| Hotline: 0983.970.780

Đúng như cháu nghĩ, bảy năm dài, vợ chồng cần có nhau

Thứ Sáu 25/01/2019 , 06:50 (GMT+7)

Ba năm nữa rồi cô, bảy năm vợ chồng biền biệt như đi trận, cháu đã sửa nhà, làm sân nhưng cháu chỉ cần anh thôi. Anh cũng đã ngoài bốn mươi, cháu cũng thế, cháu sẽ làm áp lực để anh quay ra. Nhưng anh bảo...

Cô kính mến!

Cháu là cô giáo mầm non ở một xã xa xôi cô ơi. Chồng cháu không có nghề như cháu, hồi trẻ anh ấy đi làm hồ với anh cả và chú bác họ. Nhưng hoàn cảnh chúng cháu đặc biệt lắm. Anh cả là con mẹ cả, bốn anh em chồng cháu con mẹ hai.

Mẹ cả mất sớm, bố nặng con cả, bố cũng thương anh ấy mồ côi sớm nên bố để cho các bác thu xếp anh thừa hưởng nhà của bố và vườn thổ cư cũng như đất ruộng ông bà chia cho bố.

Khi ấy bố còn trẻ, bố đi gây dựng ở gần đấy, bố đổi đất với một người em trai để bố ở xa đất hương hỏa cho bầy con với vợ sau dễ xử. Chồng cháu là con trai đầu của mẹ hai. Bố không gây dựng được nhiều, rồi bố bạo bệnh, có lẽ do lao tâm lao lực quá. Mẹ chồng góa ngay khi cháu mới về làm dâu. Cháu cũng người trong xã đây thôi.

Cô cũng biết ở nông thôn ngoài này, con đông phức tạp, con dòng thứ lại hay bị phân biệt. Chồng cháu học hết lớp 9 rồi đi làm thợ. Anh cả nhờ nhà sẵn, vườn sẵn, ruộng khá nên không phải đi làm như chồng cháu. Vợ của anh ấy cũng không gần gũi với dòng con sau của bố.

 Đến mức sau giỗ hết bố, anh đưa bố lên cạnh ảnh mẹ cả, anh giỗ riêng. Mẹ chồng cháu với mấy đứa con của bà giỗ riêng, các bác các chú thương anh, bênh anh, giỗ chính ở nhà anh, rồi mới đến chỗ mẹ chồng cháu thắp hương thôi.

Khi con trai đầu của cháu vào cấp II, chồng cháu theo bạn đi Nam làm tẩm quất. Anh bảo làm hồ quá vất, anh bỏ. Đứa con gái cháu năm ấy cũng vào tiểu học. Cháu sống với mẹ chồng, hai đứa em của anh, một đứa trai đòi đi xuất khẩu lao động nhưng không có tiền, đứa em gái còn ăn học.

Anh lo tất, anh lấy đêm làm ngày, tiền gửi về cho mẹ chứ không gửi cho vợ để mẹ lo cho em xuất khẩu, lo cho em gái học xong cấp ba rồi học nghề. Bốn năm ròng, con trai chúng cháu lên cấp ba, nó học giỏi, không dám ý kiến gì khi bố lo cho chú và cô như thế.

Cháu có công việc, mẹ trồng tỉa và chăn nuôi tự túc, không phải tốn kém nhiều, cháu gói ghém được. Em trai anh đã toại nguyện, giờ làm được bao nhiêu cậu ấy gửi về cho mẹ mua đất chuẩn bị có ngày chú ấy quay về.

Cô xem, anh hy sinh thế mà chú ấy có tiền chỉ nghĩ đến tương lai của chú ấy. Anh không phiền em, anh bảo, anh sẽ gửi tiền về cho em xây nhà, lát sân cho hoành tráng. Mỗi năm anh về có hai đợt, hè và tết thôi cô.

Ba năm nữa rồi cô, bảy năm vợ chồng biền biệt như đi trận, cháu đã sửa nhà, làm sân nhưng cháu chỉ cần anh thôi. Anh cũng đã ngoài bốn mươi, cháu cũng thế, cháu sẽ làm áp lực để anh quay ra. Nhưng anh bảo, anh không làm hồ, mà ở không ngoài đó để sinh hư à?

-------------------------

Cháu thương mến!

Cái cảnh nghèo của dân mình thật muôn hình vạn trạng. Cứ Âu Cơ với Lạc Long Quân hoài. Ở các nước giàu, chồng đâu vợ đấy, chỉ ly dị mới xa nhau. Với ta, không chỉ sinh kế mà còn gánh vác, họ tộc, mở mày mở mặt.

Có sao không? Không sao, nghèo không phải cái tội, thiệt hại và thiệt thòi thôi. Và cũng vì gánh trên lưng nhau số phận gia tộc nên người Việt mình hàng năm chiến trận đã bảo toàn và phát triển.

Cô đặc biệt thán phục những bạn đi Nam để làm công việc như chồng cháu. Sao toàn người Bắc, có hội có phường, không thấy người Trung và càng không thấy người Nam, việc tẩm quất dạo ấy?

Không hề gì, chỉ là một hiện tượng của mưu sinh nhưng có lẽ người Bắc bình dân họ không câu nệ và họ cũng giỏi đùm bọc nhau. Lấy đêm làm ngày, lâu dài có tổn thọ nhưng vẫn “mát mặt” hơn làm hồ, làm bấy nhiêu ăn bấy nhiêu, tự do, không có cai, không có trưởng nhóm đè đầu cưỡi cổ.

Khen cho chồng cháu hiếu nghĩa đặc biệt. Nhờ cậu ấy mà em đi lao động xuất khẩu, em gái học xong nghề, nhà mẹ xây tường và sân gạch. Quá giỏi, quá xuất sắc. Một tấm gương. Việc gì cũng phải có giá hết cháu ạ.

 Thời đầu trung niên của các cháu, khỏe, trẻ, hăm hở, một cái nghề chưa từng, không có làng nghề, không gia truyền, không cần ngoại ngữ, không cần xuất khẩu, không xa nước… mà kiếm được tiền như thế, cũng đáng chứ.

Đừng trách em trai của chồng. Chú ấy còn phải lập gia đình, sinh con, những ẩn số quan trọng của đời người. Các cháu dù sao cũng đã yên, cháu có nghề có việc, vợ chồng đã củng cố nhà cửa, quan trọng là hai đứa con trai và gái học được, khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Vị thế anh cả quá vững, quá cao lớn trong lòng các em, còn mong muốn nào hơn.

Nhưng đúng như cháu nghĩ, bảy năm dài, vợ chồng cần có nhau. Nhưng về ngoài ấy chồng làm gì. Tuổi không trẻ nữa làm hồ sao được? Hay là nuôi con gì, đặc sắc, như nhiều người, bồ câu, chim trĩ, gà tây, dê vườn… miễn có việc và có thu nhập tốt.

Đã đến lúc rồi bên nhau, có nhau và sẽ có lối ra, không việc gì phải xa mù nữa.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm