| Hotline: 0983.970.780

Dũng sĩ diệt chuột

Thứ Ba 12/03/2013 , 15:08 (GMT+7)

Chuyện về hai “cao thủ” diệt chuột ở HTXNN Phú Hòa (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền) đã thành “đề tài nóng” cho nông dân đang thấp thỏm lo âu cho “số phận” ruộng lúa.

Năm 2012 không có lũ lớn nên ở TT- Huế chuột tràn đồng ruộng, cắn phá khắp nơi. Chuyện về hai “cao thủ” diệt chuột ở HTXNN Phú Hòa (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền) đã thành “đề tài nóng” cho nông dân đang thấp thỏm lo âu cho “số phận” ruộng lúa.

Chuột phá dữ dội

Theo các “lão nông tri điền”, chưa năm nào chuột nhiều khủng khiếp như năm nay, càng bắt càng thấy nhiều. Tại HTX Kim Thành (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền), bà con xã viên “đau đầu” vì chuột cắn lúa chuẩn bị làm đòng. Ông Trương Hữu Tấn, Chủ nhiệm HTX cho biết: “HTX gieo cấy 274 ha lúa đã có hơn 40 ha bị chuột phá. Nhiều nơi bị mất trắng hoàn toàn. HTX đã cấp cho xã viên 1.500 bẫy chuột, 20 kg thuốc diệt chuột. Thế nhưng, nhiều khoảnh ruộng vẫn bị cắn phá, phải mua mạ về cấy lại".

Vừa ra thăm ruộng trở về, nông dân Trần Hữu Thân (thôn Thành Trung) vẻ mặt buồn thiu: “Nhà tui có 5 sào ruộng bị chuột cắn phá dữ quá, đã đổ không biết bao nhiều công sức với tiền của vào đó rồi nhưng từ trong tết đến nay, chuột gặm mất 2,5 sào. Bữa trước khi gieo xuống, chúng “dọn” sạch hạt, mầm lúa. Bỏ thuốc diệt thì cũng bắt được nhiều chuột nhưng không ăn thua.”


“Cao thủ” diệt chuột Trần Văn Cạn

Ở HTX Kim Thành, nhiều khoảnh ruộng cũng chung “số phận” như ruộng nhà ông Thận. Theo bà con, mật độ chuột từ 3 - 4 con/m2, nhiều nơi bắt được 15 - 20 con/m2. Theo tính toán, 1 sào lúa chi phí cả tiền công, giống, phân bón... đã hơn 1 triệu đồng. Nếu thuận lợi thì thu được 3 tạ thóc, giờ nhiều diện tích bị cắn phá đành mất trắng.

Ở các địa phương khác như Phú Lương (huyện Phú Vang), Quảng An (huyện Quảng Điền)... chuột cắn phá cũng dữ dội. Các HTX đã trích kinh phí mua đuôi chuột từ 500 - 1.000 đồng/đuôi nhưng nạn chuột vẫn không giảm.

Cao thủ diệt chuột

Ông Lê Văn Xê, Phó Chủ nhiệm HTX Phú Hòa (xã Quảng Phú) cho biết: “HTX có hơn 200 ha lúa, do không có lũ nên chuột tràn về nhiều, địa phương cũng bị thiệt hại khoảng từ 3 - 5% diện tích”. Sở dĩ diện tích lúa ở đây thiệt hại nhẹ là do có nhiều “cao thủ” diệt chuột với các dụng cụ tự chế rất hiệu quả. Ngay khi bước vào đầu mùa vụ, HTX đã cấp cho xã viên 1.000 gói thuốc diệt chuột, 1.000 bẫy bán nguyệt, thu mua 1.000 đồng/đuôi chuột".

Được sự giới thiệu của ông Xê, chúng tôi tìm gặp nông dân Nguyễn Phong (thôn Nghĩa Lộ) được bà con biết đến như một cao thủ diệt chuột với 1 đêm có thể tiêu diệt từ 200 - 300 con. Dụng cụ diệt chuột của ông Phong ngoài bẫy, vợt ra còn kết hợp cả kỹ năng phóng lao bắt chuột chính xác một cách kỳ lạ. Thời gian săn chuột của ông Phong chủ yếu là ban đêm.

