| Hotline: 0983.970.780

Gà trống... vắng ở làng quê

Thứ Năm 07/01/2010 , 11:09 (GMT+7)

Lang thang ở nông thôn mấy ngày nghỉ Tết dương lịch, tôi gặp đến cả chục người đi mua gà trống. Họ vừa đi đường rao “ai gà trống bán không” vừa hỏi thăm người dân vào từng nhà nuôi gà trống một. Ngay cả những bà bán hàng tạp hoá, bán hàng thịt lợn ở nông thôn nay cũng làm thêm một việc là mua gà trống...

Có rất nhiều thứ khan hiếm trong dịp Tết làm cho giá đội lên gấp nhiều lần, gà trống ta là một điển hình. Vì vậy mà, ngay từ bây giờ, cả nông dân và lái buôn đã nắm bắt lấy cơ hội hốt bạc này. 

Dậy muộn vì… gà trống

Gần 6 giờ sáng, bà Miền đã cho lợn gà ăn xong mà vẫn chưa thấy lão Miên dậy, bà chạy vào trong nhà, lấy bàn tay còn vương bụi thóc đập vào cổ lão và bảo: “Ông có dậy mà ra đồng xem cho tôi vườn bắp cải không, họ nói sáng nay về cắt đấy. Tôi đã bảo ông rồi mà, ông xem ti vi khuya thế cho hại sức khoẻ ra. Nối vòng tay lớn, người ta có thu được 5 hay 10 ngàn tỉ đồng, ông nghèo đấy thì cũng còn lâu mới đến lượt, tiền còn lâu mới về đến tay ông”.

Lão Miên vừa gãi cổ vừa nhìn lên chiếc đồng hồ treo trước mặt, đáp: “Ồ, đã 6 giờ rồi cơ à. Sao bà mắng tôi thế? Không phải tại cái thằng ti vi hay Nối vòng tay lớn đâu, mà chỉ tại mấy cái thằng buôn gà trống thôi. Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết cơ mà, sao chúng nó mua gà trống sớm thế. Bà sống với tôi gần 40 năm nay rồi, thức khuya mấy, cứ gà gáy là tôi dậy rồi còn gì. Tôi dậy muộn là gà nó không gáy đấy chứ. Bà có mắng thì ra đường túm mấy thằng mua gà trống mà mắng”.

Bà Miền mềm giọng: “Tối hôm qua, còn mấy con gà trống ta ở xóm này, họ mua sạch rồi, họ còn quay lại đây làm gì nữa mà túm, mà mắng. Còn ông nữa đấy, ông không trông nom cẩn thận, có 2 con trống tôi nuôi cả năm trời cho Tết để nó bắt trộm mất rồi, ông liều liệu mà sang làng bên dặn nhà ai có mua đi, chứ kẻo Tết này chẳng có gà trống mà thắp hương các cụ đâu”.

Câu chuyện ấy tôi nghe được ở một gia đình thuộc vùng nông thôn Thanh Miện (Hải Dương). Mấy năm trở lại đây, chăn nuôi nhỏ lẻ đã nhường chỗ cho chăn nuôi lớn, chăn nuôi tập trung, chăn nuôi nhỏ lẻ còn rất ít, vì thế gà trống, với vai trò là nuôi để phối giống cho các đàn gà quy mô nhỏ lẻ ở nông thôn cũng mất dần.

Nhưng với tập tục của người dân Việt Nam, gà trống vẫn giữa một vai trò không thể thay thế trong các dịp hiếu, hỉ, lễ và đặc biệt là trong ngày Tết Nguyên đán nên trong các hộ gia đình ở nông thôn vẫn nuôi mỗi hộ một vài con để có tiếng gáy và để phục vụ những ngày có ý nghĩa trọng đại đó, dù nuôi gà trống, người dân vẫn nói là nuôi báo cô, ăn nhiều mà chậm lớn.

"Nhiều nhà tính, bán với giá đó thì có vài con là cũng đủ tiền lo cho cái Tết tươm tươm, mặt khác vì gà trống càng gần Tết càng có giá, trộm bắt mất lúc nào không hay nên họ bán ngay. Cứ tình hình này, dân quê mang tiếng nuôi được gà trống, khéo chẳng còn gà trống mà cúng đâu".

Bà Nguyễn Thị Thuý, xã Tiền Phong, huyện Thanh Miện (Hải Dương)

“Mấy hôm nay, dân lái gà ở vùng này và ở đâu về ý, họ lùng sục từng nhà một hỏi mua gà trống, nếu bắt ngay thì giá cao hơn gà thường từ 10-15 ngàn đồng/kg, còn nếu để gần Tết bắt thì giá cao gấp rưỡi giá hiện tại. Dân chả hiểu được sao họ mua giá cao thế và mua nhiều thế” - một người dân xã Tiền Phong, huyện Thanh Miện (Hải Dương) cho biết.

