| Hotline: 0983.970.780

Đường đời lẫm chẫm (Kỳ 3)

Thứ Tư 04/02/2015 , 06:20 (GMT+7)

Tôi đã có lần kể cho bạn nghe, làng tôi được cụ Nguyễn Công Trứ quy hoạch, mỗi hộ một mẫu (vuông 60 bước chân mỗi bề, gọi là một đạc) đào ao vượt thổ trồng tre gai ngăn đất nhà nọ với nhà kia./ Đường đời lẫm chẫm (Kỳ 2)

Đào sông Cá, sông Cua, sông Xã với mấy mươi con sông nhỏ hơn mang nước đến hoặc tải nước úng lụt đi chi chít khắp mọi cánh đồng; nạo vét chua mặn đổ ra biển Đông. Nhờ một tầm nhìn xa rộng của tiền nhân, giờ đây làm nông thôn mới, làng chúng tôi không mất công quy hoạch lại. Chỉ nạo vét sông đắp đường rộng ra, rải đá, bê tông mặt đường, xong.

Con sông Xã vừa được kè đá bai bên, nó rộng bằng sông Tô Lịch bây giờ, nhưng trong xanh soi mây trời lồng lộng. Tiền nhân chúng tôi vuông vức trong tư duy, khoáng hoạt ở đời sống vốn đất rộng sông dài và thật dũng mãnh trong lao động khai khẩn.

Những cái đó truyền vào máu, qua ý thức di truyền mà thành tính cách. Vì vậy chăng mà mỗi khi cảm thấy chật chội, bí bức là lập tức tìm cách di cư: Lên Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái hay Lai Châu, Điện Biên; vào Đắc Nông, Đăk Lăk, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre hay thậm chí là Sài Gòn, Hà Nội… nơi đâu cũng có người Đông Trà (huyện Tiền Hải, Thái Bình).

Nếu đã có thể nói, dân Thái Bình ở bên ngoài đông hơn người còn ở Thái Bình; thì cũng nên nói thêm, dân Đông Trà ở các nơi nhiều hơn cư dân hiện còn ở xã. Riêng tại Hà Nội, hội viên Hội đồng hương Đông Trà của tôi đã hơn một trăm người, ba bốn trăm con cháu họ nữa. Đấy là chưa kể những người còn bận làm ăn, chưa tính việc vào hội.

Chủ tịch hội chúng tôi, ông Phạm Văn Quyết có hẳn một triết lý sống: Trăm nẻo đường đi chỉ có một lối về. Hội hằng năm gặp nhau, giúp nhau khi hoạn nạn, khi chết cho một chuyến xe chở di hài về quê. Khi sống, làng xã có công to việc lớn, hội quyên tiền gửi về gom góp. Những người Đông Trà xa quê mấy năm qua đã góp sức xây được ngôi trường tiểu học khoảng hơn 4 tỷ đồng. Không biết đã có thể nói chúng tôi là những kẻ ly hương có hiếu với quê hương?

Cuối năm ngoái, UBND tỉnh Thái Bình đã ra quyết định công nhận Đông Trà đã cán đích mục tiêu Nông thôn mới. Các chú lãnh đạo xã hứa hẹn sang Xuân mở hội làng, lại có bơi chải. Nhất định tôi phải về, bận đến mấy cũng phải về.

Có đường rộng phẳng lỳ, cư dân làng tôi mà phần lớn là thanh niên, đang lập nên một kiểu phố làng nào đấy, nhà ống bám mặt đường. Tốc độ, màu sắc, đồ đắt tiền và hiệu quả mì ăn liền đang hấp dẫn họ.

Xin cứ mặc họ, không ai khuyên răn nổi họ đâu, ngay cả tôi hồi đã hơn 40 tuổi vẫn còn mong muốn xẻ lấy một góc Hà Nội mang về biếu quê là gì? Nhưng về cơ bản, mỗi hộ làng tôi vẫn là một mẫu tư điền với bảy sào ruộng bao quanh thổ cư thổ canh lập từ gần hai trăm năm trước.

Sau năm 1975, bố con tôi chợt nhận ra, làng thưa vắng người, bố mẹ đã già yếu, bèn hồi hương về mua lại thổ ngơi cũ của ông bà nội. Làng vẫn như xưa trừ có các bờ rào tre gai không còn. Có người nói tiếc, có người nói không.