Ông Phong chia sẻ: “Từ khi trời chạng vạng tối cho đến nửa đêm là thời điểm chuột cắn phá dữ dội nhất. Dựa vào đặc điểm sinh học này, người bắt chuột “ra quân” là phù hợp nhất. Ban đêm, với 3 bộ đèn được thay nhau gắn trên đầu, pha sáng cả một góc ruộng, chuột đóng đèn, không biết tìm lối thoát, mình phóng lao, mỗi đêm, nếu siêng năng, tui có thể tiêu diệt được 300 con chuột”.


Nông dân dồn sức ra quân diệt chuột bảo vệ mùa màng

Số chuột ông Phong bắt được mang lên xã “lĩnh” nhiều khi làm cán bộ ở HTX Phú Hòa phải ngạc nhiên. Chỉ trong 1 đêm, với lao phóng và vợt, ông Phong có thể làm việc bằng cả chục người ra quân diệt chuột. Lao phóng được ông chế tác từ cây tre dài 2 - 3 m, gắn 4 - 5 cái đinh nhọn đầu lao. Ban đêm, đi dọc kênh mương, bờ ruộng, chuột thấy động, đua nhau bò chạy, nhảy xuống cả kênh bơi thoát thân, thế là ông ra sức phóng lao, diệt gọn cả lũ!

Vào mùa mưa lũ, phương thức diệt chuột bằng phóng lao lại phát huy hiệu quả cao độ. Nước dâng cao, chuột mất nơi trú ẩn, chạy lên các vùng cao, gò đồi thoát thân. Biện pháp phóng lao kết hợp với chó săn chuột mang lại hiệu quả rất cao.

Ông Lê Văn Xê: “Nhằm động viên những cao thủ diệt chuột như anh Phong, anh Cạn… ngoài số tiền hỗ trợ 1.000 đồng/đuôi chuột, làng cũng trích kinh phí hỗ trợ thêm 1.000 đồng/đuôi cho bà con. Nhờ những nông dân tiên phong đi đầu trong công tác diệt chuột, bảo vệ mùa màng, phong trào diệt chuột được triển khai nhiều nơi, với hiệu quả cao trên đồng ruộng”.

Một cao thủ diệt chuột nữa ở Quảng Phú được bà con tín nhiệm là ông Trần Văn Cạn. Gặp chúng tôi, ông Cạn mở đầu câu chuyện rất…nông dân. Ông bảo: “Chú xem đó, “mùa” chuột năm nào mình cũng sắm sang thêm nhiều vật dụng trong gia đình cả. Tất cả nhờ bắt chuột”.

Nói đoạn, ông chỉ tay về giàn karaoke, bộ loa, đầu đĩa của mình mới tậu còn mới cóng. Cách bắt chuột của ông Cạn là đào hang, dùng 4 con chó săn được huấn luyện chuyên bắt chuột, kết hợp với vợt để tóm gọn lũ chuột khi bị khuấy động rời khỏi hàng ổ.

Nói về kinh nghiệm, ông Cạn chia sẻ: “Muốn bắt được chuột nhiều thì phải nắm được thời gian sinh học, đặc điểm các thế hang của nó. Khi xác định được hang chuột, phải tìm hết các “lỗ ngời” (các nhánh đường hầm chạy thoát của chuột). Sau đó dùng nước đổ tràn hàng, chuột sẽ chạy tháo thân, một phần mình dùng vợt để bắt, phần sẽ có các chú chó là các tay thợ săn chuyên nghiệp. Chó được mình huấn luyện từ trước, chỉ chuyên bắt chuột thôi”.

Với cách bắt chuột hiệu quả, ông Cạn cùng thêm 2 người con trai của mình, mang nộp HTX từ 400 - 500 đuôi chuột/ngày. Cũng nhờ siêng bắt chuột, khoanh vùng tốt, 6 sào ruộng của ông Cạn đến nay đều bình an vô sự.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.