| Hotline: 0983.970.780

Gà lậu lại đại náo Hà Vỹ

Thứ Năm 27/09/2012 , 10:08 (GMT+7)

Gần hai tháng sau ngày Thủ tướng ra công điện yêu cầu ngăn chặn nạn vận chuyển gia cầm lậu… Tác động của công điện đó giờ lỏng lẻo đến mức gà loại thải TQ đã chọc thủng hàng loạt phòng tuyến, tiếp tục đổ bộ rầm rập về Hà Vỹ.

Gần hai tháng sau ngày Thủ tướng ra công điện yêu cầu ngăn chặn nạn vận chuyển gia cầm lậu… Tác động của công điện đó giờ lỏng lẻo đến mức gà loại thải TQ đã chọc thủng hàng loạt phòng tuyến, tiếp tục đổ bộ rầm rập về Hà Vỹ.

>> Hà Vỹ sạch bóng gà thải lậu
>> Giá mà gà lậu biết nói tiếng Trung Quốc!

Phi vụ trong mưa

Rạng ngày 26/9, trời chưa tảng sáng bỗng rầm rập đổ mưa như trút. Dầm mình trong mưa, tôi hóa trang kín đáo phục ở bến phà Hà Vỹ (Lê Lợi, Thường Tín, Hà Nội) đón lõng các chuyến gà lậu từ huyện Khoái Châu, Hưng Yên vượt sông Hồng sang.

Một chuyến, hai chuyến, rồi gần chục chuyến phà chưa thấy dấu hiệu nào của gà lậu mà toàn hàng chuối, hàng vịt, hàng bồ câu. Vút. Chiếc xe tải loại 2-3 tấn tuy phủ bạt mà vẫn ló ra một vài cái lồng nhựa xanh, trắng, vàng đựng gà thốc ga để lại một làn khói đen sì. Đối tượng đây rồi. Vuốt cái mặt còn ướt nhẹp nước tôi lặng lẽ bám theo sau. Chiếc xe phóng rất nhanh qua con đường làng lúc bấy giờ đã có phần đông đúc rồi tiến vào cổng chợ Hà Vỹ. Chỉ mất mấy giây chiếc xe tải mang biển số 34 L 4504 đã đậu ở trong sân.


Chiếc xe biển 34 đang trút hàng...


Một lúc sau thấy động đã tháo vội biển số...


Và lại tiếp tục dỡ gà xuống

Đội cửu vạn hối hả leo lên thùng xe, dỡ bạt phủ, dùng móc sắt kéo soàn soạt từng lồng gà xuống. Một cái cân bàn được bày ra. Các chủ ki ốt “ăn hàng” kè kè tay bút, tay sổ ghi từng lô, từng lượt. Từ một góc bí mật tôi lia máy ảnh bấm tanh tách hàng loạt làm bằng chứng. Hết xuống hàng cho kiốt này, chiếc xe lại lùi sâu vào trong chợ, lặp lại quá trình bốc dỡ, cân đong cho ki ốt khác.

Công an, quản lý thị trường bỏ chốt

Chạy vào chốt của đoàn kiểm tra liên ngành đóng ở ngay tại chợ cấp báo tôi chỉ thấy mỗi lực lượng thú y là có mặt còn công an, quản lý thị trường hoàn toàn vắng bóng. Dường như thấy biểu hiện lạ, chỉ trong chớp mắt, lúc tôi ra khỏi chốt, chiếc xe ô tô chở gà đã bị tháo hẳn biển số. Đánh liều một mình ra tận nơi tôi thấy biển số xe đằng trước mũi chỉ còn là một tấm tôn lót xám xịt, biển số phía sau bị che kín bởi cửa thùng đã hạ xuống. Hoạt động bốc dỡ gà lại tiếp tục như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Trút hàng xong, chiếc xe lừ đừ sang bãi gửi sát chợ nghỉ. Lúc này, tôi gặp chị Trần Thị Nhung - cán bộ thú y trực ở cổng chợ, chị Nhung bảo xe ô tô đó chẳng có giấy tờ chứng nhận nguồn gốc gia cầm nhưng hô dừng lại mà nó vẫn tiến thẳng vào chợ.



Gà TQ bày la liệt

Tôi lại gặp anh Nguyễn Lê Ngà - cán bộ thú y phụ trách chốt để phản ánh. Anh Ngà bảo, sau công điện của Thủ tướng, tình hình gà lậu yên ắng được khoảng hơn một tháng rồi xuất hiện trở lại, lực lượng “du kích” là các xe máy, xe bọ xít (loại xe ba bánh tự chế) chở gà len lỏi vào tập kết trong chợ. Chừng dăm mười hôm thăm dò, thấy ổn mấy ngày nay ô tô chở gà lậu đã ngang nhiên xuất hiện trở lại. Chúng đi không theo một quy luật thời gian nào cụ thể, hễ thấy vắng mặt cơ quan chức năng là chớp thời cơ.

