| Hotline: 0983.970.780

Được mùa, được giá

Thứ Sáu 06/12/2013 , 09:31 (GMT+7)

Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định: Vụ tôm nước lợ năm nay cả nước đều được mùa, được giá.

Hôm qua (5/12), tại TP Vinh, Tổng cục Thủy sản phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức hội nghị Tổng kết nuôi tôm nước lợ các tỉnh phía Bắc năm 2013 và đề ra phương hướng nhiệm vụ 2014. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Vũ Văn Tám tới dự và chỉ đạo.

Ông Bùi Đức Quý, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết: Năm 2013 ngành thủy sản phải đối mặt với nhiều khó khăn về thời tiết, xâm nhập mặn, mưa bão, lũ lụt và nhất là bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm diễn biến phức tạp, người nuôi phải đối mặt giá thức ăn, giá giống tăng cao, khó tiếp cận vốn ưu đãi... đã ảnh hưởng lớn đến kết quả nuôi tôm.

Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cộng với sự lao động cần cù, sáng tạo của người dân nên kết quả NTTS năm 2013, đặc biệt là lĩnh vực nuôi tôm vẫn đạt kết quả khả quan. Tôm được mùa, được giá, các địa phương đã chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh.


Thu hoạch tôm tại Cửa Hội, Nghệ An

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT các tỉnh, tính đến 22/11/2013, tổng diện tích nuôi tôm cả nước đã đạt 652.612 ha (bằng 99,2% so với cùng kỳ năm 2012). Trong đó diện tích nuôi tôm sú 588.894 ha, tôm thẻ chân trắng 63.719 ha. Sản lượng tôm nước lợ thu hoạch đạt 475.854 tấn (tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái).

Trong đó tôm sú đạt 232.853 tấn, tôm thẻ chân trắng 243.001 tấn. Các tỉnh có sản lượng tôm lớn là Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Nam... Nhờ được mùa và được giá nên giá trị XK của tôm năm nay đạt 2,5 tỷ USD (tăng 33% so với cùng kỳ năm trước) và chiếm tới 44% tổng giá trị XK thủy sản của cả nước.

Theo TS Lê Văn Khoa, Cục Thú y, tuy dịch bệnh trên tôm nước lợ xảy ra tại nhiều địa phương, song chỉ bằng 49% so với cùng kỳ năm 2012. Đó là nhờ người nuôi đã có sự đầu tư thỏa đáng theo hướng thâm canh, công nghiệp. Ý thức phòng chống bệnh từ việc sử dụng con giống, thuốc thú y, thức ăn đều có nguồn gốc rõ ràng; nhất là việc áp dụng KHKT vào quá trình nuôi.

Năm nay, chính quyền các cấp và cơ quan chuyên môn cũng chỉ đạo tích cực và quyết liệt hơn nên sản lượng tăng cao kèm theo giá tôm tăng mạnh nên người nuôi đều có lãi...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định: Vụ tôm nước lợ năm nay cả nước đều được mùa, được giá. Mặc dù diện tích không tăng nhưng sản lượng lại tăng cao. Trong đó sản lượng tôm thẻ chân trắng đã “lật kèo” được tôm sú... góp phần tăng kim ngạch XK tôm lên 2,5 tỷ USD.

 Có được kết quả ấy, lãnh đạo Bộ đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực của các nhà khoa học, chính quyền các cấp và sự sáng tạo của người nuôi tôm ở các địa phương.

Theo Thứ trưởng, nguyên nhân đầu tiên khiến vụ tôm năm nay thắng lợi chính là nhờ yếu tố thị trường cả trong và ngoài nước, kể cả thị trường Nhật, Mỹ và EU đều tốt, sau khi Việt Nam vượt qua rào cản của luật bán chống phá giá của Mỹ và các nước đã mở đường cho con tôm vào thị trường họ rất thuận lợi.

Nguyên nhân thứ hai, sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ và Tổng cục Thủy sản khiến các nhà khoa học vào cuộc tìm ra sớm nguyên nhân gây bệnh và đề ra các giải pháp phòng chống dịch có hiệu quả. Từ đó, địa phương đưa ra nhiều hình thức phòng chống dịch bệnh sáng tạo và linh hoạt...

Để vụ tôm năm 2014 tiếp tục giành thắng lợi, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Thủy sản và các địa phương phải nhận định đúng tình hình thị trường của năm 2014. Đến thời điểm hiện nay vẫn có tín hiệu tốt từ thị trường Mỹ - Nhật - EU và cả Trung Quốc.

Tuy nhiên, riêng thị trường Trung Quốc phải chuyển từ hình thức XK tiểu ngạch, biên mậu hiện nay sang XK chính ngạch để giảm tình trạng “nóng”, “lạnh” đột ngột ở thị trường này.

Cùng với đó là phải kiểm soát tốt dịch bệnh từ bệnh đốm trắng, hoại tử gạn tụy cấp và đầu vàng... đồng thời phải lường trước những rủi ro khác về thị trường và thiên tai để đối phó kịp thời.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám đưa ra 2 nhóm giải pháp phải triển khai ngay trong năm 2014. Nhóm giải pháp chỉ đạo SX, Thứ trưởng lưu ý phải tăng cường thông tin dự báo thị trường và cảnh báo dịch bệnh kịp thời đến người nuôi để chủ động phòng chống dịch; Xây dựng và quản lý tốt quy hoạch nuôi tôm nước lợ trên phạm vi toàn quốc;

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào; đặc biệt là con giống từ tôm bố mẹ đến tôm nuôi trước khi đến tay người dân; Quản lý tốt lịch thời vụ, khung thời vụ cho từng vùng miền và đẩy mạnh phòng trừ dịch bệnh theo hướng an toàn sinh học...

Về nhóm giải pháp chuyên môn, kỹ thuật, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu sâu về bệnh hoại tử gan tụy để giúp các địa phương hiểu cặn kẽ dịch bệnh này và đề ra các giải pháp phòng chống hiệu quả nhất.

Áp dụng các quy trình nuôi tôm thâm canh khoa học, đạt kết quả cao, nhất là nuôi tôm nghịch vụ tại các tỉnh phía Nam. Đề nghị 3 viện nghiên cứu NTTS phối hợp nghiên cứu để làm sao Việt Nam SX được giống tôm thẻ chân trắng giúp các địa phương chủ động SX.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất