| Hotline: 0983.970.780

Gà J-Dabaco cho Yên Thế

Thứ Năm 24/10/2013 , 11:04 (GMT+7)

Lãnh đạo huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đang nỗ lực xây dựng lại thương hiệu gà đồi theo hướng bền vững thông qua việc bắt tay với DN SX giống gà màu J-Dabaco lớn nhất cả nước.

Sau khi nhận được những lời góp ý, thậm chí là phê phán từ người tiêu dùng, lãnh đạo huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đang nỗ lực xây dựng lại thương hiệu gà đồi theo hướng bền vững thông qua việc bắt tay với DN SX giống gà màu J-Dabaco lớn nhất cả nước.

MÊ MẨN GIỐNG GÀ MỚI

Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Yên Thế cho biết, nhằm quản lí, bảo vệ và phát triển thương hiệu gà đồi Yên Thế, đầu tháng 6/2013, UBND huyện phối hợp với Tập đoàn Dabaco Việt Nam tại Bắc Ninh triển khai mô hình chăn nuôi giống gà thịt J-Dabaco.

Địa điểm thực hiện tại 3 xã Tam Tiến, Đồng Tâm và Tiến Thắng với quy mô 10.000 con, bình quân mỗi hộ nuôi 400 - 500 con. Theo đó, Dabaco hỗ trợ 100% chi phí thông qua giống và cử cán bộ giúp đỡ người dân về kỹ thuật, chuồng trại, thú y.

Sau 4 tháng triển khai mô hình, bà Xuân đánh giá rất cao giống gà J-Dabaco bởi tính đồng nhất khi đạt tới 95%. Bên cạnh đó, J-Dabaco có khả năng thích nghi cao với điều kiện khí hậu và dịch bệnh, tận dụng được thức ăn tại chỗ, phát huy lợi thế vườn đồi giúp giảm đáng kể chi phí đầu tư.

Trọng lượng gà lúc xuất chuồng đạt 1,8 - 2,4 kg/con, rất phù hợp với thói quen, thị hiếu tiêu dùng tại khu vực miền Bắc. Đặc biệt, giá gà J-Dabaco khi xuất bán luôn cao hơn các giống gà khác từ 5.000 - 10.000 đ/kg. Sau khi hạch toán chi phí trên 1.000 con, nuôi gà J-Dabaco lãi cao hơn từ 7 - 10 triệu đồng so với nuôi gà Mía lai.


Tập đoàn Dabaco hỗ trợ gà giống J-Dabaco cho huyện Yên Thế xây dựng thương hiệu

Là một trong những hộ tham gia mô hình nuôi gà thịt J-Dabaco, anh Dương Phương Sáu ở thôn Tân Sỏi, xã Đồng Tâm chia sẻ, đã gà hơn 10 năm nay và không thiếu loại gà gì, kể cả gà chíp Tàu, nhưng nuôi giống gà J-Dabaco lần đầu anh mê ngay. Nếu trời mưa gà Mía lai mỗi con chạy một góc, con gốc cây, con vào nhà, con đứng ngoài mưa. Nhưng với gà J-Dabaco thì cả 1.000 con đều biết chạy vào trong nhà trú, chứng tỏ sự đồng nhất của chúng rất cao.

Một điểm khác khiến anh Sáu “say như điếu đổ” giống gà J-Dabaco là mã gà rất đẹp, mào cờ, lông mận chín, chân nhỏ màu vàng không khác gì gà ta mà con nào cũng giống nhau chằn chặn chứ không lôm nhôm mỗi con một màu đen sì như gà lai Mía.

Về thắc mắc giá giống cao, ông Nguyễn Trọng Kích, Phó TGĐ Tập đoàn Dabaco Việt Nam tâm sự: “Do phải đầu tư thiết bị công nghệ, máy móc hiện đại, gà giống lại được tiêm vacxin đầy đủ nên chắc chắn giá bán gà J-Dabaco phải cao hơn gà Mía lai ở các lò ấp thủ công. 

Tuy nhiên, Dabaco đang cố gắng tiếp tục nâng cao quy trình kỹ thuật, kiện toàn lại hệ thống SX giống để làm sao hạ giá thành sản phẩm xuống mức thấp nhất nhằm hỗ trợ người chăn nuôi”.

Nhắc đến giống gà J-Dabaco, chị Nguyễn Thị Hạnh ở thôn Đồng Cờ, xã Tiến Thắng phải công nhận không còn chê vào đâu được nữa. Nhà chị Hạnh vừa qua cũng được chương trình hỗ trợ 200 con gà J-Dabaco, đến khi xuất bán gần như còn nguyên vẹn, chất lượng thịt lại thơm ngon nên bán được giá.

Chị Hạnh khoe, bán có 200 con gà mà chị lãi hơn 10 triệu đồng. Cũng như phần lớn các hộ nông dân khác ở Bắc Giang tham gia chương trình, chị Hạnh tha thiết đề nghị phía Dabaco hỗ trợ giảm giá giống vì hiện gà J-Dabaco cao hơn khá nhiều so với gà Mía lai.

“Ai cũng thừa nhận khi nuôi gà J-Dabaco lợi nhuận cao hơn nuôi gà Mía lai khoảng 10 triệu đ/1.000 con, song vì giá giống hơi cao nên người chăn nuôi có phần đắn đo, suy nghĩ. Nếu giống J-Dabco chỉ nhỉnh hơn chút ít so với gà lai Mía, chẳng ai bảo ai, người dân Yên Thế chúng tôi sẽ tự động SX giống gà này vì hiệu quả nhìn thấy ngay trước mắt”, chị Hạnh trăn trở.