Lang thang ở nông thôn mấy ngày nghỉ Tết dương lịch, tôi gặp đến cả chục người đi mua gà trống. Họ vừa đi đường rao “ai gà trống bán không” vừa hỏi thăm người dân vào từng nhà nuôi gà trống một. Ngay cả những bà bán hàng tạp hoá, bán hàng thịt lợn ở nông thôn nay cũng làm thêm một việc là mua gà trống sau đó bán lại cho dân tư thương kiếm lời. Có nhà còn gom hàng chục con về nuôi để bán Tết. Ngẫm, cũng phải thôi. Dân nông thôn mình cứ thấy cái gì có lợi là làm.

Lãi gấp 3 không có gà bán

Gà trống được các lái gà chuyên nghiệp và không chuyên gom lại ở khắp các vùng nông thôn, sau đó bán lại cho những đầu mối cấp vùng, rồi từ đó chuyển ra các thành phố lớn tiêu thụ.

Theo Hùng “gà” ở xã Thạch Khôi, huyện Gia Lộc (Hải Dương) thì gà trống sau khi được gom về khu vực này sẽ theo các xe chở rau vào các chợ tại TP HCM bán.

“Lí do để gà trống vào được TP HCM là các đại lí mua rau của vùng rau Gia Lộc, Tứ Kỳ (Hải Dương) nhận luôn cả việc mua gà trống ta phục vụ Tết. Vì vậy mà chúng tôi mới có cơ hội đưa gà trống ta vào TP HCM. Bán ở trong đó, vào những ngày gần Tết và sau Tết, giá gấp 3 lần mà không có gà bán. Nếu mình nuôi được một trại gà trống khoảng 10 ngàn con thì cứ Tết là thu tiền tỉ ngon như chơi” - Hùng “gà” quả quyết.

"Chú bảo giờ ở nông thôn còn nhiều người nuôi gà trống nữa đâu. Mà có nuôi thì chỉ một vài con, đa phần là họ để dùng cho ngày Tết, anh em đi mua gà phải rất khó khăn mới mua được. Khan như thế, trong khi dân TP bây giờ, gà trống, càng ngày lại càng không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền. Vì thế mà, nó tăng lên đến mấy trăm ngàn đồng/kg cũng phải thôi chú ạ".

Một lái buôn ở chợ Hàng Bè (Hà Nội) cho biết

Lần theo số ĐT 091259451… của một lái gà cho, tôi tìm đến Hoà “gà”, mà dân buôn gọi là Gà “còi” chuyên thu mua gà trống ở khu vực Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương cung cấp cho thị trường Hà Nội. Chả thế mà, đến nhiều địa điểm chuyên bán gà trống ta tại chợ Long Biên, Hàng Bè, Đồng Xuân… (Hà Nội) hỏi Gà “còi” họ đều biết tiếng.

Tìm về đại bản doanh của Gà “còi” ở Văn Giang (Hưng Yên), Gà “còi” khiêm tốn: “Anh làm bé thôi, ngày thường, mỗi ngày khoảng trên 500kg đến 1 tấn. Những ngày Tết thì vài tấn. Nếu có hàng, chục tấn bán cũng hết. Giá tăng vài lần so với hiện nay. Ví dụ bây giờ 60 ngàn/kg thì khi đó phải 180 – 250 ngàn/kg mới bán. Nhưng sức mình chỉ mua vào được như thế, thì bán ra như thế thôi. Mình chưa có điều kiện trữ gà nhiều như lái ở quê, mình có thì… ăn đủ.”

Mời nhau điếu thuốc và chén nước chè, dù rất bận cân gà và đếm tiền nhưng Gà “còi” vẫn không ngớt lời quảng cáo: “Mua gà ăn thử đi rồi quảng cáo cho anh. Chất gà của anh ở vùng này không có thằng nào qua mặt được đâu. Toàn là gà trống ta tuyển cả, dù giá cao một chút nhưng nó xứng với đồng tiền. Anh giao cho anh em ở các điểm bán ngoài Hà Nội, khách không chê một câu nào”.

Theo lời một vài tư thương bán gà trống tại Hà Nội về Gà “còi” nhập gà, thì năm ngoái, thời điểm cận Tết, giá gà trống lên đến 150-180 ngàn đồng/kg mà không có gà bán. Mùng 2 Tết giá lên đến 250 ngàn/kg. Năm nay, giá vào những ngày đó sẽ không dưới 200 ngàn đồng/kg.

“Gà trống ta trong ngày Tết là không thể thiếu được với nhiều người dân Việt Nam, giá có 300 ngàn đồng/kg mà còn gà thì dân cũng sẽ mua thôi. Chỉ sợ là năm nay gà trống ta sẽ vãn ngay từ Tết ông Táo, mấy trăm ngàn cũng không mua được vì tình hình hiện tại cho thấy gà trống năm nay hiếm lắm. Nhà tôi có ô tô đi quần khắp nơi mà cũng không mua được mấy chú ạ”- Gà “còi” khẳng định.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sụt lún nghiêm trọng tại kho một công ty lương thực thiệt hại 10 tỷ đồng

CẦN THƠ Vụ sụt lún xảy ra tại kho Bến Thủy của một công ty lương thực, ước tính thiệt hại 10 tỷ đồng, ngành chuyên môn đang tìm hiểu nguyên nhân.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm