| Hotline: 0983.970.780

Em lên các thiền viện xem, ở đó thường có chỗ cho người học phật pháp...

Thứ Hai 03/07/2017 , 06:34 (GMT+7)

Tôi muốn lên chùa, nhưng chùa họ đâu có chứa người tật nguyền như tôi. Tôi buồn rũ, tôi sợ mình ốm nặng rồi làm gánh nặng cho các em...

Chị kính mến!

Tôi là một phụ nữ thiệt thòi từ tấm bé. Sau một cơn sốt năm tôi 10 tuổi, thế là tôi thành cái đứa mà hàng xóm hay gọi sau lưng là “con vẹo”. Tôi là chị cả, con gái một, dưới em là hai em nữa. Mẹ tôi đau buồn hao mòn rồi mất sớm, khi ấy tôi 15 tuổi. Bố thương các con, gà trống nuôi con, ông khá thọ, 65 tuổi mới đi theo mẹ. Ông kịp thấy mặt ba cháu nội, đứa nào cũng khôi ngô, lành lặn, để lại cho tôi một tủ sách mà gia đình chúng tôi từng tự hào.

Chắc chị hình dung được, tôi lớn lên chật vật với sự học như thế nào. Hết lớp 9 tôi đành bỏ, vì lúc nào mình cũng khiến thầy cô thương tâm còn lũ bạn thì thương hại. Ban đầu tôi nhận kèm nhóm cho các em cùng khu phố, sau thì đô thị phát triển, sinh viên lành lặn thông minh đi tìm việc làm thêm đầy ra, tôi không được thuê nữa. Nhận giữ con cho người ta, có nhà thương, thấy tôi xoay xở giỏi, tôi có thu nhập đến lúc cháu đi mẫu giáo rồi nghỉ. Tôi làm mứt bỏ mối, đủ các thứ mứt. Rồi cũng phải bỏ vì đã đến thời bánh mứt thủ công phải kết thúc “nhiệm vụ lịch sử” của nó.

Sống với em trai là việc mà tôi không thể thối thoát. Ở với đứa em sát tôi là phụng dưỡng bố và ôm bàn thờ, với em trai út, là giúp đỡ nó, như một người mẹ. Tôi không hợp lắm với vợ đưa em sát, cô ấy con nhà khá giả hơn bên tôi, lanh lợi, gặp chuyện thì đanh đá không cần kiềm chế. Cô em dâu út hiền lành, con nhà nông thôn, siêng năng, thơm thảo. Khi mẹ đẻ của em dâu út về quê để lại đứa cháu nội nhỏ mới tròn tháng thì tôi khăn gói sang nhà em trai út để giúp đỡ vợ con nó. Xem như việc chuyển chỗ êm thấm một cách hợp lý cho mọi người.

Nhưng chị ạ, em út tôi không chịu sinh con nữa. Đứa cháu mà tôi bồng bế từ bé giờ đã là chú bé sắp vào lớp 6, không cần cô nữa. Cảm thấy là người thừa trong cái nơi mình gắn bó, bứt rứt lắm chị ạ. Em dâu tôi vừa bị mất việc, nhà lại buồn, thừa người làm việc nhà. Nó bảo nó sẽ đi bán hàng thuê, hoặc đi làm giúp việc theo giờ, không biết sao nữa.

Tôi muốn lên chùa, nhưng chùa họ đâu có chứa người tật nguyền như tôi. Tôi buồn rũ, tôi sợ mình ốm nặng rồi làm gánh nặng cho các em. Vào dưỡng lão cũng phải có tiền mới vào được, tôi còn làm lụng được, tôi đã lão đâu. Vô vàn những câu hỏi, bố mẹ tôi chắc cũng không ngờ tuổi già của con gái mình lại mắc cạn thế này chị ạ. Có cách nào để các em không thấy bị tổn thương mà tôi cũng nhẹ nhàng không chị?

Em thương mến!

Ngẫm ra người Việt mình mỗi nhà mỗi cảnh nhưng cảnh của em quá thương tâm dù rằng nhà em chưa là gia đình đáng thương tâm nhất. Trong giới của chị có mấy người cũng bị sốt bại liệt từ bé như em, cả bệnh teo cơ kỳ quặc nữa. Nhưng họ là những tấm gương về sự phi thường. Họ tự học tiếng Anh thêm sau khi nghỉ học sớm, là dịch giả nổi tiếng. Có người đàn ông còn có vợ và có con được nữa.

Em đã làm nhiệm vụ chị cả một cách xuất sắc, còn hơn người khỏe mạnh, bình thường. Em đã góp phần ấm áp tuổi già của bố dù khi ông ra đi, ông chưa già hẳn. Chắc em cũng đã giúp rất nhiều khi em dâu sát mình sinh đẻ hai lần. Và với đứa em trai út, em giống như một người mẹ với cháu của mình. Nhưng nuôi người chậm mà cũng nhanh, cháu nó đi mẫu giáo, rồi sẽ vào tiểu học là và lớn hẳn. Bi kịch rơi vào nhà em trai, vợ nó mất việc, trong cảnh này, chị hiểu, em rất âu lo và cũng rất mặc cảm.

Chùa ở Bắc chị từng biết, đi công quả thì họ vui nhưng ở lại hẳn, phải là chùa quen, gần nhà, họ phải rất thương hoàn cảnh của mình. Em lên các thiền viện xem, ở đó thường có chỗ cho người học phật pháp, ở hẳn, làm việc tay chân gì đó và nương nhờ. Các thiền viện rộng, nhiều việc và họ có chỗ cho những người thành tâm tu tập, theo nghiệp tu. Tu ở thiền viện là nghiên cứu, làm giáo sinh về nhiều mặt, cả yoga nữa. Theo chị, em nên theo hướng này, ở ngoài đó có Thiền viện ở Tam Đảo, ở Trúc Lâm Yên Tử và giờ, có thể họ đã xây dựng ở đâu nữa mà chị không có thông tin.

Đi dưỡng lão thì em còn trẻ, không trong diện lão. Có thể vào những nơi không ai nương tựa, đó là những người thực sự già, yếu, có những người thiện nguyện giúp đỡ. Em có thể đăng ký thiện nguyện với những chỗ đó, quen dần, mình sẽ ở hẳn, làm những việc vừa sức, có ích cho bản thân và cũng có ích cho những người đó. Như một điều dưỡng viên, chị tin, với sự học (dù không đủ) nhưng tủ sách của bố đã giúp em hơn người trong việc tự lập và có ích.

Đừng bao giờ có những ý nghĩ tang thương về sự kết thúc. Thương các em, thương vong linh bố mẹ, họ đều muốn em mọi thứ tốt đẹp, nha em.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất