| Hotline: 0983.970.780

Đừng nhìn vào cách bà ta cư xử phân biệt con dâu, con ruột

Thứ Tư 12/04/2017 , 06:50 (GMT+7)

Còn mẹ chồng cháu thì như rằng muốn moi hết tiền trong túi cháu, và rồi gom hết tiền trong túi mình cho con gái bà. Từ khi cưới cháu ở riêng, con cháu đã được 1 tuổi, 3 năm qua bà chẳng cho cháu...

Cháu chào cô Dạ Hương!

Sáu tháng thai sản không cầm trên tay báo NNVN, trở lại công tác cháu mới đọc lại báo nhưng cũng chẳng được lâu thì cơ quan cắt báo vì tiết kiệm. 3 tháng qua cháu vắng cô tuy không mất gì nhưng thấy thiếu lời văn, dòng tâm sự làm kinh nghiệm sống cho mình. Giờ cháu viết thư cho cô, và tập thói quen đọc báo mạng. Lần thứ ba tìm đến cô là do đại gia đình cháu có chuyện cô ơi!

Anh hai cháu năm nay đã 40 tuổi, gia đình dư dã. Cách nay 3 năm anh có biểu hiện bệnh tâm thần nhẹ, đã được điều trị tạm khỏi, nhưng anh không uống thuốc cho dứt bệnh, gần đây có biểu hiện tái phát, khi nào mất ngủ thì lấy thuốc ra uống, được vài hôm thì lại ngưng. Không ai khuyên được hết.

Ba cháu mất đã 7 tháng, tài sản để lại cho anh ba. Tuy không nhiều nhưng cũng khấm khá so với vợ chồng cháu. Anh chị hai lấy đó làm cớ tính toán, sao không để lại cho mẹ mà lại cho anh ba, sau này mẹ bệnh mà phải bán đất thì vợ chồng nó có chịu bán không hay hai là anh và cháu phải hùn lại nuôi mẹ? Mỗi năm mẹ cháu được 9 triệu từ số đất ba cho anh cháu.

Mẹ cháu trồng hoa, bán rau quanh nhà mỗi tháng cũng được vài trăm, nhưng chẳng thấm vào đâu vì bà phải đi đám tiệc tùm lum. 4-5 đám thì anh mới đưa tiền cho mẹ đi 1 đám, anh nói người ta mời mẹ chứ đâu có mời anh. Không những vậy lâu lâu bà còn mua đồ ăn cơm trong ngày, sắm sửa đồ dùng trong nhà khi bà thấy nó thiếu.

Gần hết tiền trong túi mẹ cháu đòi đi bán vé số, cháu thấy nhức cả đầu. Cháu nói mẹ về sống với vợ chồng cháu, vừa trông cháu ngoại vừa không phải tốn tiền, bà không chịu. Hai nhà cách nhau có 7km cháu phải chở con về ngoại mỗi sáng để đi làm.

Còn mẹ chồng cháu thì như rằng muốn moi hết tiền trong túi cháu, và rồi gom hết tiền trong túi mình cho con gái bà. Từ khi cưới cháu ở riêng, con cháu đã được 1 tuổi, 3 năm qua bà chẳng cho cháu thêm được gì mà còn “trẻ không cho già chứ già làm gì ra tiền mà cho trẻ”. Ngày nhà mạng khuyến mãi tiền card, bà mua cho 3 con ruột (hai đứa có chồng, 1 trai út chưa vợ) bà kêu cháu nạp dùm vì bà không biết nạp, thấy vậy cháu xin một cái thì bà lại hát bài ca “trẻ - già, già - trẻ”, sao mẹ chồng cháu lại phân biệt ra mặt luôn thế? Mọi thứ tiền đám tiệc bà đều gọi cho chồng cháu. Từ tết đến nay cháu không về nhà chồng nữa, hai cha con thích thì đi, cháu mệt nên không đi.

Vợ chồng cháu như sống ở hai thế giới. Làm thì mải miết quên cả ăn nhưng chưa biết từ chối lời mời nhậu của ai, vợ nói mấy cũng chẳng nhằm gì, mẹ chồng còn khuyên ngược lại “nó nhậu mà không quậy thì kệ đi”. Cháu thích sau mỗi buổi cơm chiều vợ chồng cùng xem tivi kể nhau nghe chuyện trong ngày. Gần đây cháu thấy mình như bị stress, cháu sợ mình sẽ như anh hai, cháu sợ di truyền, ngày xưa bà ngoại cháu cũng đi lang thang lúc tỉnh lúc mê.

Cháu LTTT

-------------------

Chào cháu gái!

Rất cảm ơn cháu vẫn tin yêu cô và đã bắt đầu biết lướt web để đọc báo online.

Phần mẹ cháu, vì ba mẹ cháu sống với anh ba, đúng không, nên ba mất thì mẹ nghĩ anh chị ba sẽ chăm sóc mình và anh ấy ôm bàn thờ nữa. Nghĩ vậy cũng đúng quy luật tâm lý của bà mẹ, lại là bà mẹ nông dân chân chỉ, nghĩ vậy không khác thường, không có gì quá.

Có điều, ai cũng ở trong tình trạng kinh tế eo hẹp như mẹ, thu nhập ít đám tiệc nhiều. Cô vẫn quan sát và phục sát đất các bà mẹ nông thôn xoay sở quá tài, ngần ấy “ngân quỹ” mà lại không mắc nợ, không mất danh dự, đúng là khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Đừng nghĩ mẹ về ở với cháu, nhà của rể, cơm của rể, bà không chấp nhận đâu.

Về nhà chồng cháu, cuộc hôn nhân nào cũng có may và rủi, vợ chồng là duyên và nợ. Mẹ chồng như vậy cháu kêu ca hay “tẩy chay” cũng không thoát được cái tiếng họ là nhà chồng của mình, là nơi chồng và con cháu đi về. Cháu cứ thả lỏng mình ra, đừng thèm nhìn vào cách bà ta cư xử phân biệt con dâu con ruột, cháu đứng trên những tiểu tiết đó đi rồi cháu sẽ thấy mình cao hơn, bao dung. Vả lại, đã chọn chồng và về với họ, không ở chung là may rồi, dần dần sẽ hiếu hết nết na nhau và “chung sống với lũ”. Đừng nhìn vào ai, đừng so bì với ai, mình đã chọn và mình phải tìm cách thở được.

Rất nhiều viên chức công sở bị stress cháu ơi, do áp lực công việc, do cuộc sống chật vật, do xã hội đáng chán…và do chồng bị tệ nạn nhậu chèo kéo. Ai cũng muốn vợ chồng ngồi bên mâm cơm buổi tối để nói đủ thứ chuyện trên đời nhưng mấy nhà được điều đó hở cháu? Thôi thì cứ tâm sự, đối thoại, dùng sợi dây dài với chồng để giữ nhau, không cách nào hơn. Nói về tai nạn sau nhậu, về sức khỏe, về hình ảnh với con, về cuộc sống lâu dài vợ chồng. Và nói chung, yêu chồng nhiều đi rồi chồng sẽ mê mình, nể mình mà ít nhậu và thích về nhà với mình.

Di truyền là yếu tố có thật, muốn đừng như anh hai, cháu nên buông bỏ những ý nghĩ hằn học, thể dục tại chỗ, nghe nhạc, vui sống với con, kẻo mình mang bệnh thì thiệt thân và thiệt cho con của mình.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.