| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 24/08/2019 , 07:05 (GMT+7)

07:05 - 24/08/2019

Đừng thả nổi

Ngày bé, chỉ nghe nói tháng Bảy có rằm lớn. Bà nội mê chùa mê đình như mọi người già thế hệ của bà, tin tưởng nhưng không mê tín.

Mỗi năm âm lịch theo bà có ba cữ rằm cần cúng bái long trọng: rằm Giêng, rằm tháng Bảy và rằm tháng Mười (rằm nước xuống, tiễn nước, sung túc phù sa).

ddt-9326171122607
Vàng mã cho ngày rằm tháng Bảy.

Lớn lên phập phồng thiếu nữ, nghe các má các chị bảo tháng Bảy có ngâu. Ngâu là sao? Là Ngưu Lang - Chức Nữ mỗi năm gặp nhau chỉ được một lần, đừng hỏi sớm, nữa yêu rồi khắc biết! Quả thực, cũng thấy tính chất khác thường của tháng này. Mưa ở Nam bộ rõ rệt thu ngâu hơn ở Bắc, đêm nào cũng rả rích, những giọt thưa rơi thẳng đứng bên ngoài song cửa. Thao thức, cách trở, mong mỏi. Hơn mười năm tình yêu thấm ngâu, về chung mái nhà thì tình ngâu già thương cho bao người chia ly hoặc sinh nhai bê trễ. Khi đã góa thì thôi rồi, ngâu gì ngâu dữ vậy trời?

Có lẽ mùa Vu lan báo hiếu bắt đầu từ vở diễn "Bông hồng cài áo" quá nổi tiếng của Sài Gòn. Vu lan cũng chỉ đậm ở Nam bộ. Con gái mua hoa cho bàn thờ nhà mẹ và con gái đi chùa, lâng lâng nhón tay cài lên ngực áo bông hồng đỏ thắm. Riêng mình, ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa và đọc những dòng chia sẻ đẫm nước mắt của bạn bè mới mồ côi mẹ. Nghĩ, sao dồn hết cho tháng Bảy vậy kìa?

Nhưng vẫn chưa hết. Tháng Bảy cũng là tháng vong nhân, cô hồn, xá tội mà người Tây gọi cho chính họ dễ hiểu là tháng Ma. Chùa chiền kinh kệ, tấp nập khách thập phương, cầu cúng siêu linh tịnh độ. Nhà nhà bày cúng cô hồn vào ngày mười sáu hoặc ngày đó họ thấy tiện. Thức cúng vừa giống vừa khác, gạo muối và tấm lòng. Ở đâu chứ ở xứ mình, có lẽ cô hồn dày đặc, chiến trận, tai nạn giao thông, oan khốc nghi ngút.

Khi ta trẻ, ta nhìn người già sì sụp ta ngạc nhiên sao cúng lắm vậy? Khi ta có tuổi, nhà cửa, gia đạo, tâm linh, tinh thần… ta bắt đầu cúng bái và thấy tâm an, có sao đâu, có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Ở nơi có người Hoa sinh sống thì những ngày rằm của họ thật náo động. Người nghèo đến “giật vàng” đông như hội, bởi càng đông gia chủ càng thích: mình phát chẩn, mình có tiếng, mình sẽ thụ lộc dài dài.

Đã có thời gian dài cúng kiến sơ sài, hợp túi tiền, hợp lòng người, phong tục tập quán vừa vừa phải phải. Rồi con người như sực tỉnh. Nó không giống như rẽ sang một khúc quanh, hay lật một trang sách. Nó lan truyền, giống dịch bệnh. Nhà nhà rỉ tai nhau, cúng Phật phải gồm thứ này thứ này, ngày giỗ phải mua cả tiền điếu và tiền đô la, dương gian ra sản phẩm gì mới thì phải hóa vàng thứ đó gửi xuống cõi âm.

Lại nghe đền này thiêng, chỗ kia gọi hồn giỏi, chỗ nọ bói hay bói đúng. Bước vào cửa chùa, cửa phủ, cửa đình, cửa đền ở Hà Nội mới thấy, chừng như sự vật mình của những nơi liên quan đến Phật giáo quả là đáng lo ngại. Nói biến tướng thì sẽ không ít người tự ái. Nhưng lễ và vật, cúng và bái, xin xỏ và cầu nguyện như thế thì gỗ đá cũng lên cơn thịnh nộ. Con người càng bày vẽ, càng khấu đầu lảm nhảm càng cho thấy con người thực dụng, con người hoang mang, con người thảm hại.

Thả chân lên phố Hàng Mã Hà Nội càng giật mình. Hoa cả mắt. Không, tôi không tin “thượng đế” đặt hàng. Nó không giống với thị hiếu đám đông trong âm nhạc hay văn học mà chúng ta quen gọi là độc giản và khán giả thị trường. Tôi đồ rằng cánh hàng mã đã cố tình định hướng người tiêu dùng cấp thấp áp đảo. Đẹp, to, choáng, không thiếu thứ gì.

Nhà lầu, ô tô, xe máy các loại và cả búp bê, người hầu, con ở. Càng khám phá càng kinh ngạc, người Việt mình đã thô thiển thế này sao, quan niệm ô trọc vậy sao, người chết mà có linh hồn sao không phản ứng, lên tiếng đi, phản đổi đi, dạy bảo đi chứ! Con cháu ở trần gian của các vị xôi thịt quá lắm rồi nên nghĩ các vị cũng đói khát như họ. Có đốt được đất vàng, rừng thiêng, mỏ quý, ghế quan, chỗ ngon chỗ đẹp…chắc họ cũng tìm cách hóa để gửi xuống cho tổ tiên ông bà cha mẹ mình!

Hàng mã cũng phải thiết kế và đưa đi in. In xưởng lớn hay in thủ công cũng là in. Và đưa ra thị trường lưu thông phân phối. Riêng lĩnh vực này các nhà quản lý đã thả nổi. Một đoạn sách các vị thấy nhạy cảm, kiểm duyệt ngay. Một vở diễn nhiều hiện thực, ách lại để lật trở xem xét cho chán đã. Mấy cô nàng ăn mặc khó coi trên sân khấu, tuýt còi liền.

Nhưng đừng tưởng việc cúng bái lễ lạc mê tín rườm rà dị hợm là không liên quan đến văn hóa, đến bộ mặt tinh thần của xã hội chúng ta. Ngó lơ, mặc nhiên, là sẽ có tự phát và làm quá. Khi đã vậy thì không còn kiểm soát nổi. Phân cấp cho ai, không biết, chỉ thấy chính quyền thả nổi cho mọi việc phản cảm, thậm chí nguy hại, diễn ra ngay trước mũi mình, sao vậy?