơ động cao, dễ điều khiển và ít chi phí hơn nhiều so với máy bay truyền thống.

Những khu vực sử dụng cũng không cần sự hỗ trợ từ phi công, vốn cần người có tay nghề và kinh nghiệm cao. Kenya đã được thử nghiệm loại hình này, nhưng FAO cần thêm thời gian để tinh chỉnh khối lượng thuốc trừ sâu mỗi đợt phun, cũng như cung cấp các loại pin dự phòng.

Ahmed Soliman, một nhà nghiên cứu vùng Sừng châu Phi cho biết, dịch châu chấu đã gây thiệt hại 200.000 hecta đất chỉ riêng ở Ethiopia. Ông lo ngại, nếu thời tiết thay đổi trong tháng tới, châu chấu có thể bay đến những vùng đất màu mỡ ở Tây Phi và hoành hành.

Một vấn đề đáng lưu tâm nữa, đó là dịch châu chấu có thể kích phát SARS-CoV-2 trở nên dữ dội hơn.

Theo Chương trình Lương thực Thế giới, 20 triệu người châu Phi nằm trong khu vực không an toàn khi tiếp cận lương thực.

Dịch châu chấu có thể tăng gấp đôi con số này, đồng thời đẩy người chăn nuôi đến những vùng đất chăn thả phi truyền thống. Nếu điều đó xảy ra, nó sẽ là thách thức cho cả lục địa đen bởi vi phạm những nguyên tắc về giãn cách và giới nghiêm khi chống dịch Covid-19.

Tại nhiều nước, quân đội được huy động để chống lại dịch châu chấu. Binh sĩ dùng mặt nạ phòng vệ và rada quân sự để phát hiện những đàn châu chấu từ xa, đồng thời xác định hướng bay và đo kích thước đàn. Ngoài việc phun thuốc, quân đội chủ trương tìm và diệt những con châu chấu non chưa mọc cánh.

Theo Bộ Nông nghiệp Uganda, châu chấu sa mạc ngày càng tiến hóa, với bộ não lớn hơn nhưng kích thước cơ thể lại nhỏ đi. Qua mỗi thế hệ, nếu không bị diệt, một đàn châu chấu có thể tăng số lượng cá thể lên gấp 20 lần.

Cressman, chuyên gia của FAO thừa nhận, rất khó để tiêu diệt hết đàn châu chấu. Thay vào đó, con người cần kìm hãm bằng cách phát hiện sớm loài này ngay từ khi chúng còn chưa phát triển bộ cánh.

African Business

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm