| Hotline: 0983.970.780

Duyên nợ "mõ làng"

Thứ Tư 15/12/2010 , 10:00 (GMT+7)

"Làm truyền thanh xã cũng giống như mõ làng thời xưa vậy..." - anh Võ Văn Tèo, nhân viên Đài Truyền thanh xã Long Vĩnh nói vui.

Chị Phan Thị Thu Lan, nhân viên Đài Truyền thanh xã Yên Luông đang đọc bản tin thời sự

"Nghề này cũng giống như mõ làng thời xưa vậy. Hằng ngày, bất kể nắng, mưa, mình phải có nhiệm vụ kịp thời đưa tin tức, thông báo của địa phương cho bà con biết”, anh Võ Văn Tèo, nhân viên Đài Truyền thanh xã Long Vĩnh (Gò Công Tây, Tiền Giang) tâm sự.

Duyên nợ

Cơ ngơi của Đài truyền thanh xã Long Vĩnh là một căn phòng nhỏ nằm trong khuôn viên của UBND xã với bề bộn hệ thống máy móc phát thanh và các tài liệu thông tin, tuyên truyền. Loay hoay mở máy tiếp sóng chương trình phát thanh của Đài truyền thanh huyện lúc 17 giờ, anh Tèo nói khẽ: “Cứ đến hẹn lại lên, không xê dịch được. Mỗi ngày tiếp âm đài trung ương, tỉnh, huyện và đài xã. Sáng từ 5 giờ đến gần 7 giờ, trưa từ 11 giờ 30 đến 12 giờ 30, chiều từ 17 giờ đến 18 giờ. Rồi trong giờ hành chính phải lo đi họp, xuống cơ sở viết tin, bài”. Hằng này, anh Tèo phải làm từ hơn 4 giờ sáng, tới chiều tối mới về đến nhà.

Sau chương trình thời sự của Đài truyền thanh huyện là đến chương trình phát thanh của đài xã. Anh Tèo cầm micrô, đọc: “Đây là Đài truyền thanh xã Long Vĩnh! Mời các bạn nghe chương trình thời sự của đài chúng tôi...”. Giọng đọc đặc Nam bộ của anh Tèo khá truyền cảm. Chương trình phát thanh của xã Long Vĩnh được bố trí bài bản gồm 5, 6 tin ngắn và một bài ghi nhận hoặc một gương người tốt việc tốt do anh Tèo thực hiện. Sau phần thời sự là thông báo của “mõ xã”. Đại loại như thông báo về lịch cúp điện, tiêm ngừa vacxin, dịch bệnh gia súc, gia cầm...

Anh Tèo cho biết, đã hơn 25 năm gắn bó với nghề này nhưng anh vẫn cảm thấy rất xúc động mỗi khi ngồi trước micrô. Chẳng biết có mấy người chịu nghe và cũng có không ít người đang chửi thầm mình vì bị “tra tấn” bởi những âm thanh đinh tai, nhức óc. Nhưng anh vẫn nghĩ rằng, làm cái công việc đưa thông tin nóng hổi đến với mọi người dẫu chỉ qua loa truyền thanh cũng là một công việc có ý nghĩa.

Năm 1979, do hoàn cảnh gia đình, học hết lớp 9, anh trai làng của vùng quê Long Vĩnh đành dở dang việc học, từ bỏ ước mơ làm nhà báo của mình để tham gia công tác tại địa phương. Chàng trai trẻ đã quyết định chọn nghề văn hoá thông tin, truyền thanh xã hoàn toàn lạ lẫm với mình xuất phát từ suy nghĩ “dù gì thì cũng là làm báo”. Nói là nói vậy nhưng anh Tèo cũng phải suy nghĩ rất nhiều khi lắm người dè bỉu: “Bộ hết việc làm rồi sao mà đi ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Có hay ho gì đâu cái nghề mõ làng. Lương thì ít mà phải eo éo đọc suốt ngày”.

Chàng thanh niên nông thôn cứ mỗi bận đi làm về nhà, gác tay lên trán nằm trăn trở. Nhưng cũng có người khuyên: “Thôi, bước đầu cứ làm ở đây trước rồi tiếp tục đi học, sau đó tính tiếp”. Ai dè chuyện tạm thời lại gắn bó luôn mấy chục năm trời. Vừa làm vừa học. Anh Tèo đã tốt nghiệp cấp 3. Anh quen dần với việc vận hành máy móc và kiêm luôn việc sửa chữa nhỏ mỗi khi máy phát “trái gió trở trời”.

