| Hotline: 0983.970.780

“Gà bay” quốc lộ 1

Thứ Tư 17/10/2012 , 09:11 (GMT+7)

Tiến gần đến pháo đài của “tướng” Duyên, hai bên đường, người dân í ới gọi nhau vác đòn gánh lên đường biên gánh gà giống lậu. Ngoài đường, những chiếc Minsk và Honda chạy vè vè về phía cửa khẩu Hữu Nghị với những cái lồng không ở đằng sau. Người dân đi vận chuyển gà lậu như đi hội!

* Đề nghị Bộ Công an vào cuộc

Theo những gì “Duyên Dốc Quýt” nói, gà giống lậu sau khi được gánh qua biên giới, sẽ được đưa về tập kết trong pháo đài của bà. 

>> Giáp mặt trùm gà lậu chân Dốc Quýt
>> Mẻ lưới đầu tiên

Dưới chân pháo đài

Theo như lời “tướng” Duyên nói, để lên xuống được "pháo đài" của bà có 3 con đường, ở 3 phía (trong đó có con đường mà chúng tôi đã đi lên). Nhưng xe máy chở gà lậu về đêm nay lại không phải trên đường chúng tôi đã đi lên, mà là một con đường khác, rộng hơn, ngoằn ngoèo hơn, dài hơn. Quan sát, cuối con đường này có một điểm nối với một đường mòn chạy từ biên giới về và chạy từ QL1 lên ở dưới chân pháo đài. Điểm nối - ngã ba này có cây cối rậm um tùm, đằng sau những bụi cây là một cái lũng, chỉ có 3 hộ dân ở phía trên những lùm cây. Chúng tôi xác định đây là một vị trí lý tưởng phục kích để “chộp” được những đoàn xe chở gà giống lậu từ biên giới về đêm nay.

17h30 ngày 3/10, lợi dụng trời bắt đầu nhá nhem tối, người đi lại đông đúc, chúng tôi tiến về Dốc Quýt.

Tiến gần đến pháo đài của “tướng” Duyên, hai bên đường, người dân í ới gọi nhau vác đòn gánh lên đường biên gánh gà giống lậu. Ngoài đường, những chiếc Minsk và Honda chạy vè vè về phía cửa khẩu Hữu Nghị với những cái lồng không ở đằng sau. Người dân đi vận chuyển gà lậu như đi hội! Dù đã bí mật quay lén vài đoạn clip, nhưng nhìn cảnh này vẫn thấy... thèm, chúng tôi định lẻn vào tận đường biên để tận mắt cảnh người Trung Quốc trao những gánh gà giống lậu cho người Việt, nhưng lẻn vào làm sao được trước một đàn chim lợn, sự lạc lõng, và đặc biệt là trạm kiểm soát có barie và bộ đội biên phòng đứng canh ngay trước Dốc Quýt và có thể cả đường biên.


Xe máy chở gà từ cửa khẩu Hữu Nghị về TP Lạng Sơn để chuyển 
bằng xe khách về xuôi

Thực hiện phương án 1 đã định, chúng tôi tắt đèn xe, rồi nhanh chóng đẩy xe vào một đường mòn nhỏ có những tán cây cao và rộng để giấu xe.

Đang bẻ cành cây để ngụy trang cho xe máy, một ánh đèn pin đột nhiên xuất hiện. Không kịp trở tay, tôi liền hô PV Đắc Thành tụt quần; tôi cũng thế. Ánh đèn pin pha thẳng vào mặt, một ông già vác chiếc vợt cá, cất giọng meo méo: Làm gì ở đây? Tôi đáp: Chúng cháu làm cửu vạn trên cửa khẩu, chiều về đến đây mệt quá chui vào ngủ, không ngờ ngủ quên đến giờ. Nói xong, chúng tôi đẩy chiếc xe ra ngoài đường rồi xuôi về TP Lạng Sơn trong tiếng chửi đổng của ông già…

