| Hotline: 0983.970.780

Được mùa cá thu

Thứ Ba 12/03/2019 , 08:56 (GMT+7)

Gần nửa tháng qua, nhiều ngư dân ở cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) vui mừng vì liên tiếp trúng mùa, được giá cá thu.

11-13-45_ngu_dn_huyen_ngoc_hien_chun_bi_ngu_cu_de_tiep_tuc_vu_c_thu
Ngư dân huyện Ngọc Hiển chuẩn bị ngư cụ để tiếp tục vụ cá thu

Ghi nhận thực tế tại địa phương, hàng chục tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân đang tấp nập cập bến để bán cá cho các vựa ở cửa biển Rạch Gốc. Không khí lao động càng thêm nhộn nhịp, nhiều vựa mở cửa thu mua đến tận đêm khuya. Trung bình, sau chuyến biển từ 7 – 10 ngày, mỗi phương tiện cập bến bán cho vựa cá từ 1 – 3 tấn cá thu các loại (tùy theo kích cỡ).

Theo đó, giá cá thu đang ở mức khá cao từ 100 – 110 ngàn đồng/kg (cá loại 1), cá loại 2 có giá từ 80 – 85 ngàn đồng/kg. Với mức giá hiện tại, mỗi phương tiện bán cá cho vựa có thu nhập từ hơn 80 – 150 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi phương tiện lãi hơn 50 – 120 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hùng Huy, chủ tàu cá KG 55010-TS – ngụ tỉnh Kiên Giang thông tin, hiện đang bước vào vụ mùa đánh bắt, nên nhiều phương tiện tranh thủ thời tiết thuận lợi để vươn khơi. “Thông thường, sau tết là thời điểm thuận lợi nhất để chúng tôi ra khơi đánh bắt. Vào mùa này, sau mỗi chuyến biển, ngư dân trúng mùa nhiều hơn là thất mùa. Vì vậy, thu nhập của chủ tàu, cũng như người lao động đều tăng cao”, ông Huy chia sẻ.

11-13-45_niem_vui_cu_ngu_dn_l_co_duoc_nhung_chuyen_bien_duoc_mu_duoc_gi
Niềm vui của ngư dân là có được những chuyến biển được mùa, được giá

Anh Châu Văn Huỳnh, ngư dân ngụ xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Chuyến này tôi ra biển được 7 ngày, được gần 1,5 tấn cá các loại, nhờ trúng cá thu nên chúng tôi vội vào bờ để bán. Sau khi trừ chi phí và chia phần cho lao động, tôi lãi khoảng 50 triệu đồng. Trúng mùa, ai nấy đều vui mừng, hi vọng chuyến sau cũng sẽ bội thu”.

Anh Huỳnh còn cho biết, với 7 ngày vươn khơi, trung bình mỗi lao động được chi phần từ hơn 3 triệu đồng/người. Đó là chưa kể việc thu nhập riêng, trong thời gian rảnh rỗi của ngư dân.

Anh Thái Hiền, ngụ tỉnh Kiên Giang – ngư dân đi bạn cho ông Huỳnh, vui vẻ: “Chuyến này tôi thu nhập khoảng 5 triệu. Trong đó có hơn 1,5 triệu đồng từ việc câu mực trong lúc chờ kéo lưới”. Theo anh Hiền, khi đã thả lưới xong và trong thời gian chờ kéo lưới, thì ngư phủ có quyền làm việc riêng như, câu cá, câu mực để tăng thu nhập. Việc này, ngư phủ câu được bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu, chứ không ăn chia với chủ tàu.

Sau những chuyến biển trúng mùa, trúng giá, ngư dân địa phương tất bật chuẩn bị ngư cụ để mở rộng ngư trường đánh bắt. Theo dự kiến của chính quyền địa phương, trong thời gian tới, ngư dân sẽ tiếp tục trúng mùa. Đây được xem là thời điểm “vàng” để ngư dân vươn khơi đánh bắt.

11-13-45_ngu_dn_phn_loi_c_de_bn_cho_cc_vu_thu_mu
Ngư dân phân loại cá để bán cho các vựa thu mua

Trao đổi về tình hình khai thác, đánh bắt xa bờ ở địa phương, ông Trần Thanh Đồng, PCT UBND xã Tân Ân đánh giá: “Sản lượng khai thác thủy sản xa bờ của địa phương trong những tháng đầu năm tăng cao. Những ngày qua, bà con liên tiếp trúng mùa cá thu, với sản lượng lớn. Giống như mọi năm, thời gian này là thời điểm vàng để ngư dân đánh bắt góp phần phát triển kinh tế, làm giàu cho xã hội”.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.