| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 30/12/2019 , 09:33 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 09:33 - 30/12/2019

'Được một bát cháo, chạy ba quãng đường'

Đó là tình cảnh không biết nên khóc hay nên cười của hơn 1.400 CB, CCVC và NLĐ đang làm việc trong các cơ quan, đoàn thể của huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi.

Ảnh minh họa.

Số là đã nhiều tháng nay, tất cả những người đang hưởng lương đều phải nhận tiền lương qua thẻ tín dụng (thẻ ATM). Nhưng khổ thay, cả huyện không có lấy một cây ATM nào.

Vì thế, để rút được mấy đồng mua gạo, mọi người bắt buộc phải băng rừng vượt suối sang huyện khác để “rút nhờ”. Gần nhất là huyện Sơn Hà bên cạnh, cũng mất trên 60 cây số, vừa đi vừa về mất hơn 100 km. Đó là tính từ thị trấn huyện Sơn Tây, còn nếu tính các xã vùng sâu vùng xa của huyện, có xã cách thị trấn hàng chục km, thì đoạn đường còn xa ngái, cách trở hơn nhiều.

Mà lương (nhất là lương giáo viên, lực lượng này đông nhất, chiếm đến trên 600/1.400 người) nhiều người chỉ trên dưới 3 triệu đồng mỗi tháng. Gọi là đi rút tiền nhờ, nhưng cả huyện Sơn Hà cũng chỉ có vài cây ATM ở thị trấn Di Lăng.

Nếu chẳng may cây ATM chưa kịp được ngân hàng bơm tiền vào hoặc máy ngừng hoạt động để bảo dưỡng hay sửa chữa, thì có khi phải mất vài ngày mới rút được mấy đồng lương còm cõi.

Trả lời báo chí, lãnh đạo huyện Sơn Tây cho biết: Việc trả lương qua thẻ ATM không phải là chủ trương của huyện mà là chủ trương bắt buộc của Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi, không trừ một cơ quan, đơn vị nào. Từ nhiều tháng nay, huyện đã có văn bản gửi Kho bạc Nhà nước, đề nghị cho lắp một vài cây ATM trong huyện, để giải quyết cái nạn “được một bát cháo, chạy ba quãng đường” này của người lao động. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy có.

Trả lương cho người lao động qua thẻ để tiến tới một xã hội hạn chế tiền mặt, là một chủ trương rất đúng. Nhưng hạn chế tiền mặt phải có lộ trình, và nhất là phải được tiến hành một cách đồng bộ. Có thẻ mà không có nơi rút tiền như tình trạng huyện Sơn Tây, thì chỉ là một cách “hành” người lao động. Mà lắp một vài cái máy ATM, có khó khăn gì đâu? Thế mà để huyện phải công văn đi công văn lại, vẫn không nhúc nhích.

Trong đơn thư của người lao động ở huyện Sơn Tây gửi đến báo chí, đã có rất nhiều câu hỏi: Không biết những người chủ trương bắt buộc người lao động phải nhận lương bằng thẻ nhưng lại không bố trí cây ATM để rút tiền, có phải chịu cảnh chạy cả trăm cây số chỉ để rút mấy đồng mua gạo hay không?

Xin thưa: Không đâu. Tiền lương của các vị, đến kỳ đã có nhân viên lấy sẵn, bỏ vào phong bì kính cẩn mang đến để tận bàn làm việc rồi.

Muốn làm điều gì, trước tiên hãy nghĩ đến quyền lợi của đại chúng.

Bình luận mới nhất