Xuôi được một đoạn, quay đầu nhìn lại khu vực chúng tôi bị phát hiện, thấy ánh đèn pin của ông già đang leo đồi, hẳn ông đang chạy đi báo lính của “tướng” Duyên, dù đang run, cảm giác sợ hãi, tôi vẫn nói PV Đắc Thành cho quay xe lại, thực hiện phương án 2, đổ tôi xuống dưới chân thung lũng để quay kỳ được cảnh vận chuyển gà về. Hơn nửa giờ đi qua các đồi cây, 19h kém, tôi có mặt tại vị trí đã xác định, chọn góc đặt máy quay và nằm phục cách ngã ba đường mòn chừng 3 mét - nơi những chim lợn đang quần đảo săn tìm đối tượng lạ mặt mà ông già cầm vợt phát hiện. Từ ngoài QL1, Đắc Thành thông báo: Chim lợn lượn nhiều lắm!

19h25, 3 chiếc xe máy chỉ đi bằng đèn quả nhót nối đuôi nhau chở đầy gà giống lậu leo nhanh lên pháo đài của “tướng” Duyên. 10 phút sau, thêm 2 chiếc xe nữa. Đến 20h30, đã có tổng cộng 15 xe máy chở gà giống lậu về pháo đài của “tướng” Duyên. Tất cả đều đi bằng bóng quả nhót. Với ánh sáng và tốc độ leo đồi trên đường mòn như vậy, đây là những lái xe đã quá đỗi quen đường. Tôi trùm áo xem lại những hình ảnh đã quay được - chỉ thấy những đốm sáng chạy trong bóng tối, với tiếng xe máy rú ga lên dốc và tiếng gà kêu chiếp chiếp… Chợt nghĩ, nếu bị phát hiện, cái giá chúng tôi phải trả sẽ rất đắt.

Đến hơn 21h, tôi đếm thêm được 7 xe máy chở gà leo lên pháo đài. Ngoài QL1, PV Đắc Thành thông báo lác đác đã có người dân mang đòn gánh về nhà và có vài xe máy chở gà giống chạy thẳng về phía Lạng Sơn trên QL1. Như vậy, gà lậu vượt biên trong lô 1,2 vạn mà “tướng” Duyên cho biết đã về pháo đài của bà. Theo đúng lịch trình, 22h đêm, các xe cóc sẽ lên ngã 3 đường mòn, điểm tôi đang phục kích nhận gà chở về xuôi. Tuy nhiên, với cái máy quay chết tiệt của mình, tôi sẽ không làm gì nổi khi không có đủ ánh sáng. Tôi quyết định rút ra ngoài QL1 để theo đuôi những xe gà lậu về xuôi với nhiều vết xước…

“Gà bay” hay ma?

Xuôi xuống TP Lạng Sơn, hai bên đường nhiều thanh niên đang quây quần chén chú chén anh cạnh những chiếc xe chở gà mừng một chuyến gà lậu trót lọt.

Đồng hồ điểm 22h30, bất ngờ, có gần chục chiếc xe máy, mỗi xe chở 5 - 6 lồng gà chạy như bay vụt qua mặt chúng tôi về phía TP Lạng Sơn. Không kịp chuẩn bị, chúng tôi đầu trần nhảy lên xe đuổi theo. Duy trì tốc độ hơn 90 km/h được hơn 1 phút, nhờ ánh đèn điện đầu TP chúng tôi mới bắt được mục tiêu. Tuy nhiên, mục tiêu đã biến mất khi những chiếc xe này chạy vào một con đường nhỏ ở đầu TP. Một người dân ở gần lối rẽ cho hay, gà đó được tập kết về TP Lạng Sơn, rạng sáng mai vận chuyển ra bến xe khách để chuyển về các tỉnh. Mấy ông xe ôm nhìn chúng tôi lạ thường…


Chiếc xe biển 98K-427x chạy từ Lạng Sơn về rẽ vào Kế - Bắc Giang

Sợ bị phát hiện, chúng tôi lại tiếp tục lùi sâu theo QL1, qua đoạn TP Lạng Sơn thì dừng lại. Chưa kịp dựng xe, PV Đắc Thành réo: Hàng về! Tôi rú ga chạy trước để đón đầu, trong khi Đắc Thành lôi máy quay lúc nào cũng thường trực trước ngực bên trong cái áo khoác ra. Dù tốc độ xe của chúng tôi đã lên đến 90 km/h, nhưng những chiếc xe cóc vẫn vượt qua nhẹ nhàng, chỉ để lại tiếng vù, vù...

Tôi tiếp tục tăng tốc, đạt gần 100 km/h để bám theo, nhưng máy quay cũng chỉ kịp bắt được cái đít con xe cóc chạy sau cùng trong vài giây, rồi chúng biến mất trước màn hình. Không thể tưởng tượng được, những chiếc xe cóc hiệu Suzuki, mỏng tang, bánh bé tẹo teo, còn gọi là xe “chuồng gà” mà có thể chạy được ở tốc độ ấy, có lẽ phải đạt 120 - 130 km/giờ. Quả là những xe gà bay!


Nhờ thành sắt hai bên xe mở như thế này để làm mát cho gà giống, chúng tôi mới phát hiện ra xe chở gà

Đầu đông, đêm lạnh, sương mù cũng không thể cản được những xe gà như bay trong đêm sương ở tốc độ cực đại, chỉ có thể cản được chúng tôi khi đôi mắt đã mỏi bởi 3 đêm liền thức trắng, bởi chiếc xe máy cà tàng! Vậy nhưng, chúng tôi vẫn tiếp tục cuộc hành trình truy theo gà bay trên QL1. Xuôi trên 80 km, chúng tôi về đến trạm kiểm soát liên ngành và trạm soát vé Hữu Lũng (Lạng Sơn). Tại đây, có cảnh sát giao thông, thú y đang trực. Hơn 30 phút nằm phục, có gần 40 xe ô tô các loại đi qua, nhưng không một xe nào được dừng lại kiểm soát. Người bơm nước mui cho xe tải đêm nói: Cái trạm này, chủ yếu “làm” xe lợn, xe trâu chở lên cửa khẩu xuất thôi, chứ gà qué về có nhìn thấy được đâu, mà làm!

Rệu rã lên xe rời trạm kiểm soát Hữu Lũng về Bến Lường, thuộc địa phận Bắc Giang, giáp ranh với Lạng Sơn - nơi, theo lời “tướng” Duyên nói có một cái kho bí mật để tập kết gà giống từ cửa khẩu Hữu Nghị về, sau đó xe ô tô các tỉnh miền xuôi lên nhận. Bất chợt, có một chiếc xe cóc vượt qua trạm kiểm soát liên ngành, rồi chạy theo lối dành cho xe máy, vượt qua cả trạm kiểm soát vé. Chúng tôi rú ga hết cỡ đuổi theo, nhưng cũng chỉ được một đoạn, đến Cầu Lường chiếc xe cóc biến mất tăm, trong khi bên kia Cầu Lường (địa phận Bắc Giang), các chiến sỹ CSGT Bắc Giang vẫn đang làm việc.

Bằng nhiều cách, chúng tôi tìm kiếm cái kho bí mật dùng để trung chuyển gà lậu giống ở Bến Lường mà không ra. 1h25 sáng 4/10, chúng tôi về qua Bến Lường đón đầu các xe ở dưới xuôi lên nhận gà. Tại đây chúng tôi phát hiện 1 xe cóc đỗ đằng sau cây xăng. Giả bộ hút thuốc tiến lại gần, chiếc xe liền nổ máy chạy ngược về Lạng Sơn để lại đằng sau mùi hôi của gà mới nở và cái biển số mờ mờ 12H-18... Nhận định kho trung chuyển gà giống ở gần đây. Quả thật, một lúc sau xuất hiện 1 xe máy chở sau 2 người đi qua với toàn mùi gà. Chiếc xe máy đi đến quán phở Hà Nội gần Cầu Lường rồi dừng lại. Chúng tôi lập tức tiếp cận. Và, nhờ có 4 quả trứng vịt lộn chúng tôi đã nghe được thông tin: 3 người này là dân địa phương. Mỗi lần gà Trung Quốc về đến kho trung chuyển là họ được a-lô ra bốc thuê từ xe của Lạng Sơn sang xe của các tỉnh miền xuôi. Đêm nay họ vừa bốc sang một xe ở Bắc Giang và đang chờ bốc tiếp.