Ban đầu căng nhất vẫn là chuyện viết tin, bài. Lúc đầu anh Tèo viết tin xong mà chẳng biết có phải là tin hay không, viết rồi lại bỏ. Sau, anh mày mò tự học theo các tờ báo, cứ phải mượn sẵn mẫu rồi điền ngày, tháng, nội dung vụ việc vào. Mãi đến khi tham dự lớp tập huấn nghiệp vụ báo chí do Đài Phát thanh tỉnh tổ chức, anh mới biết “chút đỉnh" thế nào là tin, bài báo. Anh Tèo tâm sự, lúc đầu anh cứ nghĩ là làm truyền thanh xã thì cứ việc đọc các thông báo có sẵn của huyện, xã. Hoá ra cũng phải đi thực tế, tác nghiệp như là dân làm báo thực thụ, dẫu chỉ là vòng vòng trong mấy ấp.

Là xã vùng sâu, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông. Sáng sáng, chiều chiều mọi người đều đón nghe đài truyền thanh xã. Nhiều người còn xem đài truyền thanh như cái đồng hồ báo thức. Cứ mỗi sớm, khi nghe loa phát thanh, từng gia đình lại lục đục dậy nấu cơm, pha trà rồi chuẩn bị ra đồng... Một lần, anh vừa đạp xe cọc cạch về sau buổi phát thanh chuẩn bị buổi tối biễu diễn văn nghệ (anh cũng là cây văn nghệ của xã) gặp một cô thôn nữ cũng có “máu” văn nghệ như anh, rất ngưỡng mộ giọng đọc của "nhà báo làng". Thư qua, tin lại vậy là kết duyên vợ chồng.

Bị chửi mà vẫn vui

Riêng khu dân cư thị trấn, nhà cửa san sát, đời sống đô thị hoá, phương tiện thông tin đại chúng phổ biến. Nghề “mõ làng” lại bị chửi nhiều. Có người bực mình vì âm thanh chói tai đã âm thầm cắt đứt dây loa hay lén trèo lên cột bẻ cái loa chĩa sang nhà hàng xóm.

Khi nghe tôi hỏi niềm hạnh phúc nhất trong nghề là gì, xoay xoay cây viết trên tay, anh Tèo bộc bạch: “Nhiều khi đi xuống ấp đến tối, rồi phải thức viết bài để kịp phát sóng sáng mai, cũng uể oải lắm. Tuy vậy, chỉ cần gặp bà con trong xóm vỗ vai mình nói, hồi sáng mày phát cái bài nghe “đã” thiệt đó Tèo, là cảm thấy hạnh phúc lắm rồi”.

Anh cảm thấy hạnh phúc khi truyền tải những thông tin mới như là một món ăn tinh thần bổ ích đến với bà con. “Chú ơi cho tôi hỏi thăm lại địa điểm và lịch tiêm chủng mở rộng cho trẻ em để dẫn bé đến”, “Hôm nay có cúp điện không cậu, sao không nghe thông báo?”. “Cảm ơn chú nhiều lắm, nhờ chú thông báo lên đài mà có người tìm đến nhà trả lại giấy tờ tui bị đánh rơi”. Có những lần người dân tìm đến hỏi thông tin hay thắc thỏm chờ nghe thông báo của đài truyền thanh về việc cấp, đổi chủ quyền sử dụng đất hay thi công thuỷ lợi nội đồng, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm... Những lúc ấy, “mõ làng” lại trở nên cần thiết vô cùng.

Muốn làm “báo làng” thì ít nhất cũng phải tốt nghiệp cấp 3 hay trung cấp phát thanh. So với tất cả công việc ở UBND xã, phường, thị trấn thì làm truyền thanh lương thấp nhất (không có trong biên chế, các chế độ bảo hiểm), ít bổng lộc nhất, giờ giấc cũng tréo ngoe nhất và dễ... mặc cảm nhất vì lắm người dè bỉu. Nhưng, với anh Tèo, những khó khăn như vậy cũng chẳng làm anh nản lòng, bởi "mõ làng" với anh đó là duyên nợ.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất