| Hotline: 0983.970.780

Đường nhiếp ảnh Kim Côn

Chủ Nhật 26/05/2019 , 07:10 (GMT+7)

Kim Côn (1931-2010) là một trong số những nghệ sĩ nhiếp ảnh có vinh dự được chụp ảnh Bác Hồ từ rất sớm tại ATK Việt Bắc năm 1950.

08-00-59_hcm_-_sm_son_-_kc
Bác Hồ kéo lưới với ngư dân Sầm Sơn (5/1960). Ảnh: Kim Côn.

Ông là tác giả của phóng sự ảnh Bác Hồ kéo lưới với ngư dân Sầm Sơn - Thanh Hóa (1960) nổi tiếng, đồng thời cũng là giảng viên những khóa đào tạo nghệ sĩ nhiếp ảnh và quay phim đầu tiên của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh ngày nay.
 

Từ người chiến sỹ trinh sát…

Kháng chiến toàn quốc, Kim Côn với tên mới là Nam được chuyển sang quân báo, thuộc Bộ chỉ huy mặt trận đường 5. Mấy năm sau, ông được điều động vào Kim Tân, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây mới lập Trại giam Tự Cường. Kim Côn phụ trách đời sống và văn nghệ của trại.

Giữa năm 1950, cụ Hồ Tùng Mậu, Trưởng ban Thanh tra của Chính phủ đi thị sát vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh. Cụ ghé đến Trại giam Tự Cường. Cụ khen ngợi trại tăng gia sản xuất giỏi, tự túc được đời sống cao. Nhưng khuyết điểm là xóa nhòa, không có ranh giới giữa phạm nhân đang cải tạo với nhân viên làm nhiệm vụ cải giáo… Cụ quyết định điều động Nguyễn Kim Côn về Ban Thanh tra của Chính phủ.

Mùa thu năm 1950, sau chiến dịch Biên giới, Kim Côn ra tới ATK Việt Bắc, cụ Hồ Tùng Mậu tạm gửi ông ở "Ban kiểm tra 12", rồi cụ đi tiếp lên Bắc Kạn…

Ở lại "Ban kiểm tra 12", Kim Côn chưa biết đây là cơ quan gì. Ông thích thú cơ quan này có bộ phận nhiếp ảnh. Ông lân la với đồng chí phụ trách tổ nhiếp ảnh.

Thấy cậu con trai trạc hai mươi, trắng trẻo, lanh lợi, thành thạo công việc "phó nháy", đồng chí phụ trách nhiếp ảnh đã mách nước cho đến gặp ông Vũ Đình Huỳnh.

Kim Côn được ông Vũ Đình Huỳnh nhận bổ sung vào tổ nhiếp ảnh của cơ quan "Ban kiểm tra 12". Nhưng lúc cụ Hồ Tùng Mậu trở lại, Kim Côn đề đạt nguyện vọng ở lại làm công tác nhiếp ảnh, cụ nghiêm giọng:

- Cháu Nam này, bác điều động cháu từ Thanh Hóa ra đây để cháu làm việc ở Ban Thanh tra Chính phủ chứ đâu phải để cháu làm nhiếp ảnh?

- Dạ thưa bác, cháu mơ ước được cầm máy ảnh từ bé. Và cháu đã biết chút ít cái nghề này. Xin bác cho cháu được…

Cụ Hồ Tùng Mậu lặng lẽ giây lát:

- Bác để cháu suy nghĩ kỹ. Mười ngày nữa cháu trả lời bác nhé.

Đúng mười ngày, Kim Côn gặp cụ Hồ Tùng Mậu. Thấy Kim Côn thực sự tha thiết nghề nhiếp ảnh, cụ ân cần:

- Bác rất muốn được cháu giúp việc cho bác. Nhưng tìm được nhân viên thư ký không khó khăn lắm. Bác rất yêu, rất quý những người có tâm hồn, có năng khiếu nghệ thuật, ước mơ sáng tạo. Bác chúc cháu thành "một nghệ sĩ chiến sĩ".

Kim Côn được ở lại "Ban kiểm tra 12" (mật hiệu của Văn phòng Chính phủ) với tên gọi mới là Nam. Sau đó ông được vào làm phóng viên nhiếp ảnh của Bác Hồ do nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định làm tổ trưởng chuyên trách chụp ảnh Bác.
 

Đến nghệ sỹ nhiếp ảnh Kim Côn

Từ cái duyên được cụ Hồ Tùng Mậu đưa lên ATK, gửi ở "Ban kiểm tra 12", ông lại được gặp Hồ Chủ tịch, để rồi ông trở thành người nghệ sĩ chiến sĩ giàu ước mơ và có tâm hồn sáng tạo.

Tại ATK Tân Trào, châu Tự Do, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, người đầu tiên Kim Côn gặp là ông Trần Quý Kiên - Bí thư Liên tỉnh Quảng Yên - Hồng Gai. Kim Côn lờ đi như không quen biết, dù trước đó ông vốn là lính trinh sát an ninh. Trong suy nghĩ của một thanh niên tuổi hai mươi ngày đó, Kim Côn phòng sẵn sau này có chuyện gì ông Trần Quý Kiên ưu tiên giải quyết thì mình khỏi mang tiếng "há miệng mắc quai".

08-00-59_kim_con_1951
NSNA Kim Côn (1931-2010) ngồi giữa tại chiến khu Việt Bắc (1951).

Một sáng ông Trần Quý Kiên gọi Kim Côn lại nhờ cậu bê liễn cháo lên để Bác Hồ, anh Tô (tức Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng) cùng đồng chí Lê-ô Phi-ghe (đặc phái viên Đảng Cộng sản Pháp sang Việt Nam) sau khi nghe ông Vũ Đình Huỳnh đọc “Buy-lơ-tanh” xong sẽ ăn sáng.

Cháo nóng quá, đi được vài bước, Kim Côn lại đặt xuống vẫy tay cho khỏi nóng, không ngờ Bác nhìn thấy từ xa. Khi cháo được bưng đến bàn ăn, Bác cười:

- Cháu Nam! Bưng cháo nóng thì phải đặt vào cái đĩa hay cái rá chứ.

Kim Côn cười trừ. Chiếc máy ảnh Zesikon mà Kim Côn đeo bên quai đeo bị tuột ra.  Bác nhìn thấy, Người hỏi vui:

- Cháu có biết chụp ảnh à?

- Dạ, cháu chụp tốt ạ.

- Thế thì… cháu chụp cho Bác và đồng chí Lê một kiểu xem nào.

Không ngờ Bác dành cho mình được "độc quyền" chụp ảnh. Chớp nhanh trong một giây không chút do dự, Kim Côn đứng ngay vào tư thế, nâng máy ảnh lên bấm một cách mau lẹ! Thao tác rất nhanh, ra vẻ "lành nghề lắm", Kim Côn bấm máy chụp Bác Hồ đang cười tươi...

Đó là tấm ảnh quý, tấm ảnh "đầu tay" mà Kim Côn đã chụp về Bác năm 1950.

Sau một đêm gần như thức trắng để phóng xong bộ ảnh, kịp gửi đến các cơ quan và các đơn vị bộ đội. Trời vừa hửng sáng, Kim Côn vớt mẻ ảnh và phóng đưa ra thác Rẫng - nơi Văn phòng Chính phủ đóng tại Việt Bắc - xả nước. Ông cảm thấy buồn, vì trong số ảnh vừa rọi, có những chiếc phủ một màu xám xịt. Đang mải mê suy nghĩ để tìm xem lỗi ở khâu nào? Bỗng nghe tiếng động có chân người bước đến, Kim Côn vội nhìn lên, miệng lắp bắp:

- Chào Bác ạ!

Thì ra, khi tập thể dục xong, biết Kim Côn đang xả nước rửa ảnh, Bác đã lặng lẽ đến xem. Như hiểu được nỗi băn khoăn của người nghệ sĩ trẻ măng, Bác mỉm cười, rồi chỉ vào bức ảnh xám nói:

- Tấm ảnh này bị gờ-ri (gris: xám), là tại chú rọi non sáng quá đây mà. Phải răng-phóoc-xê (renforser: do phóng non ánh sáng, phải ngâm lâu trong thuốc hiện).

Nhiếp ảnh sang Điện ảnh

Kim Côn sinh tại xã Đằng Giang, huyện An Hải, thành phố Hải Phòng, lên chín, đang là học sinh tiểu học ông đã theo đám đàn anh từ làng Nam Pháp vào thành phố Hải Phòng nghe ca sĩ, nhạc sĩ Phạm Duy ôm ngược đàn ghi ta hát “Buồn tàn thu” của Văn Cao… Rồi ông nhập vào dòng thác của Cách mạng Tháng Tám 1945, nhận công tác đầu tiên là chiến sĩ trinh sát của Ty Liêm phóng Hải Phòng với khẩu súng ngắn theo tinh thần "hiệp sĩ Văn Cao" diệt ác, trừ gian, bảo vệ chính quyền nhân dân.

Sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Kim Côn là hội viên sáng lập Hội Điện ảnh Việt Nam và Hội Nhiếp ảnh Việt Nam rồi chuyển sang "cầm máy to hơn". Ông trải qua nhiều công tác: Giảng viên nhiếp ảnh Trường Điện ảnh và Kịch nói Việt Nam (1961), giảng viên nhiếp ảnh - giáo viên chủ nhiệm các khóa quay phim chống Mỹ, cứu nước (1965 - 1971 và 1973), phóng viên quay phim mặt trận (1971-1972), giáo viên chủ nhiệm lớp đại học quay phim đầu tiên - Trường Điện ảnh Việt Nam, đi làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia (1979), giáo viên chủ nhiệm Đại học quay phim (1982). Ông nghỉ hưu năm 1985.

NSNA Kim Côn qua đời ngày 15/11/2010, hưởng thọ 80 tuổi. Ông đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy chương Vì sự nghiệp Văn phòng Chính phủ, Huy chương Vì sự nghiệp Điện ảnh Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp Nhiếp ảnh Việt Nam…

(Kiến thức gia đình số 21)

Xem thêm
Mỹ Tâm xin lỗi fan

Mỹ Tâm đã phải livestream xin lỗi khán giả sau khi hệ thống bán vé của concert 'My soul 1981' sập chỉ sau một vài phút mở bán.

Bayern Munich vs Arsenal: Hùm xám giành vé?

Trận tứ kết Champions League 2023/2024 giữa Bayern Munich vs Arsenal sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 18/04/2024 trên sân vận động Alianz Arena.

U23 Việt Nam thắng 3-1 U23 Kuwait: Càng đá càng hay

U23 Việt Nam đã có chiến thắng quan trọng mở màn chiến dịch VCK U23 Châu Á trước U23 Kuwait vởi tỷ số 3-1.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.