Chiếc xe tải lớn chở đầy gà giống biển 34C-0259x từ phía Bắc Ninh vào Kế, hôm sau chỉ còn những cái lồng không

Chúng từ từ xuôi về Bắc Giang, trên đường gặp xe tải 1,5 - 3,5 tấn biển Bắc Giang nào là bám theo xe đó. Sau 4 xe bám theo không phải, đến xe thứ 5 thì bắt được xe gà giống được đậy bạt như các xe khác nhưng không kín, riêng các thành sắt hai bên được hé mở như cửa chớp, mang BKS 98K-427x. Có thể chạy trên vùng đất an toàn nên chiếc xe chạy trung bình 90 km/giờ và chúng tôi đã không để vuột mất mục tiêu. Đến đầu TP Bắc Giang chiếc xe rẽ vào Dĩnh Kế sau đó chui vào một cái kho được bịt kín mít trên đường Dĩnh Kế.

Quay ra QL1 đoạn ngã ba Kế khi đồng hồ điểm hơn 2 giờ 30 sáng ngày 4/10, chúng tôi liên tục gặp các xe 34C-0259x, 98C-0194x, 14P-31xx chạy từ phía Bắc Ninh lên và 1 xe bị đánh mờ biển số chạy từ Lạng Sơn về rẽ vào đường Dĩnh Kế. Như vậy khu vực Kế - Bắc Giang là điểm trung chuyển gà giống Trung Quốc lớn không chỉ ở Lạng Sơn về mà từ Móng Cái về theo QL18, qua Hải Dương, Bắc Ninh, rồi rẽ vào QL1 đi lên Bắc Giang. (Còn nữa)

Đề nghị Bộ Công an vào cuộc

Xung quanh những thông tin về tình hình nhập lậu giống gia cầm mà NNVN phản ánh, tại cuộc họp BCĐ quốc gia phòng chống dịch CGC hôm qua (16/10), ông Phạm Văn Đông, Q. Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đề nghị Bộ Công an nhanh chóng vào cuộc, lần theo các địa điểm, biển số xe, các tuyến đường và thủ đoạn của bọn buôn lậu mà báo nêu.

Trong khi đó, Cục Chăn nuôi cho biết, qua thời gian giám sát tại khu vực chợ gia cầm Hà Vĩ (Thường Tín, Hà Nội), hiện đã nắm bắt được hàng loạt các biển số xe chở "gà trọc" và gia cầm giống nhập lậu về đây. Cục Chăn nuôi đã cung cấp các biển số xe này cho lực lượng Công an Kinh tế (PA 81, Bộ Công an) để vào cuộc điều tra. Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cũng đã nắm bắt và xác định được hàng loạt các địa điểm và tuyến đường vận chuyển gia cầm lậu từ biên giới Trung Quốc về Hà Nội và các tỉnh Bắc Trung bộ trở ra.

* Về dịch CGC, Cục Thú y cho biết trong 2 tuần qua vẫn tiếp tục phát sinh ổ dịch mới tại tỉnh Quảng Ngãi. Hiện cả nước vẫn còn 5 tỉnh có dịch CGC chưa qua 21 ngày. Hiện vẫn chưa xác định được vacxin có hiệu lực với nhánh virus CGC mới tại phía Bắc.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm