Trớ trêu thay, năm 2016 người mẹ tảo tần của hai em qua đời đột ngột, mới đây bố bị ngã giàn giáo gãy chân phải điều trị mất 3 tháng. Với hai đứa trẻ, đó là chuỗi ngày xót xa...
Không khó để tìm được nhà của bà Đỗ Thị Thủy (bà nội 2 bé) ở xóm Cống, thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Bởi đi đến đâu hỏi, dân làng ai cũng biết đến gia đình đặc biệt này. Căn nhà hơn chục mét vuông, trước là nơi sinh hoạt của 6 người nay đã được dỡ bỏ chỉ để lại mảnh đất trống hoác, bộ bàn ghế ọp ẹp đặt ngay giữa sân nhà thờ họ trở thành nơi tiếp khách.
Bà Đỗ Thị Thủy đau buồn kể chuyện gia đình
Đưa mắt nhìn hai đứa cháu thơ dại, kí ức về chuỗi ngày đau buồn, về những nỗi bất hạnh liên tiếp đổ ập xuống gia đình lại ùa về khiến người đàn bà góa phụ 54 tuổi liên tục đưa tay lau nước mắt. Năm 2007, đứa cháu đích tôn ra đời, gia đình chưa kịp vui mừng thì nghe tin đứa trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, không những thế còn bị dị dạng xương lồng ngực cần phải theo dõi chờ phẫu thuật.
Nỗi đau chồng chất nỗi đau, hai năm sau lúc bé Ly ra đời, gáo nước lạnh ấy lại một lần nữa dội xuống khi bác sĩ báo rằng trái tim Ly cũng không khỏe mạnh, hơn nữa mắt còn bị nhược thị. Cuộc sống của gia đình từ đó là chuỗi ngày chạy vạy khắp nơi để giành giật sự sống cho hai đứa nhỏ.
“Ngày thằng Hiệp chưa mổ, tết tôi mua cho nó bộ quần áo ấm, nó thích nên mặc chạy ra ngoài cổng chơi. Lúc sau, tôi nghe thấy tiếng nó khóc, chạy ra hỏi hóa ra là do bộ quần áo nặng quá không mang được...”, nói đến đây nước mắt bà Thủy lại trực tuôn ra vì thương cháu.
Thời kỳ bế tắc nhất của gia đình là khi mẹ của hai bé Hiệp, Ly đột ngột ra đi mãi mãi vào đầu năm 2016. Sự mất mát trời giáng ấy khiến người chồng, người cha là anh Nguyễn Quý Thơ bàng hoàng, đau đớn lặng người; khiến người mẹ, người bà khóc hết nước mắt; và khiến cho những đứa con trẻ ngơ ngác hỏi “Bà ơi, mẹ con đâu?”. “Hai đứa còn quá nhỏ, đã phải xa hơi ấm của mẹ, nhìn chúng nó mà tôi không thể cầm lòng”, giọng bà Thủy nghẹn lại.
Vì sức khỏe yếu nên hai anh em ít khi chơi các trò đòi hỏi sự vận động
Gia đình toàn người đau yếu, nhà cũ chỉ vỏn vẹn 10 mét vuông, mái lợp bằng bờ - rô (Fibro) nên mùa hè hằng ngày đều phải té nước nằm cho đỡ nóng. Từ lời khuyên của mọi người, bà Thủy làm hồ sơ xin trợ cấp xây nhà. Nhận được 40 triệu đồng trợ cấp cùng sự giúp sức của anh em, xóm làng, ngôi nhà đã được khởi công từ ngày 24 tháng Giêng. Vì nhà cũ đã tháo dỡ trong khi nhà mới lại chưa xây dựng xong nên cả nhà 4 người xin ở nhờ một góc của nhà thờ họ. Theo tín ngưỡng điều này là kiêng kị nhưng hoàn cảnh bất khả kháng, biết cũng đành chịu.
Năm 2011, bà Thủy bị bướu cổ và thoát vị đĩa đệm phải mổ gắn sắt trong người, hiện các thanh nẹp đã đến ngày phải lấy ra nhưng bà cũng không kiếm đâu ra tiền để đi viện lần nữa. Theo chỉ định của bác sĩ, bé Ly phải đi khám tim hàng tháng và khám mắt 3 tháng/lần, nhưng vay mượn khắp nơi, gia đình cũng chỉ đủ tiền đưa Hiệp đi phẫu thuật được lần một, đến hè năm nay bác sĩ hẹn mổ lại vẫn chưa biết tính sao.
Là trụ cột chính trong gia đình, oái ăm thay, cách đây không lâu, giàn giáo đổ khiến anh Thơ bị gãy chân phải nằm điều trị ba tháng. Hiện tại dù đã hồi phục nhưng anh vẫn chưa thể làm được việc nặng.
Bé Nguyễn Quý Hiệp nằm nghỉ trên chiếc giường kê nhờ trong nhà thờ họ
Theo ông Bùi Trọng Dung, Chủ tịch Ủy Ban MTTQ xã Ngọc Mỹ, gia đình bà Đỗ Thị Thủy thuộc diện khó khăn đặc biệt của địa phương, thương nhất là hai đứa nhỏ cùng mắc bệnh tim bẩm sinh, mồ côi mẹ, bố lại bị tai nạn lao động. Vừa rồi, chính quyền cũng hoàn thiện hồ sơ giúp gia đình bà Thủy và 6 hộ khác trong xã nhận hỗ trợ từ kế hoạch 138 của UBND huyện Quốc Oai, nhưng cũng chỉ được phần nào thôi.
Qua đây, ông Dung cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan, đoàn thể, các nhà hảo tâm giúp đỡ gia đình, đặc biệt là hai đứa nhỏ để chúng được tiếp tục chữa bệnh và theo học đến nơi đến chốn.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về bà Đỗ Thị Thủy xóm Cống, thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội; hoặc gửi về Văn phòng Báo NNVN tại ĐBSCL, số 47 Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ, ĐT: 0710.3835431, chúng tôi sẽ chuyển giúp quý vị.