| Hotline: 0983.970.780

Ém thông tin = triệt tiêu chống dịch

Thứ Hai 18/10/2010 , 10:43 (GMT+7)

Chuyện không công khai thông tin về dịch bệnh và chính sách hỗ trợ được xem là một trong nguyên nhân quan trọng hàng đầu gây cảnh điêu đứng cho ngành chăn nuôi nước ta…

Chuyện không công khai thông tin về dịch bệnh và chính sách hỗ trợ ngay từ lúc dịch tai xanh còn trong “trứng nước” tại nhiều địa phương được xem là một trong nguyên nhân quan trọng hàng đầu gây cảnh điêu đứng cho ngành chăn nuôi nước ta…

Trong rất nhiều Hội nghị “nóng” liên quan đến dịch bệnh tai xanh, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát luôn nhấn mạnh, muốn chống dịch hiệu quả thì việc làm đầu tiên là các địa phương phải thông tin đầy đủ về tình hình dịch, về chính sách hỗ trợ tiêu hủy để từng hộ chăn nuôi có heo bệnh bắt tay với cán bộ thú y. Bộ trưởng cũng cho rằng, nguyên nhân quan trọng khiến dịch lây lan và bùng phát là do thông tin ở vùng dịch không có, không được phát hiện kịp thời. “Nếu từ đầu phát hiện và xử lý ngay ổ dịch đầu tiên thì sẽ không có chuyện mầm bệnh tai xanh phát tán đi khắp nơi” – Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, chuyện triển khai chậm hay “ém” các thông tin dịch bệnh và cả chính sách hỗ trợ của Chính phủ lại bị nhiều địa phương triệt để áp dụng. Đơn cử như tại Bình Dương (một trong những tỉnh bùng phát dịch đầu tiên tại phía Nam), trong khi đàn heo toàn tỉnh đang yên bình thì bất ngờ nhiều hộ chăn nuôi heo tại xã Tân Vĩnh Hiệp (huyện Tân Uyên) được thú y xã thông báo đã dính bệnh tai xanh (ngày 14/7/2010). Cụ thể, 2 mẫu xét nghiệm tại đàn heo của hộ bà Phan Thị Gấu (72 con heo giống và 6 heo nái, ấp Tân An) cho kết quả dương tính với bệnh tai xanh.

Chỉ vài ngày sau, dịch đã xuất hiện thêm tại 5 hộ chăn nuôi khác tại ấp Vĩnh An với trên 100 con mắc bệnh và sau vài tuần dịch đã lây lan ra hầu khắp các huyện, thị của tỉnh Bình Dương và cả khu vực Đông Nam bộ. Hỏi về nguyên nhân virus tai xanh “chạy” khắp nơi, ông Phan Trung Tới – cán bộ phụ trách thú y xã Tân Vĩnh Hiệp đổ lỗi do người dân thiếu ý thức bán chạy heo bệnh. Còn những hộ chăn nuôi tại đây thì lại phản pháo: đó là do ngành thú y chậm thông báo về chính sách hỗ trợ của Chính phủ, trong khi đàn heo là cả gia tài của họ.

 “Nếu như ngay từ đầu chúng tôi được cán bộ thú y thông báo sẽ nhận hỗ trợ 25.000 đồng/kg heo tiêu hủy thì mọi việc chẳng ra nông nỗi này” – ông Lê Văn Bảo ấp Vĩnh An, người đã bán chạy 17 con heo bệnh khiến dịch lây lan tại xã Tân Vĩnh Hiệp than. Điều đáng nói, chuyện “ém” thông tin dịch bệnh và thực hiện sai các chính sách của Chính phủ trong phòng chống dịch tai xanh không chỉ dừng ở cấp xã hay huyện mà còn ở cả cấp… tỉnh.

+ Đợt dịch tai xanh tại miền Bắc vừa qua, thông tin về mức hỗ trợ tiêu hủy heo bệnh ở các tỉnh thường “đá” nhau. Cụ thể như ở Hà Nội, Hưng Yên hỗ trợ 25.000 đồng/kg, Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh 18.000 đồng/kg; Hải Dương heo thịt 18.000 đồng/kg, heo nái, đực giống 25.000 đồng/kg; Thái Nguyên 20.000 đồng/kg; Bắc Giang 15.000 đồng/kg; Hải Phòng 30.000 đồng/kg heo nái, đực giống và 20.000 đồng/kg heo thịt…Vì vậy các tư thương, người dân đổ xô chuyển heo bệnh từ nơi hỗ trợ thấp đến nơi có hỗ trợ cao khiến dịch bệnh tai xanh bùng nổ như “bom”.

+ Trong bối cảnh dịch bệnh tai xanh đang hoành hành tại 31 tỉnh, thành trải dài từ Bắc vào Nam, nhưng chiều ngày 6/10/2010 khi kiểm tra trang thông tin của Cục Thú y, chúng tôi bất ngờ khi thấy báo cáo về thông tin dịch bệnh tai xanh đã bị Cục này bỏ trắng 3 ngày liên tiếp (ngày 4, 5 và 6/10). Có lẽ, ngay cả Cục Thú y cũng thực hiện không tốt về vấn đề thông tin dịch bệnh thì rất khó yêu cầu các địa phương làm nghiêm chỉnh được.

Tại Công văn số 2947/BNN-TY ngày 11/9/2010, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo về việc tăng cường công tác phòng chống dịch tai xanh trên toàn quốc đã phải nhắc nhở hai tỉnh Trà Vinh và Cần Thơ cần nhanh chóng thực hiện đúng quy định công bố dịch (trước thời điểm có Công văn, hai tỉnh đã có heo tai xanh từ lâu nhưng “quên” công bố thông tin). Tương tự, Cục Thú y cũng đã phải lên tiếng, chính việc phát hiện và báo dịch chậm ở một số tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương, đặc biệt việc báo cáo và công bố dịch chậm ở tỉnh Bắc Giang cùng với việc giám sát, phát hiện bệnh, thống kê gia súc ốm chết rất yếu kém là nguyên nhân gây phát dịch.

Báo NNVN đã từng phản ánh, vào cuối tháng 4/2010, dư luận nhân dân Hưng Yên bỗng náo loạn về thông tin dịch tai xanh và hiện tượng heo ốm chết bất thường đang lây lan khắp các huyện, thành phố của cả tỉnh. Nhất là tại huyện Văn Lâm được coi là vùng tâm điểm của dịch với hơn 12.000 con mắc bệnh, hơn 6.000 con bị chết và tiêu huỷ. Các huyện từ Mỹ Hào, Yên Mỹ, Khoái Châu, Văn Giang, Kim Động, Tiên Lữ, Ân Thi, thành phố Hưng Yên... đã có heo ốm, chết nhưng chính quyền các địa phương này vẫn thản nhiên công bố: Chưa hề có dịch! Và hậu quả, chỉ trong một thời gian ngắn, toàn bộ ngành chăn nuôi của tỉnh Hưng Yên và các vùng lân cận đã bị “bão” tai xanh đánh sập.

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.