Tôi hỏi anh Ngà tại sao ca trực đêm qua và sáng nay lại thiếu lực lượng phối hợp và được anh giải thích: “Đáng lẽ mỗi ca thế này có một công an, một quản lý thị trường nhưng bên công an bảo dạo này tăng quân cho nơi khác còn bên quản lý thị trường lấy lý do đang chiến dịch kiểm tra hàng hóa Tết trung thu nên không có người. Đối với thú y chống dịch, chống gà lậu là nhiệm vụ chính nhưng đối với công an, quản lý thị trường thì vấn đề đó dường như chỉ là phụ thôi nên lắm lúc chúng tôi chỉ có một mình. Hà Vỹ tiếng là chợ gia cầm cấp quốc gia thật nhưng bản chất vẫn là chợ làng, từ Ban quản lý, người kinh doanh, người mua đến cửu vạn đều là dân làng hết. Làng thế nào thì anh biết rồi, rất nhiều sự ràng buộc. Không có sự hỗ trợ của công an mà thú y cho dừng xe ô tô chở gà lậu sẽ rất dễ xảy ra xô xát hoặc tẩu tán lung tung”.

Tại Hà Vỹ có 16 ki ốt buôn gà lậu hoạt động trở lại với số lượng ước tính theo anh Ngà là 5-6 tấn/ngày: “Trước đây có chừng 30-35 hộ buôn, mỗi ngày 15 tấn, hàng hóa dồi dào một xe ô tô đổ cho 2-3 ki ốt là hết. Nay hàng về kiểu tắc bọp, lượng ít hơn nên để giữ khách một ô tô phải san gà cho 5-7, thậm chí đến 10 ki ốt”. Những con gà xơ xác, xấu xí, nhàu nhĩ như mớ giẻ rách chỉ đáng làm thức ăn gia súc hoặc hủy bỏ vậy nhưng không hiểu sao khi lên đĩa lại hợp thị hiếu dân Việt.

Hiện tại giá gà “giẻ rách” bán ở chợ Hà Vỹ đã lên 72.000đ/kg, tăng hơn trước khi có công điện của Thủ tướng từ 15.000-20.000đ/kg. Đang vào mùa cưới, gà Tàu lại càng hút hàng, đắt giá trong khi gà đồi Bắc Giang chỉ có giá chừng 55.000-60.000đ/kg mà vẫn chậm tiêu thụ hơn vì da không giòn, thịt không dai, đậm đà bằng. Lúc đóng biên, gà loại không về chợ một ngày là cả Hà Vỹ nháo nhác, người mua chầu chực, la cà, bu đông bu đỏ các quán xá quanh vùng.

Chốt thú y Hà Vỹ cách đây mấy ngày đã gửi mẫu gà loại thải TQ lên Trung tâm Kiểm tra Vệ sinh Thú y TW với mục đích xem lượng tồn dư kháng sinh, hoóc môn, chất cấm thế nào. Kết quả phân tích sẽ được gửi đến các cơ quan thông tin tuyên truyền cho người tiêu dùng theo dạng “không thấy quan tài, không nhỏ lệ”. Đang trò chuyện với anh Ngà thì anh Dương Xuân Tĩnh - Trạm phó Trạm Thú y Thường Tín bước vào. Đúng lúc này một chiếc xe tải loại 3,5 tấn chở đầy gà mang biển số 17K 6742 tiến đến chợ. Vẫn như xe trước, nó không hề trình bất kỳ giấy kiểm dịch cũng như chứng minh nguồn gốc nào mà vẫn ầm ầm trút hàng.


Dỡ hàng từ xe biển 17

Kéo tay anh Tĩnh, chúng tôi ra tận nơi mục sở thị và nhận được những ánh mắt thản nhiên xen lẫn khinh khỉnh của cánh lái xe, cánh bốc dỡ lẫn dân buôn. Anh Tĩnh buồn rầu bảo: “Không ngờ hôm nay hàng về nhiều thế chứ hôm qua ông Cấn Xuân Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thú y và ông Uông Đức Ngọc - Chủ tịch huyện Thường Tín còn đi kiểm tra cùng lãnh đạo xã nhưng không thấy một ki ốt nào bán gà lậu. Trong tuần tới chúng tôi sẽ tham mưu cho huyện ra văn bản tăng cường các lực lượng chốt chặn ở chợ…”.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm