| Hotline: 0983.970.780

EVN khẳng định thấm nước ở Sông Tranh 2 đã giảm

Thứ Hai 26/03/2012 , 14:56 (GMT+7)

EVN vừa ra thông cáo báo chí gửi các phương tiện thông tin đại chúng về hướng khắc phục hiện tượng rò rỉ nước tại Thủy điện Sông Tranh 2.

Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vừa ra thông cáo báo chí gửi các phương tiện thông tin đại chúng về hướng khắc phục hiện tượng rò rỉ nước tại Thủy điện Sông Tranh 2.

>> “Thủy điện Sông Tranh 2 rỉ nước là hiện tượng bình thường”

Cụ thể, từ ngày 18/3 đến 20/3/2012, đoàn công tác của EVN đã đi kiểm tra công trình thủy điện Sông Tranh 2, qua đó xác định nguyên nhân là do nước thấm không được thu gom hết về các hành lang thu nước trong thân đập để dẫn ra hạ lưu.

Từ nhận định trên, ngày 21/3/2012, EVN đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung kiểm tra toàn bộ hệ thống thu gom và thoát nước thấm theo thiết kế đã được phê duyệt đồng thời cho thông rửa các lỗ khoan bị tắc, đục rãnh thoát nước để thu nước về hố thu trong thân đập. Đến nay, các biện pháp này bước đầu đã có hiệu quả và hiện tượng thấm về hạ lưu đập đã giảm hẳn (theo đánh giá sơ bộ của A, B tại hiện trường thì giảm khoảng 80%).

Đến 21h ngày 24/3 đã đưa 02 máy khoan tay (Ø42mm) vào để khoan tại khe nhiệt 18, 21, 24, 28, đã khoan 02 lỗ Ø76mm tại các khe 16 và 24 từ hành lang số 3 xuống hành lang số 2 để thu nước vào hành lang thoát nước và phần lớn lượng nước thấm tại các khe nhiệt này đã chảy vào hành lang.

Cùng với những công việc trên, EVN đã chỉ đạo Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia (Ao), Công ty thủy điện Sông Tranh huy động tối đa công suất của Nhà máy để hạ mực nước hồ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xử lý thấm đạt hiệu quả.

Đơn vị này sẽ tiếp tục mời các chuyên gia có kinh nghiệm đến kiểm tra, khảo sát, đề ra các giải pháp xử lý tổng thể và sẽ hoàn thành trước mùa lũ năm 2012. Trên cơ sở kết quả xử lý thấm EVN sẽ có báo cáo đánh giá đầy đủ về an toàn ổn định đập thủy điện Sông Tranh 2. 

"Sau khi thực hiện các bước trên, nếu nước thấm ra hạ lưu không giảm, EVN sẽ xem xét phương án xử lý chống thấm bổ sung để đảm bảo điều kiện chống thấm tốt nhất cho công trình," thông cáo báo chí nêu rõ. 

Trước đó, ngày 21/3/2012 đoàn công tác và các chuyên gia hàng đầu của Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng đã đi kiểm tra, làm việc tại hiện trường công trình thủy điện Sông Tranh 2 và đưa ra các ý kiến đánh giá như sau:

Hiện tượng thấm nước ra hạ lưu đập theo các khe nhiệt là chưa đúng với sơ đồ thấm và thoát nước theo thiết kế dẫn đến những phản cảm trong dư luận xã hội.

Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, nước thấm qua khe nhiệt chứ không phải thấm qua các khe nứt của đập như một số báo đã đưa tin và nguyên nhân chính của hiện tượng này là do hệ thống các ống thu nước bố trí trong các hành lang thu nước trong thân đập chưa đáp ứng tốt nhiệm vụ thu nước thấm trong thân đập, một số ống thu nước giữa các tầng hành lang bị tắc, nước bị ứ đọng nhiều trong các hành lang, không thoát hết về hố thu nước.

Các ý kiến cũng thống nhất đánh giá, đập thủy điện Sông Tranh 2 chưa xuất hiện các vết nứt trong bê tông, với mức độ thấm như hiện nay chưa ảnh hưởng đến an toàn đập.

Hơn nữa, việc xuất hiện động đất kích thích trong thời gian gần đây tại khu vực công trình có cường độ thấp hơn cường độ tính toán trong thiết kế, qua kiểm tra cho thấy không ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn của đập và theo quy luật tự nhiên, các dư chấn của động đất kích thích có cường độ thấp hơn nhiều và sẽ giảm dần theo thời gian.

Đoàn công tác đã yêu cầu chủ đầu tư, Tổng thầu và cơ quan tư vấn thực hiện một số giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, phân tích số liệu và đánh giá kết quả một cách hệ thống.

Mặt khác, chủ đầu tư cần phối hợp với Viện Vật lý địa cầu tiếp tục nghiên cứu về diễn biến động đất và có đánh giá cụ thể hơn về ảnh hưởng của động đất trong khu vực đến công trình; tiếp tục kiểm tra bề mặt phía thượng lưu đập khi hạ thấp mực nước hồ và đề ra các giải pháp xử lý thấm bổ sung.

Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 do EVN làm chủ đầu tư thuộc địa phận xã Trà Đốc, Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, có công suất lắp đặt 190 MW (gồm 2 tổ máy, mỗi tổ máy 95MW), sản lượng điện phát trung bình hàng năm là 679,6 triệu kWh.Nhà máy đã được đưa vào vận hành năm 2011.

Đập dâng thủy điện Sông Tranh 2 là loại đập bê tông trọng lực công nghệ đầm lăn (RCC), có chiều cao 96m, chiều dài 640m được chia thành các blok, các blok rộng 20 mét được ngăn cách nhau bằng các khe nhiệt (toàn bộ đập có 30 khe) xuyên suốt từ phía thượng lưu về hạ lưu.

Đập dâng đã được Hội đồng nghiệm thu các cấp nghiệm thu theo từng giai đoạn và phù hợp với các quy định hiện hành của Nhà nước. Hồ Sông Tranh 2 đã  tích nước đến mức nước dâng bình thường (cao độ 175m) theo thiết kế vào ngày 03/11/2011. Hiện tại, đập dâng vẫn đang được thi công hoàn thiện.

Theo quy trình kỹ thuật và vận hành công trình thủy điện, trong quá trình tích nước hồ chứa thì Ban quản lý dự án và Công ty thuỷ điện Sông Tranh, nhà thầu thi công phải tiếp tục tổ chức quan trắc thường xuyên, cập nhật và xử lý các số liệu đo đạc để phân tích đánh giá.

Đến đầu tháng 2/2012 khi thấy xuất hiện thấm nước trong các hành lang thu nước và  thấm ra hạ lưu đập, các đơn vị trên công trường đã tiến hành xử lý thấm nhưng chưa có hiệu quả. Vì vậy, nước vẫn còn chảy ra hạ lưu đập như báo chí đã nêu.

(Theo Vietnam+)

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất