| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 28/04/2016 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 28/04/2016

Dựng tượng đài vua Hùng liệu có khả thi?

Ba mẫu tượng đài vua Hùng đang được trưng bày tại khu vực trung tâm khu Di tích lịch sử đền Hùng (Phú Thọ) để lấy ý kiến góp ý của toàn dân, đã làm dấy lên nhiều luồng ý kiến.


Ba tượng HV-02, HV-03, HV-01 (từ trái sang phải)

Một điều dễ nhận thấy là tất cả 3 mẫu đó chỉ được phác thảo lại dựa trên trí tưởng tượng của chính những tác giả của mẫu tượng đài đó.

Trong số những ý kiến đó, có rất nhiều ý kiến cho rằng việc dựng tượng đài vua Hùng là không khả thi. Bởi nhiều lý do. Thứ nhất, vua Hùng là một nhân vật đặc biệt, cách ngày nay cả 4.000 năm.

Thời đại Hùng Vương là thời đại mang tính huyền sử, chỉ có trong truyền thuyết, trong trí tưởng tượng của con dân Việt. Ngay các bộ sử của các nhà nước phong kiến ngày xưa cũng không xếp thời đại Hùng Vương vào chính sử. Tài liệu ghi chép về thời Hùng Vương không nhiều.

Thứ hai, vua Hùng có tới 18 đời, đời nào cũng lấy hiệu là Hùng Vương. 18 đời vua Hùng kéo dài tới 2.000 năm, vậy bình quân mỗi đời vua Hùng kéo dài hơn một thế kỷ? Chỉ một chi tiết đó thôi, cũng đủ thấy tính huyền sử của thời đại này rồi.

Vậy tượng đài vua Hùng ở đây là chỉ vào vua Hùng nào? Hùng Vương thứ nhất, thứ hai, hay là thứ mười bẩy, mười tám? Nếu dựng tượng thì phải dựng đủ mười tám vị chứ không phải một. Ngay cả ngày giỗ Tổ Hùng Vương là ngày 10/3 âm lịch, hiện cũng còn đang gây tranh cãi.

18 đời vua Hùng, tất nhiên là các vị băng hà vào những ngày khác nhau. Ngày 10/3 là ngày giỗ vị vua Hùng nào? Các nhà sử học đã chỉ ra, ngày 10/3 được lấy làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương thực ra chưa đầy 100 năm, chính xác là vào năm 1917, vua Khải Định triều Nguyễn mới quyết định lấy ngày 10/3 làm ngày giỗ Tổ. Vì thế, rất khó để đưa ra một hình mẫu về tượng đài vua Hùng.

Thứ ba, tôn kính, tôn vinh tổ tiên là nét đẹp của văn hóa Việt. Đã từ hàng ngàn năm nay, tuy chỉ là huyền sử, nhưng hình tượng vua Hùng đã ăn sâu vào trí tưởng tượng của toàn thể người dân Việt, cùng với niềm tự hào về một thời đại dựng nước.

Tượng đài nào thì cũng sụp đổ trước thời gian, chỉ có tượng đài trong lòng dân là vĩnh viễn. Vì vậy, không nhất thiết cứ phải có một tượng đài vua Hùng, mới thể hiện được lòng tôn kính, tôn vinh tổ tiên của người Việt. Nhất là trong điều kiện đất nước đang còn nghèo, mà các loại tượng đài thì đã nhan nhản khắp nơi, địa phương nào cũng có, các tượng đài lại đều na ná nhau.

Tượng Quốc công Tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn trông chẳng khác gì tượng Hoàng đế Quang Trung, hay vua Lê Thái Tổ là mấy. Tượng thi hào Nguyễn Du trông không khác tượng Danh nhân Văn hoa thế giới Nguyễn Trãi bao nhiêu...

Hãy để mỗi người dân Việt Nam tưởng tượng ra một vua Hùng của riêng mình. Ý kiến trên của một chuyên gia thật là hợp tình, hợp lý.