| Hotline: 0983.970.780

Duyên tình xin hẹn kiếp sau

Thứ Ba 26/07/2011 , 14:27 (GMT+7)

Dẫu câu chuyện tình của anh Đỗ Văn Thế không kết thúc có hậu như trong phim nhưng nó vẫn khiến mỗi chúng ta rơi lệ.

Chúng tôi gặp thương binh nặng Đỗ Văn Thế tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành - Bắc Ninh. Dẫu câu chuyện tình của anh không kết thúc có hậu như trong phim nhưng nó vẫn khiến mỗi chúng ta rơi lệ. 

>> Họ đã yêu và sống

1. Âm thanh vo ve đập cánh của lũ ruồi khiến Đỗ Văn Thế mở hé mắt. Mình nằm đâu thế này? Đầu nghĩ, mắt cố mở to quan sát. May quá, người còn nguyên nhưng sao không hề nhúc nhích được? Một viên đạn bắn xuyên cột sống khiến cho anh dù cố mấy cũng chỉ ngóc được đầu dậy rồi lử lả đi. Từ ngón chân đến thắt lưng lạnh toát một hơi đồng. Cảm giác như đứt lìa một ½ thân thể.

Đồng đội đã rút hết, chỉ còn anh và một người lính trẻ bị thương nằm dưới một lùm cây. Cách nhau một quãng mà không thể bò lết lại. Trong mắt anh tàn cây, mây trời bỗng chốc quay mòng mòng. Thế lại lịm đi. Chiều nhọ mặt người, tiếng phành phạch xé rách không gian của trực thăng địch đổ quân ồ ạt khiến anh bừng tỉnh. Bước chân thình thịch, tiếng xì xồ mỗi lúc một rõ dần.

Một lính Mỹ lấy báng súng lật người anh lên như lật một đồ vật rồi hè nhau xúm lại xách quẳng lên trực thăng về sân bay Phú Bài mổ. Tỉnh dậy lần nữa Thế đã ở trại giam Biên Hoà- nơi giữ những tù nhân thương binh nặng, cụt chân, bại tuỷ.

2. Quê ở Ý Yên, Nam Định, cưới vợ vài tháng, năm 1964 anh lên đường tòng quân. Buổi tiễn, người vợ trẻ đưa đến tận bến phà Tân Đệ. Cô dúi vội cho chồng chiếc túi nhỏ bên trong có đựng mấy hộp dầu cao con hổ, cuộn chỉ, vài cái kim khâu rồi chỉ kịp dặn vài lời: “Anh đi cho khoẻ” đã òa khóc nức nở. Đoàn quân xuống phà đi như nước cuốn, mây trôi còn cô ngồi trên bờ, bậm chặt môi thẫn thờ nhìn bọt sóng.

Chiến dịch Mậu Thân 1968 anh Thế bị một viên đạn bắn xuyên tủy trong lúc cùng đồng đội rút gấp khỏi thành nội Huế. Biệt tích lâu ngày tại một chiến trường khốc liệt nhất, năm 1970 đơn vị tưởng anh hy sinh nên báo tử về địa phương cho xã đứng ra tổ chức lễ truy điệu. Bố mẹ anh khóc lên khóc xuống. Tuyết - vợ anh ốm rụng gần hết tóc đầu, người rũ tựa tàu lá héo. Cô nén đau để sống mà nuôi bố mẹ già thay chồng vừa chết trận.

 Thời gian nặng nề trôi đi, một hôm cũng vì thương con dâu nết na, hiền thục mà bố mẹ anh bảo cô rằng: “Con ơi dù sao thì thằng Thế nó cũng đã mất rồi. Phận gái sinh nở có thì, nếu có người nào thương yêu con thì con nên đi bước nữa. Thầy u cũng đã bàn rồi. Bây giờ ở vậy thì không sao, chỉ lo sau này về già, có chồng có con mới có nơi mà nương tựa”. Nghe đến đây Tuyết oà khóc, bố mẹ anh cũng đỏ hoe mắt sụt sùi.

3. Ở tù chỉ mong hoà bình từng giờ, từng phút. Đến lúc được trao trả anh lại bàng hoàng vì cám cảnh tàn tật. Ở tù chống chọi với vết thương và chế độ hà khắc của bọn cai ngục đầu óc có khi còn thanh thản nhẹ nhõm hơn khi lúc được trở về…Ngẫm số phận rơi vào ai, nấy chịu. Ra Bắc được vài tháng trời nhưng Thế vẫn giấu nhẹm, không muốn báo tin mình còn sống cho gia đình, Ban tiếp quản đành phải làm thay công việc.

Một buổi chiều muộn có ba người đến trại thương binh. Đó là vợ anh và hai đứa cháu ruột. Câu chuyện mừng mừng, tủi tủi nhưng ai nấy chỉ gượng gạo mấy lời: “Mẹ có khoẻ không? Anh em ai còn ai mất?”. Hôm sau tranh thủ lúc vợ anh ra ngoài, đứa cháu ghé tai nói nhỏ: “Chú ơi, mợ đi lấy chồng rồi”. Vốn đã hình dung ra điều ấy nhưng lòng sao cuộn lên từng đợt sóng. Tâm can như có ngàn vạn cái dằm châm.

Vợ anh khi đó mới thú thật đã lấy chồng, có con gái hai tuổi. Chị nức nở: “Em xin lỗi anh, em cứ nghĩ chúng mình chẳng còn ngày gặp mặt. Em thương anh, thương lắm… Giá mà anh trở về khoẻ mạnh lòng em đỡ đau đớn, xót xa, đằng này anh đau yếu quá. Hay là anh cho phép em xin nhà em trở về chăm sóc anh, vợ chồng mình sum họp”.

Bao nhiêu năm trời mà anh vẫn nhớ từng câu từng chữ trong cái buổi ngày hôm ấy. Anh hỏi chị: “Chồng em thế nào, anh ấy đối với em có tốt không?”. Tuyết bảo: “Nhà em, anh ấy là người tử tế, anh ấy còn bảo cho em trở lại ở với anh để chăm sóc anh cho trọn nghĩa cũ tình xưa”. Cố nén lòng, anh ngậm ngùi khuyên vợ: “Em đi lấy chồng là tốt. Anh thương tật nặng thế này không còn tương lai, hạnh phúc gì nữa đâu”.

Người vợ trẻ mắt đỏ như vầy, nghẹn giọng không nói được thêm lời nào, ngó trân trân ra ngoài sân trời ngập nắng. Vài hôm ở trại cô chẳng biết làm gì ngoài việc xăm xắn vò trắng tinh đống quần áo của anh đem ra phơi để rồi hôm sau lại đem ra giặt, phơi tiếp.

Ăn không được, ngủ không yên, đại tiện khó khăn, tiểu tiện phải dùng ống hoặc buộc sẵn một cái bao cao su để khỏi rớt nước giải ra ngoài. Dao cắt vào đùi không hay biết, nước sôi vô tình rót phải chân không cảm thấy đau, tiểu đường, huyết áp, suy thận là những bệnh họ thường hay gặp.

 Ở Trung tâm đã có người thương binh ngủ dậy thấy mất một ngón chân vì chuột gặm buổi đêm mà không hề có cảm giác. Gần trăm con người ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành hầu hết đều mang chung một thương tật nặng đến nỗi không còn khả năng làm chồng. Họ lấy vợ để làm chỗ dựa tinh thần, nhận con riêng của vợ làm con chung mong được nghe thấy tiếng cười thơ trẻ.

Bận anh về phép ở quê, cả hai vợ chồng Tuyết cũng đến chơi. Thế xởi lởi mời cơm, họ một mực từ chối, ngại ngùng để mấy cái bánh đa, chục quả trứng, nải chuối trên bàn. Câu chuyện gợi lên chẳng ai thèm bắt, mặt cứ nhìn xuống đất, bàn tay cứ vầy vò bàn tay. Thời gian dần khiến cho cảm giác gượng gạo biến mất. Hai gia đình thường xuyên qua lại nhau như chỗ thân tình. Bốn người con của vợ cũ là Nhung, Hiếu, Hiểu, Tuyến mỗi dịp Tết đều đến thăm anh Thế như những người ruột thịt.

Tuyết hay gửi lên Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành - Bắc Ninh lúc hộp kem đánh răng, khi vài cục xà phòng thơm, cái khăn mặt với những dòng thư thăm hỏi cặn kẽ. Mỗi lần nhận được thư của vợ cũ, anh đều biên thư khuyên: “Chúng mình già cả rồi, vợ chồng em còn lo con cái, cháu chắt, thư từ mà làm gì ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình”.

4. Ngày cả hai người đã không còn trẻ nữa, Tuyết một lần đưa con vào trường đại học lúc về có qua Trung tâm thăm anh. Nhìn người vợ cũ xanh xao, gầy guộc, mái tóc dãi dầu anh thở dài khe khẽ. Mọi khi có một mình, một mâm, một bát, một thìa. Hôm ấy có hai mẹ con Tuyết, mâm cơm thịnh soạn hơn nhiều nhưng thịt gà đắng, cá thu cũng đắng, cổ họng cứ nghèn nghẹn không làm sao nuốt được. Chẳng bù cho cái thời xưa bữa cơm hai đứa chỉ có tương cà, nước cáy mà một loáng đã đánh thủng đáy nồi…

Hôm ấy hai mẹ con chị ra về giữa chiều muộn. Trời mưa như trút nước. Người đàn bà còm cõi đi dưới màn mưa dày đặc, chiếc nón lá bỗng bần bật chao nghiêng.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Trận dông lốc kinh hoàng khiến hàng trăm hộ dân 'màn trời chiếu đất'

Bắc Kạn Rạng sáng ngày 18/4, dông lốc trên diện rộng làm hơn 580 ngôi nhà tại tỉnh Bắc Kạn hư hỏng, người dân và chính quyền địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả.