| Hotline: 0983.970.780

EVN khất lần trả phí môi trường rừng

Thứ Hai 20/02/2012 , 09:24 (GMT+7)

Ước tính số tiền chi trả dịch vụ MTR năm 2011 của các nhà máy thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN khoảng 550 tỷ đồng.

Có rừng mới có thủy điện, nhưng EVN hết lần này lượt khác không chịu trả phí dịch vụ môi trường rừng

Mặc dù Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Đinh Quang Tri khẳng định: “Tập đoàn luôn nhận thức đầy đủ việc áp dụng chi trả phí dịch vụ môi trường rừng là chính sách lớn của Nhà nước nhằm bảo vệ rừng, xóa đói giảm nghèo”. Nhưng EVN lại hết lần này đến lượt khác xin trì hoãn thanh toán phí dịch vụ này.

Năm 2011, Chính phủ quy định thực hiện thu tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (MTR) cho tất cả các nhà máy sản xuất thủy điện áp dụng từ 01/01/2011. Ước tính số tiền chi trả dịch vụ MTR năm 2011 của các nhà máy thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN khoảng 550 tỷ đồng. 

Tiền điện cứ thu, nợ thì xin hoãn

Vẫn với lý do “khó khăn về tài chính” và “phí dịch vụ môi trường rừng chưa được tính vào giá bán điện”, ngày 20/12/2011 EVN đã có văn bản số 4711/EVN-TKCT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho lùi thời hạn nộp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2011 cho đến khi Chính phủ có quyết định tăng giá bán điện. 

Như đã đề cập, liên tục với lý do khó khăn về vốn và phí dịch vụ môi trường chưa được tính vào giá bán điện, EVN hết lần này đến lần khác xin chậm thanh toán phí dịch vụ MTR cho Quỹ bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, tại Thông tư số 05/2011/TT-BCT do Bộ Công thương ban hành ngày 25/02/2011 quy định về giá bán điện năm 2011 và hướng dẫn thực hiện thì tại điểm c, mục 20 trong Phụ lục Hướng dẫn thực hiện giá bán điện (phần các thông số đầu vào cho tính toán giá bán điện năm 2011) đã ghi rõ: Tổng chi phí để trả dịch vụ môi trường rừng đối với các nhà máy thủy điện là 738 tỷ đồng. Thời gian áp dụng biểu giá này được tính từ ngày 01/03/2011.

Đồng thời, trong công văn số 3620/EVN-TCKT ngày 28/09/2011 về việc hạch toán tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng gửi các đơn vị thành viên, EVN đã đề nghị các cơ sở sản xuất thủy điện hạch toán đầy đủ khoản phải trả tiền chi trả dịch vụ MTR phát sinh năm 2011 vào chi phí sản xuất điện.

Theo đó, kể từ năm 2011, trong mỗi kWh điện, EVN đã tính toán và thu của người sử dụng điện cả nước 20 đồng phí dịch vụ MTR. Thế nhưng EVN lại luôn đưa ra điệp khúc “phí dịch vụ MTR chưa được tính vào giá điện” nhằm trì hoãn thanh toán. Vậy 20 đồng/kWh điện mà người dùng điện cả nước đã đóng góp sòng phẳng cho EVN trong năm 2011 đã đi đâu? Phải chăng EVN đang áp dụng chính sách trì hoãn nhằm chiếm dụng vốn của người dân nghèo sống phụ thuộc vào rừng?

Bỏ qua sự cực nhọc và những thiếu thốn của người dân - những người đã trực tiếp mang lại nguồn lợi cho các nhà máy thủy điện mà chỉ nghĩ đến những khó khăn của mình, liệu EVN có đang bàng quan với đời sống nhân dân, có đang quay lưng lại với một chủ trương, chính sách được lòng dân của Đảng và nhà nước hay không? Xem ra việc “nhận thức đầy đủ việc áp dụng chi trả phí dịch vụ MTR là chính sách lớn của nhà nước nhằm bảo vệ rừng, xóa đói giảm nghèo” vẫn chỉ là lời nói mà chưa thể đi đôi với việc làm.

Người dân mỏi cổ chờ thanh toán

Những người dân lam lũ, đói nghèo đầu nguồn thủy điện, vì mục tiêu phát triển của quốc gia đã hiến đất, hiến rừng, chịu hi sinh, di dời khỏi môi trường sống của mình để nhà nước xây dựng những NM thủy điện. Sau đó, để cung cấp nguồn nước ổn định cho sản xuất thủy điện, họ lại ngày đêm lo trồng rừng, giữ rừng, bảo vệ dòng nước đầu nguồn. Có thể thấy, công sức, tâm huyết của những người dân nơi đây bỏ ra không thể tính toán bằng tiền.

Nếu sự trì hoãn, khất lần trong thanh toán phí dịch vụ MTR của EVN cứ kéo dài, lặp đi lặp lại năm này qua năm khác thì có lẽ đến một ngày niềm tin vào một chính sách lớn của nhà nước và sự nhiệt tình của người dân với rừng cũng dần nguội theo những lần đợi chờ mòn mỏi.

Để bù đắp phần nào những khó khăn vất vả, giúp dân xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống, nhà nước đã có chính sách chi trả phí dịch vụ môi trường rừng. Nghĩa là các cơ sở sản xuất thủy điện phải chi trả tiền dịch vụ bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối, điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất thủy điện.

Tuy khoản thu được từ nguồn hỗ trợ này chưa cao, nhưng nó là sự kỳ vọng lớn của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc ở đầu nguồn thủy điện, là sự phấn khởi của các chủ rừng khi được nhận thêm một khoản thu để tháo gỡ cảnh khó khăn, đói nghèo, cũng là chút ít đền đáp để họ yên tâm gắn bó với rừng, yên tâm giữ rừng, bảo vệ dòng nước đầu nguồn.

Vậy mà hết năm này qua năm khác, đáp lại sự mong ngóng chỉ là sự trì hoãn, luôn chậm trễ của các nhà máy thủy điện đang hưởng lợi trên mồ hôi, công sức của dân nghèo nơi đây.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Đại hội đồng cổ đông năm 2024 của Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX diễn ra tại Hà Nội, thông qua báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất