| Hotline: 0983.970.780

Được mùa trong khó khăn

Thứ Ba 28/05/2013 , 10:15 (GMT+7)

Dù gặp nhiều khó khăn do sâu bệnh, chuột và lốc xoáy, mưa đá, song vụ ĐX 2012 - 2013 Quảng Bình vẫn được mùa.

Dù gặp nhiều khó khăn do sâu bệnh, chuột và lốc xoáy, mưa đá, song vụ ĐX 2012 - 2013 Quảng Bình vẫn được mùa. Năng suất lúa trên cánh đồng mẫu lớn (CĐML) đạt 75 tạ/ha, cao hơn bình quân chung toàn tỉnh 18 tạ/ha.

Nông dân phấn khởi

Vụ này Quảng Bình gieo cấy hơn 28.600 ha lúa, với các giống như X21, X23, NX30, T6, HT1, IR504-04. Nhiều địa phương đưa các giống lúa chất lượng cao như P6, Q4, lúa lai vào SX, năng suất đạt bình quân 57 tạ/ha, vượt 5% so kế hoạch đề ra.

Một số huyện có năng suất cao như Lệ Thủy 62 tạ/ha, Quảng Ninh 58 tạ/ha, Bố Trạch 54 tạ/ha. Đặc biệt huyện Lệ Thủy có 6 xã đạt 65 tạ/ha trở lên. Theo ông Nguyễn Cẩm Lâm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch, vụ ĐX năm nay, toàn huyện gieo trồng trên 6.300 ha cây lương thực, trong đó hơn 5.300 ha lúa, ước đạt năng suất 54,4 tạ/ha, tăng 2,4 tạ/ha so với kế hoạch và tăng 0,9 tạ/ha so với vụ ĐX năm ngoái.

Một địa phương vốn có “truyền thống” mất mùa như xã vùng núi Lâm Trạch cũng "mở mày mở mặt" vì năng suất đã đạt đến con số 48 tạ/ha. Ông Nguyễn Sĩ Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Trạch hồ hởi: “Đây là năm được mùa toàn diện của bà con. Những năm trước năng suất cứ lẹt đẹt đứng cuối bảng. Năm nay chúng tôi lên tốp trên trung bình. Cứ đà này, bà con phấn khởi thâm canh đưa năng suất lên nữa”.


Cánh đồng mẫu lớn cho nông dân nhiều lợi ích

Có lẽ “nuối tiếc” nhất là huyện Quảng Ninh. Toàn huyện gieo cấy gần 5.000 ha lúa. Các địa phương trong huyện thực hiện nghiêm túc đề án chuyển đổi cơ cấu bộ giống theo phương châm giảm tỷ lệ giống dài ngày; tăng tỷ lệ giống trung và ngắn ngày P6, XT28, TBR1, HT1...

Nhận định mưa ít, không có lụt bão xảy ra, vì vậy các loại sâu bệnh và chuột sẽ phát triển mạnh nên huyện đã có phương án đối phó. Ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết: “Huyện đã trích ngân sách trên 600 triệu đồng mua 9 tấn bả sinh học Biorat, Ratk hỗ trợ cho địa phương diệt chuột. Ngoài dùng bả, nông dân còn sử dụng tất cả mọi biện pháp để đối phó với giặc chuột. Các đợt ra quân diệt chuột thủ công đã tiêu diệt trên 36.000 con”.

Đến gần cuối tháng 5, toàn huyện đã gặt hơn nửa diện tích. Năng suất bình quân ước đạt 57 tạ/ha. Trên cánh đồng Ông Đùng (xã Gia Ninh), nông dân Hoàng Văn Phúc lái máy gặt liên hợp thu lúa từ sáng tinh mơ cho đến tận trưa. Ông chia sẻ: “Vụ ĐX ni nói chung là thắng lợi vì khó khăn đủ điều, nhưng xét về kinh tế thì cũng có lãi chứ không lỗ. Vậy là vui rồi”.

CĐML vượt trội

Nông dân vựa lúa huyện Lệ Thủy cũng đang hối hả tranh thủ thời tiết để thu hoạch nhanh vụ ĐX và triển khai vụ HT. Ông Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện nhận định: “Nhìn chung vụ này năng suất và sản lượng có giảm so với vụ ĐX trước, nhưng vẫn vượt kế hoạch đặt ra trên 2.000 tấn. Để có được kết quả phấn khởi này, các cán bộ từ huyện đến xã, thôn luôn bám đồng để đốc thúc, chỉ đạo bà con tích cực chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh... Ngoài ra, Lệ Thủy đã tập trung nâng tỷ lệ sử dụng bộ giống cấp I từ 30 lên 37%, chủ lực là giống lúa P6 và PC6”.

“Giá lúa tại Lệ Thủy hiện ở mức trung bình 5.000 đ/kg. Nhưng nếu hợp đồng với Cty CP TCty Nông nghiệp Quảng Bình thì lợi nhuận của nông dân tăng lên rất nhiều. Năm tới, chúng tôi có kế hoạch cụ thể với Cty để tăng diện tích CĐML lên 150 - 200 ha. Đó cũng là cách để hạt lúa của nông dân trở thành hàng hóa đích thực", ông Nguyễn Cao Côi, Chủ tịch UBND xã Phong Thủy.

Lệ Thủy cũng là địa phương đầu tiên triển khai CĐML của tỉnh Quảng Bình. Năm đầu tiên đưa 80 ha diện tích ở xã Phong Thủy vào thực hiện thí điểm triển khai CĐML SX giống lúa cấp I. Ông Nguyễn Cao Côi, Chủ tịch UBND xã Phong Thủy giọng vui: “Theo đánh giá, năng suất bình quân trên CĐML đạt 75 tạ/ha. Có thửa đạt đến 77 tạ/ha. Theo hợp đồng thì Cty CP TCty Nông nghiệp Quảng Bình sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con” .

Cánh đồng Phong Thủy rực lên dưới nắng. Bà con hối hả kẻ gặt người xốc lúa lên bờ để xe công nông, xe bò kéo đưa lúa lên đường lớn. Trên đó, mấy chiếc máy tuốt thi nhau chạy rầm rĩ. Ông Nguyễn Xuân Bé, đội trưởng Đội 3 (xã Phong Thủy) tranh thủ ngơi tay vào tránh nắng dưới rặng cây keo lai sát bìa ruộng, trò chuyện: “Bà con tham gia CĐML được 3 cái lợi. Đó là được ưu tiên hỗ trợ giống, thuốc BVTV, phân bón; được chuyển giao TBKT và cái được nhất là sản phẩm được bao tiêu với giá cao, ổn định”.

Cũng theo ông Bé, sở dĩ năng suất của CĐML vượt trội là người nông dân thấy được sự chắc chắn nên có đầu tư hơn về chế độ thâm canh. Nếu mỗi ha được 7 tấn thóc bán giá thị trường 5 triệu đồng/tấn thu 35 triệu đồng. Người nông dân lãi khoảng 15 triệu đồng. Nhưng tham gia CĐML giá mua là 6 triệu đồng/tấn thì có lãi 22 triệu đồng.

Xem thêm
Mang Yang là nơi rất tốt để phát triển đàn bò sữa

Khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành, nguồn nước sạch…, là những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển bò sữa ở Mang Yang, Gia Lai.

Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Bình Định lên phương án né hạn cho vụ hè thu

Bình Định đang lên phương án chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, tập trung vận động người dân tiết kiệm nước để đảm bảo thắng lợi vụ hè thu 2024.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.