THƯƠNG HIỆU ĐÚNG NGHĨA

Cách đây không lâu, thương hiệu gà đồi Yên Thế được một phen “nổi như cồn” khi được đích thân Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân ra tay xây dựng thương hiệu và chọn làm nơi cung cấp gà sạch cho Thủ đô Hà Nội.

Khoảng thời gian đầu, giá gà tại Yên Thế lên khá cao, bán chạy “như tôm tươi” khiến người chăn nuôi được phen sướng rên. Tuy nhiên, do ham lợi nhuận nên người dân bán gà còn non ngày tuổi dẫn đến chất lượng thịt thấp, người tiêu dùng Thủ đô sau thời gian tiêu thụ cảm thấy thất vọng.

Quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, nguyên nhân dẫn tới chất lượng gà đồi Yên Thế không được như mong đợi phần nhỏ do dân bán gà non thì cốt lõi, sâu xa do Yên Thế chưa có được một giống gà xứng tầm.

Trong số 4 - 5 triệu con gà được nuôi tại Yên Thế hàng năm, chiếm 80% là gà Mía lai. Đây là giống gà được người dân tự lai tạo bằng cách kết hợp giữa gà Lương Phương và gà Mía nên có nhược điểm tỉ lệ mỡ khá cao, không còn phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người dân thành thị.


Gà J-Dabaco được người dân Yên Thế đánh giá rất cao

Mặt khác, do quá trình lai tạo không có sự chọn lọc, nhân thuần cộng yếu tố chạy theo lợi nhuận nên các lò ấp gà thủ công tại Yên Thế mua trứng gà linh tinh từ khắp nơi về ấp nở rồi bán lại cho người dân với giá rẻ khiến thị trường giống hỗn loạn, chất lượng gà giống không phải kém mà là quá kém.

Chủ tịch UBND huyện Yên Thế Lưu Xuân Vượng thẳng thắn thừa nhận, khâu giống đang yếu và thiếu nhất trong chuỗi thương hiệu gà đồi Yên Thế. Mặc dù huyện có tới 38 cơ sở SX gà giống, nhưng phần lớn đều là các lò ấp thủ công nhỏ lẻ, manh mún, không đáp ứng được cả số lượng và chất lượng; đặc biệt ở thời điểm vào đàn nhiều.

Ông Vượng không ngần ngại chỉ ra điểm yếu của con gà Mía lai là chất lượng thịt thấp, trọng lượng lại to, không phù hợp với khẩu phần ăn của hộ gia đình cũng như xu hướng “ăn ngon mặc đẹp, ăn kén mặc chọn” của người dân đô thị.

Do đó, lãnh đạo huyện Yên Thế khi nhìn xa đã nhận ra rằng, nếu chỉ lấy giống gà Mía lai làm nền tảng để xây dựng thương hiệu về lâu dài sẽ không ổn, thậm chí có thể dẫn tới nguy cơ phá sản thương hiệu, bởi giống gà Mía lai hiện nay khó kiểm soát được dịch bệnh và nguồn gốc xuất xứ.

“Nhiều lúc chúng tôi cũng thấy buồn, thấy tự ái vì bị chê gà đồi Yên Thế “năm cha ba mẹ”, thậm chí có cả gà chíp Tàu. Nếu tình trạng này không được khắc phục, nguy cơ chúng tôi mất thương hiệu hoàn toàn có thể xảy ra, mà để xây dựng được thương hiệu như ngày hôm nay không phải là chuyện đơn giản.

Do đó, chúng tôi quyết định hợp tác với Dabaco để giải bài toán về giống, sau đến quy trình, kỹ thuật, thức ăn và VSATTP. Đây là đơn vị có thương hiệu, uy tín và thế mạnh về chăn nuôi. Đặc biệt, họ lại có giống gà J-Dabaco, phù hợp với định hướng phát triển gà đồi của chúng tôi (ri lai, Mía lai).

Quả thực, sau 1 lứa nuôi thử nghiệm người chăn nuôi đều đánh giá chất lượng gà J-Dabaco cao hơn hẳn gà Mía lai, hoàn toàn có thể đáp ứng được các tiêu chí chất lượng, mẫu mã, hàng hóa để xây dựng thương hiệu gà đồi Yên Thế.

Chúng tôi đang phối hợp với Dabaco xây dựng 1 cơ sở SX giống tại Yên Thế, dự kiến khi đi vào hoạt động mỗi năm cung cấp ra thị trường 4 - 5 triệu con giống, đáp ứng đủ nhu cầu giống trên địa bàn huyện. Nếu thử nghiệm đợt 2 thành công, J-Dabaco sẽ là giống gà đồi chủ lực của huyện”, ông Vượng kỳ vọng.

Ông Nguyễn Như Phán, PGĐ Cty Gà giống Dabaco (Tập đoàn Dabaco Việt Nam) chia sẻ, mục đích của chương trình hỗ trợ gà giống nhằm khuyến khích, động viên phong trào chăn nuôi của người dân cũng như để bà con được tiếp cận với giống gà tốt. Từ đầu năm 2013 đến nay, Dabaco đã hỗ trợ 50.000 con gà J-Dabaco cho người dân tại Yên Thế (Bắc Giang), Tân Trào (Tuyên Quang), Pác Bó (Cao Bằng).

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Thủ phủ cam Cao Phong tái canh để cứu cây đặc sản

Cao Phong, Hòa Bình từng là thủ phủ cam nổi tiếng của miền Bắc nhưng khi giá bán hạ, bệnh phát sinh khiến địa phương này phải tính đến bài toán tái canh.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.