Tiền nhân dạy: Rừng trẻ là rừng tạp, thành thục ở rừng gỗ lim gỗ táu, tàn kiệt ở tre. Bóng tre trùm mát rượi, lãng mạn thật, nhưng làm cho đất kiệt cùng đi cũng là tre vậy. Để ý thấy bọn trẻ bây giờ cũng bắt chước gọi là canh cua đồng, chứ không phải canh rốc nấu mùng tơi.

Than ôi, quả thật người thành phố gọi là cua đồng nghe có nhã hơn gọi thẳng là rốc; nhưng còn lâu họ mới thoát khỏi cảnh ăn rốc nuôi pha với bã đậu phụ.

Nhân nói đến rốc, chợt nhớ một thời thuốc trừ sâu cỏ Trung Quốc tàn phá tôm cua, đến đỉa cũng không thể sống; cò quốc ngửi thấy mùi chết chóc đã bỏ đi đâu hết cả. Bố tôi đêm thức giấc chợt nhớ đã rất lâu rồi không còn nghe tiếng vạc rơi trong sương.

Hôm sau ông nói với ông em họ làm trưởng thôn rằng, ông nhận lời với làng, lập nên hội tế nữ quan, tế ngu, tế thành phục. Tôi hỏi tự nhiên sao bố lại muốn phục chế nếp cũ? Ông nói hãy bắt đầu từ cái chết, anh sẽ vỡ ra được nhiều điều.

Quả nhiên mấy năm sau, khi theo trống lệnh của phường bát âm trao khăn mặc áo lễ xong, dẫn đầu các em vào tế thành phục cho bố, theo các nghi thức dâng hương, dâng rượu đã được nghi lễ hóa, tôi thấy con người được nâng niu trân trọng; nhất là khi phục vị nghe đọc khấn chúc, tôi nghe thấy một bài ca về sự sống con người theo nhịp ba bốn, thong thả, rất thong thả ấy là nhịp sinh học của những kiếp người.

Vậy nên, khi nghe tin Vương quốc Putan - một nước nghèo lắm nhưng lại là nước hạnh phúc nhất thế gian, tôi giác ngộ liền. Khi tâm thế tiền nhân hóa thân vào con cháu, cư dân làng tôi đã tạo nên những thửa ruộng sạch. Nhờ thế mà cua rốc lại sinh sôi, rạm nước lợ cũng sinh đàn đẻ lũ. Trẻ con bây giờ còn mải đi học thêm, học hè, không được đi úp vàng tháng bẩy, đi câu tháng tám, không được đi tát tháng mười, đi hôi cá tát đầm một chạp.

Nhờ thế, mỗi cuối năm về, tôi hay được ăn cá chuối to bằng bắp chân nướng trên than một nửa ngày mới chín. Tôi đã ăn cá lóc bọc bùn đốt rơm thấy đã là ngon, nhưng ngon sao bằng cá chuối nướng than cho chín từ từ, chín âm ỷ từ tiền nhân truyền lại cho con dân làng tôi!

Dăm bảy năm qua tôi đặt mua thóc tám theo mùa, tháng tháng em dâu xát gạo gửi lên; dặn các cháu mua cá đuối tháng hai cá mòi tháng tám, mua rồi kho vùi than trấu qua đêm, mai sớm gửi xe rồi gọi cho bác ra bến xe lấy.

Còn rau, cua, cáy thì hễ có là gửi. Tôi đã đãi bạn người Hà Nội gốc bằng rạm rang, trứng cáy hấp xì dầu ăn với hành luộc cả chục năm sau còn thỉnh thoảng gọi điện tấm tắc. Mỗi lần các cháu đánh bắt được con cá vược mấy cân, cá trắm đen đánh ở sông đầm gửi lên “biếu”, tôi lại gọi con cháu đến.

Đầu đuôi ruột cá nấu dấm mẻ hoa chuối, thân cá nhồi ngải non hấp chín tới thế là bố con ông cháu nhẩn nha uống rượu, uống thật nhẩn nha cho thấm hết vị của làng quê.

Tôi là một lão phu làng quê sống đời bình dân ở Hà Nội. Khi đã ngà ngà, bao giờ tôi cũng thương những tất bật lo toan, thương những vội vàng chụp giật hay mưu mẹo mánh lới. Và để tránh khỏi viết nên câu dễ khiến người Hà Nội thương tổn, tôi ngâm hai câu thơ Lý Bạch:

Mấy ai nghìn tuổi trên đời

Hay là chen chúc một hồi rồi đi?

Vâng, làng tôi, ấy là Chân trời của tôi. (Hết)

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất